Làm rõ tội danh 8 bị can rút ruột tượng đài Điện Biên

Thứ năm, ngày 15/07/2010 12:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 14-7, liên quan đến vụ án "Rút ruột tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ", Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 8 bị can.
Bình luận 0

Tám bị can bị truy tố về các tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Tham ô", "Đưa và nhận hối lộ".

Trước đó, ngày 29-3, TAND tỉnh Điện Biên đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau 3 ngày, Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa để điều tra lại, làm rõ thêm hành vi phạm tội của các bị cáo.

Các bị can bị truy tố lần này, gồm: Ông Lương Phượng Các - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Điện Biên, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; ông Lê Văn Viễn - nguyên Phó Giám đốc BQLDA; ông Trần Quốc Hưng - kế toán; ông Nguyễn Văn Chính - cán bộ BQLDA; ông Lê Huyên - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; ông Nguyễn Đức Sứng - nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo dáng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết và bà Võ Thị Hồng - nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương.

Theo cáo trạng, quá trình xây dựng tượng đài, các ông Lương Phượng Các và Lê Văn Viễn đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, thẩm định. Hai ông đã không thực hiện việc kiểm tra khả năng kỹ thuật, năng lực tài chính của Công ty Mỹ thuật Trung ương.

Biết Công ty Mỹ thuật Trung ương thi công đúc tượng đài không theo dự toán thiết kế, ông Các đã không có biện pháp ngăn chặn, khắc phục sai phạm mà vẫn ký đề nghị phê duyệt dự toán.

Quá trình xây dựng tượng đài, do không thực hiện giám sát theo quy định, dẫn đến tượng đài bị bớt xén vật tư, không đảm bảo về mỹ thuật, chất lượng công trình. Hành vi nêu trên đã gây thiệt hại về vật chất hơn 5,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau khi khánh thành công trình tượng đài, các ông Các, Viễn, Chính, Hưng đã tìm đơn vị ký hợp đồng tư vấn giám sát khống, làm lại hồ sơ nghiệm thu phần mỹ thuật và hồ sơ thanh toán.

Các bị can Lê Huyên và Nguyễn Đức Sứng không thực hiện việc giám sát thi công nhưng đã giúp 4 bị can nêu trên ký nghiệm thu chi tiết phần mỹ thuật được lập khống để chia hưởng số tiền chi phí tư vấn giám sát.

Trong đó, ông Các nhận 18 triệu đồng; ông Hưng 12 triệu đồng; ông Lê Huyên 65 triệu đồng; ông Viễn 15 triệu đồng và ông Sứng gần 90 triệu đồng.Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định bà Hồng đã chi 500 triệu đồng tiền "cảm ơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem