Điểm thấp vẫn có cơ hội
Thời điểm hiện tại, hầu hết các trường ĐH – CĐ đều đã công bố điểm trúng tuyển và chỉ tiêu (CT) xét tuyển NV2. Theo đó, cả nước có hơn 61.150 CT tuyển sinh NV2 vào các trường ĐH – CĐ, trong đó khối A là 46.000 CT; khối D 16.830 CT; khối C là 5.220 CT; khối B là 3.100 CT… Tuy CT xét tuyển năm nay lớn hơn rất nhiều so với các năm trước nhưng nhiều thí sinh vẫn loay hoay với số điểm “chơi vơi” cao chẳng cao, thấp chẳng thấp.
|
Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước các cơ hội xét tuyển nguyện vọng. |
Em Lê Ngọc Sơn – Trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) vừa trượt ĐH Xây dựng HN với số điểm 16 (khối A) cho biết: “Em muốn xét tuyển vào khối ngành kinh tế của một trường công lập nào đó nhưng số điểm lại không cao nên rất sợ trượt một lần nữa, nếu gửi hồ sơ vào trường dân lập chắc sẽ đỗ nhưng gia đình em không có điều kiện để theo học”.
Rất nhiều học sinh rơi vào hoàn cảnh tương tự như Sơn đã dự tính chọn giải pháp… ở nhà ôn thi lại một năm cho chắc. Trong khi đó, nhiều khối ngành đang hạ điểm sát sàn để “chờ” thí sinh xét tuyển. Khối công lập có các trường thuộc ĐH vùng, ĐH nông – lâm và khối trường kỹ thuật đều có điểm xét tuyển NV2 bằng sàn.
Điển hình như Trường ĐH Thái Nguyên với 5.114 CT trong đó 3969 CT xét tuyển ĐH và CĐ là 1.145 CT, hầu hết các ngành đều lấy điểm chuẩn bằng sàn. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có 440 CT với điểm xét tuyển trên sàn 0,5 điểm (điểm trúng tuyển NV2 của trường này năm 2010 bằng điểm xét tuyển) ĐH Tây Nguyên, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Quy Nhơn… và các trường khác ở khu vực miền Tây như: ĐH Đồng Tháp, ĐH Tiền Giang… cũng đang xét tuyển hàng nghìn chỉ tiêu NV2 với điểm với 100% điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ.
Khối dân lập càng rộng rãi hơn do thiếu quá nhiều chỉ tiêu. Một số trường đã “treo thưởng” cao cho thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển NV2 như: Giảm học phí, tặng học bổng (ĐH Hà Hoa Tiên); tặng laptop, hỗ trợ tiền sinh hoạt phí (ĐH DL Hải Phòng); ưu tiên 0,5 điểm cho thí sinh đăng ký sớm (ĐH Đông Á)…
“Mồi bé bắt cá bé”
Theo ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Bộ GD ĐT tại TP.Hồ Chí Minh: Thí sinh thường mắc một số sai lầm khi xét tuyển NV dẫn đến cả 3 lần đều… “trượt vỏ chuối” mặc dù điểm không đến nỗi nào.
Cũng theo tư vấn của ông Cường: Nếu thí sinh có điểm thi chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ 1 – 2 điểm thì đừng quá hy vọng vào các trường ĐH công lập, đặc biệt là các trường top trên. Các ĐH dân lập hoặc các trường CĐ có liên thông sẽ là sự lựa chọn thông minh cho các thí sinh này.
Bên cạnh đó, thí sinh phần nhiều vẫn có tâm lý muốn đi học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… để giải quyết khâu “oai”. Trong khi đó các ĐH vùng đang ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, cơ hội kiếm việc làm gần nhà cao mà điểm xét tuyển chỉ bằng sàn, rất dễ đỗ.
Một sai lầm nữa của thí sinh là nhận thức về cơ hội việc làm của các nhóm ngành chưa đúng. Theo phân tích của ông Huỳnh Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Nhóm ngành kinh tế, công nghệ đang rất “bắt mắt” nhưng dự báo 3 – 5 năm nữa nhân lực ngành này sẽ thừa, do đó ngoài phải cạnh tranh gay gắt đầu vào, thí sinh phải nỗ lực rất lớn trong quá trình học tập để có tấm bằng tốt, cạnh tranh đầu ra cũng sẽ khá khốc liệt.Trong khi đó, nhóm ngành kỹ thuật, công nghiệp, nông lâm… đang đào tạo không đủ nhân lực cho các đơn vị sản xuất, địa phương.
Theo ông Ngô Kim Khôi - Vụ phó Vụ GD ĐH (Bộ GD - ĐT): “Cơ hội trúng tuyển NV2 năm nay rất lớn, do chỉ tiêu thiếu nhiều mà thí sinh còn được rút hồ sơ xét tuyển nhiều lần. Vì vậy nếu thí sinh biết lựa sức mình, thì dù điểm thấp thí sinh vẫn có thể đỗ ĐH”.
Đầu vào dễ, đầu ra ổn định, “nhưng thí sinh của ta cứ nghĩ đến kỹ thuật, công nghiệp là nghĩ đến dầu mỡ, nông - lâm nghiệp là nghĩ đến bùn đất nên sợ khổ. Thực chất thì không phải như vậy” - ông Hùng nói.
Một lưu ý khác về điểm mới trong xét tuyển năm nay là cho thí sinh rút và gửi hồ sơ xét tuyển nhiều lần. Theo ông Cường đó cũng có thể là “con dao hai lưỡi” nếu như thí sinh không thận trọng cứ “đứng núi này trông núi khác” sẽ dễ… trắng tay.
Bởi lẽ “thời gian xét tuyển NV có hạn, mình rút được thì người khác cũng rút được, nếu theo dõi danh sách xét tuyển hàng ngày của trường, thí sinh sẽ dễ bị động, rối loạn và không biết mình nên phải làm gì, rút và gửi hồ sơ đi đâu?” - ông Cường phân tích.
Tùng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.