Hoa Sen đầu tư vào siêu dự án thép 10 tỷ USD: Có đi vào “vết xe đổ” Formosa?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 01/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Siêu dự án Thép của Tập đoàn Hoa Sen đầu tư vào Cà Ná (Ninh Thuận) đang dấy lên những nghi ngờ về “cam kết” bảo vệ môi trường biển mà phía Tập đoàn này đưa ra…
Bình luận 0

Cụ thể, Hoa Sen dự kiến đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD (hơn 230.000 tỷ đồng), công suất 16 triệu tấn/năm. Về dự án này, lãnh đạo tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, khẳng định: “Sẽ không để một giọt nước thải ra biển nếu chưa đạt yêu cầu tái sử dụng”, và: “Nếu dự án gây ô nhiễm, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho nhà nước”…

Dù đã có cam kết của lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế thì vấn đề này cần được cân nhắc kỹ càng hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, còn khá nhiều băn khoăn trong việc Tập đoàn Hoa Sen đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.  

Cụ thể, ông Hiển cho biết có 3 vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất, xét về mục tiêu chiến lược quốc gia thì có vẻ như chúng ta cứ xét đầu tiên là ưu tiên đầu tư vào vùng khó khăn. Dĩ nhiên, chiến lược phát triển kinh tế vùng miền khó khăn là tốt nhưng từ thực tế trước đây ở Việt Nam cũng như thế giới thì phát triển kinh tế phải dựa trên ưu thế vùng miền, không phải muốn là được.

Trong trường hợp phát triển nhà máy thép, các nước trên thế giới đều dựa vào các ưu thế như: vùng biển hẻo lánh, có cảng nước sâu… Ở đây, dự án này lại nằm giữa 2 thành phố du lịch nổi tiếng là TP Phan Thiết và Nha Trang, liệu có phù hợp không?

Chưa nói đến vấn đề môi trường, liệu quy hoạch theo kiểu “ưu tiên” này có thuận lợi nhất để phát triển ngành thép, mang lại giá trị tối đa?

img

Thứ hai, xét về góc độ phát triển thì các quốc gia đang hướng tới phát triển bền vững, công nghiệp mang lại giá trị gia tăng thì chúng ta lại phát triển theo hướng ngành công nghiệp nặng. Thực tế, thời gian qua ngành thép đã dựa dẫm quá nhiều vào sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước, thế nên thay vì phát triển theo hướng ưu đãi nguồn nguyên liệu thì sao ta không đầu tư cho phát triển công nghiệp giá trị gia tăng. Chưa kể, bên cạnh một nước khổng lồ dư thừa thép rất lớn như Trung Quốc thì Việt Nam nên cân nhắc tính đến chuyện đầu tư vào ngành thép, hoặc ít nhất là đầu tư cho sản phẩm cao cấp, không thuộc những dòng sản phẩm đang dư thừa hiện nay mà Trung Quốc đang đưa ra thị trường. Tuy nhiên, làm những sản phẩm cao cấp đó thì hết sức tốn kém về kinh tế cũng như khó về kỹ thuật, liệu Hoa Sen có làm được.

Cuối cùng, Tôn Hoa Sen cũng đang đi ngược với trào lưu thế giới. Tôi lấy ví dụ như Huyndai, họ sản xuất từ thô đến tinh, từ sản xuất xe đến các ngành công nghiệp phụ trợ mang lại giá trị cao. Còn Hoa Sen lại từ sản xuất tinh nhắm đến sản xuất thô là đầu tư vào cán thép. Như thế thì sao phát triển thành doanh nghiệp sáng tạo được.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, cam kết của Tập đoàn Hoa Sen là… “không ổn”.  

Theo bà Lan, nếu Hoa Sen cam kết dự án sẽ không gây ô nhiễm môi trường thì phải có cơ sở chắc chắn về thông số kỹ thuật, việc đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải cũng phải công khai để cho nhà nước cũng như xã hội kiểm soát chứ không phải chỉ là cam kết “đền bù tài sản” là xong.

“Thực tế, như Formosa đã xảy ra rồi, bây giờ có đền bù bao nhiêu cho Việt Nam cũng không đủ để có thể phục hồi lại vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bây giờ, Hoa Sen dự định đầu tư ở vùng biển Ninh Thuận thì thực sự tôi rất ngại cho tương lai của vùng biển này”, bà Lan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem