Làm sống lại nghề tằm tơ

Thứ năm, ngày 06/06/2013 08:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để giữ gìn và phát triển làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, chị Hoàng Thị Thanh, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã vay vốn mở xưởng, mời người dạy nghề cho bà con trong xã.
Bình luận 0

Sinh ra trong gia đình có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, chị Hoàng Thị Thanh (48 tuổi) đã gắn bó với nghề gần 30 năm.

img
Chị Hoàng Thị Thanh bên chiếc máy sơ chế tơ tằm do gia đình sáng chế.

Giấc mơ làm giàu

Chị Thanh kể: "Từ bé tôi đã được mẹ dạy nghề. Lớn khôn, tôi nhận thấy nếu chỉ làm theo cách truyền thống của cha ông trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ bán thì giá không cao. Bàn bạc với chồng, tôi quyết định thành lập doanh nghiệp để lo từ khâu sản xuất đến chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong huyện".

Năm 2006, chị Thanh cùng chồng là anh Hoàng Viết Đức thành lập doanh nghiệp mang tên Đức Thanh, đến năm 2009 đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Đức Thanh" do chị làm Giám đốc. “Ngày mới thành lập, công ty khó trăm bề- thiếu vốn, con giống, thu mua nguyên liệu... Không để khó khăn bước đầu làm ảnh hưởng đến giấc mơ làm giàu, tôi mua giống dâu mới về để trồng thử, rồi vận động bà con trong thôn cùng trồng. Sau 4 tháng thử nghiệm thì cây dâu phát triển khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng hơn giống dâu truyền thống"- chị Thanh nhớ lại.

Khó khăn không dừng lại, khi sản phẩm ra nhiều thì thị trường tiêu thụ chững lại khiến hàng tồn đọng. Chị Thanh lại lặn lội đến các tỉnh Nam Định, Hà Tây (cũ), Hà Nam... để tìm mối làm ăn, thuê lao động lành nghề, đồng thời học cách sơ chế kén để cho năng suất thu lại cao hơn.

Năm 2006, anh Đức sáng chế thành công máy sơ chế tơ tằm chạy bằng mô tơ điện. Công ty chạy thử nghiệm 6 máy, sản phẩm không chỉ đẹp mà cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao, chi phí và sức lao động giảm.

Mời thầy về dạy nghề

Sau 6 năm thành lập, Công ty Đức Thanh ngày càng phát triển bền vững. Chị mời kỹ sư chuyên ngành dâu tằm ở Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương về hướng dẫn bà con trong xã. Chị còn thuê giáo viên là những thợ có tay nghề cao ở các tỉnh khác về dạy cho công nhân công ty và bà con trong xã. Chị Phạm Thị Dung (58 tuổi) - giáo viên trong xưởng quê ở Trực Ninh, Nam Định tâm sự: "Tôi được chị Thanh mời về công ty dạy nghề cho công nhân 6 năm rồi. Dạy nghề cũng là cơ hội để cho tay nghề của tôi chắc hơn, sản phẩm làm ra đẹp hơn".

Chúng tôi đang chờ huyện duyệt dự án để mở rộng xưởng sản xuất tơ tằm, xây dựng xưởng dệt với công nghệ hiện đại...”.

Chị Thanh chia sẻ: "Người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng. Ví dụ trong khâu chọn kén tằm phải hướng dẫn bà con làm sao để kén mẩy, nhiều tơ, ít áo kén, dễ kéo tơ và kén phải đồng dạng về hình dạng và kích thước. Để kén tằm tốt phải hướng dẫn tỉ mỉ như khi tằm chín bỏ lên né mật độ vừa phải, nhiệt độ thích hợp từ 25-26 độ C, độ ẩm từ 70-85%, thích hợp với ánh sáng mờ đều hoặc tối, không khí phải thông thoáng”...

Hiện, công ty chị Thanh có 10 công nhân lành nghề. Chị Lan (thôn 7) là công nhân ở đây cho biết: "Vào làm ở công ty của chị Thanh, được học nghề nên tôi nắm chắc kỹ thuật trong việc trồng dâu, ươm kén tốt hơn trước".

Chị Thanh cho biết, giờ đây, khách hàng của Công ty không chỉ ở Thanh Hoá mà cả các tỉnh Nam Định, Hà Nội, Hà Nam... Trung bình mỗi ngày công ty nhập 5 tạ kén, mỗi tháng sản xuất 6 tạ tơ, doanh thu 300 triệu đồng/tháng. Doanh thu cao nhất có năm lên đến 7 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận 600 triệu đồng. Công ty đã tạo việc làm cho 50 lao động trong và ngoài tỉnh với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem