Làm sao tránh một “Formosa thứ hai”?

Mai Quốc Ấn Thứ bảy, ngày 03/09/2016 07:14 AM (GMT+7)
Dự án thép Cà Ná với công suất tối đa lên đến 16 triệu tấn/năm do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư là một siêu dự án thép do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Tuy nhiên, bài học về dự án thép Formosa- dự án cũng được ưu đãi khủng và đã gây nên sự cố môi trường nghiêm trọng vẫn còn đó.
Bình luận 0

Vì sao lại là thép trong khi Bí thư tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh này sẽ phát triển dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục đào tạo và kinh doanh bất động sản? 

Chính quyền tỉnh Ninh Thuận sẽ làm gì để đảm bảo sẽ không có một “Formoosa thứ hai”? 

Vì sao lại là thép? 

Ngày 28.6.2016, dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná, cảng biển tổng hợp Cà Ná đã được Ban Thưởng vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận ra thông báo thống nhất chủ trương đầu tư. Câu hỏi “vì sao lại là thép?” sẽ dễ trả lời hơn bởi tỉnh Ninh Thuận từng muốn làm thép ở Cà Ná khi đồng ý cho liên doanh Vinashin- Lion Group (Malaysia) đầu tư 9,8 tỷ USD để làm thép vào năm 2008. 

Nhưng vì lý do tài chính nên liên doanh này đã tan rã và Lion Group tuyên bố rút khỏi dự án và Ninh Thuận rút giấy phép đầu tư của dự án này vào năm 2011. Việc chấp thuận cho tập đoàn Hoa Sen làm dự án ở Ninh Thuận thực chất chỉ là làm tiếp một dự án thép khác thay dự án cũ.

img

Lý giải về việc vì sao Ninh Thuận đồng ý cho tập đoàn Hoa Sen triển khai dự án thép Cà Ná, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết do hiện nay, thị trường thép ở các nước phát triển đã bão hòa. Tại Châu Âu, việc sử dụng các sản phẩm thép đã ở mức bão hòa, trong khi việc xuất sang các nước phát triển lại gặp phải sự cạnh tranh rất lớn. Chính do vậy, hoạt động sản xuất thép dần chuyển về các quốc gia đang phát triển, như Việt Nam.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen cũng đưa ra lý do tương tự bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2016. Nhắc lại về câu chuyện môi trường, ông Lê Phước Vũ cũng đưa ra một đề nghị mang tính “ưu đãi” cả với Chính phủ lẫn đại diện tỉnh Ninh Thuận: Tập đoàn Hoa Sen sẽ mời các thành viên của Chính phủ gồm các chuyên gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến siêu dự án thép Cà Ná tham gia vào một ban quản lý để đánh giá từ việc chọn công nghệ đến đấu thầu, xây dựng... Và toàn bộ chi phí trả lương, đi lại, ăn ở của ban quản lý này sẽ do tập đoàn Hoa Sen… trả tiền!

Làm sao tránh “Formosa thứ hai”?

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã chủ động cung cấp cho phóng viên các thông tin về dự án thép của tập đoàn Hoa Sen. Theo ông Hậu, vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là làm sao vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo môi trường tốt như khẳng định nhiều lần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “không được đánh đổi kinh tế bằng mọi giá”. Và người dân cần được biết dự án có an toàn hay không.

img

“Bài học Formosa còn đó nên tỉnh đã thảo luận kỹ. Không phải tỉnh bất chấp tất cả để thu hút đầu tư. Bộ TNMT, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương phải đảm bảo đến mức nào tỉnh mới chấp nhận chứ. Khí thải, bụi, nước thải khi làm thép có thể xử lý được bằng công nghệ. Vấn đề là nhà đầu tư có quyết tâm đầu tư hay không?”- ông Hậu khẳng định.

Cũng theo ông Phạm Văn Hậu, Tập đoàn Hoa Sen phải ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định nhà nước và triển khai từng phần theo phân kỳ của dự án. Khác với Formosa Vũng Áng được làm đồng bộ rầm rộ, thép Cà Ná chỉ được phép làm theo phân kỳ. Ví dụ như nếu xây xong giai đoạn đầu (2017-2018 với công suất 1,5 triệu tấn/năm-PV) mà có phát sinh gây ô nhiễm môi trường là lập tức đóng cửa, rút giấy phép dự án ngay.

Ông Phạm Văn Hậu cũng cho rằng, cần thiết có sự phản biện của báo chí, nhà khoa học về dự án để đạt được sự an toàn, hạn chế rủi ro. “Họ (Tập đoàn Hoa Sen- PV) phải có đánh giá tác động môi trường. Và phải xem kiểm soát chéo giữa các bên như thế nào chứ không để môi trường bị ảnh hưởng như bài học Formosa”- ông Hậu nói.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết nếu triển khai dự án thép Cà Ná thì trong khuôn viên dự án có quỹ đất để làm khu xử lý nước thải tập trung chứ không thải ra biển. 

Được biết, dự án này không chỉ có luyện thép, đúc thép, cán thép mà là một tổ hợp nhiều dự án chung với nhau như sản xuất xi măng, luyện gang, nhiệt điện,…  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem