Loạn thu đầu năm học khiến phụ huynh "chuyển khoản mỏi tay": Xử lý nghiêm lãnh đạo trường (bài 3)

Tào Nga Thứ tư, ngày 20/09/2023 06:44 AM (GMT+7)
Mặc dù Bộ, Sở, Phòng GDĐT đã quán triệt việc loạn thu, lạm thu nhưng tình trạng này vẫn gây "dậy sóng" dư luận mỗi dịp đầu năm học. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần có biện pháp xử lý mạnh mới đủ sức răn đe.
Bình luận 0

Bài 1: Phụ huynh suýt ngất vì tiền mua máy tính cho giáo viên, cùng 20 khoản khác

Bài 2: Loạn thu đầu năm học : Các khoản nào nhà trường được và không được thu của học sinh?

Loạn thu, lạm thu đầu năm học: Cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Ngay khi vừa bắt đầu năm học mới, tình trạng loạn thu, lạm thu đã "nóng bỏng". Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư quy định rõ quyền hạn của nhà trường, hội phụ huynh, các khoản được thu và không được thu. Các Sở, Phòng GDĐT cũng liên tiếp có văn bản chỉ đạo nhưng tại sao các trường vẫn tồn tại tình trạng loạn thu, lạm thu gây bức xúc khi cha mẹ học sinh phải "chuyển khoản mỏi tay"? Hình ảnh giáo viên, trường học, hội phụ huynh một số nơi bỗng chốc trở nên "méo mó".

Lạm thu đầu năm học khiến phụ huynh "chuyển khoản mỏi tay": Chuyên gia chỉ  - Ảnh 1.

Phụ huynh trong ngày đầu năm học tại một trường ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Trao đổi với PV báo Dân Việt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho hay: "Lạm thu nghĩa là thu những khoản không có trong danh mục hoặc thu nhiều hơn những khoản có trong danh mục phải đóng. Ở các trường tư thục, các khoản chi phí đều tính vào học phí nên phụ huynh không phải đóng thêm khoản gì nên mức học phí ở các trường tư thường cao hơn. Lạm thu thường xảy ra ở hệ thống các trường công lập vì ngoài học phí, cha mẹ còn đóng thêm một số các khoản thu khác".

Bà Nga cho hay, ở trường công lập, mức học phí thấp đáp ứng cho số đông học sinh theo học. Nhà nước đầu tư cho các trường cơ sở vật chất và chi trả lương giáo viên. Vậy nhà trường thu những gì?

Lạm thu đầu năm học khiến phụ huynh "chuyển khoản mỏi tay": Chuyên gia chỉ  - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: QH

"Khi đi giám sát theo đoàn đại biểu quốc hội, tôi thấy thực tế các trường công lập bây giờ rất khó khăn vì định mức chi quá ít ỏi. Một trường THCS ở địa phương được cấp dao động 90-120 triệu/năm cho tiền điện, nước, các hoạt động... và số tiền này không bao giờ đủ. Vì vậy các trường phải kêu gọi xã hội hóa để phụ huynh cùng chung tay tổ chức các hoạt động như khai giảng, ngày 8/3, 26/3, 20/11...

Ngoài ra, nhà nước cũng chỉ trang bị cho các trường cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn. Phụ huynh muốn con em có điều kiện học tập tốt hơn thì chia sẻ với nhà trường để lắp thêm điều hòa, bảng thông minh, máy chiếu...", bà Nga nói. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở một số nơi khiến chủ đề này "nóng hầm hập" hết năm này đến năm khác. Ngành giáo dục mặc dù đã có nhiều giải pháp và nỗ lực nhưng tình trạng vẫn xảy ra.

Chia sẻ về các giải pháp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: "Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh nắm được cần phải đóng khoản gì và không đóng khoản gì. Có những khoản tiền phải đóng thì phụ huynh lại nghĩ lạm thu và ngược lại có khoản lạm thu mà phụ huynh lại không biết?

Về hội cha mẹ học sinh, hiện vẫn đang tranh cãi nên tồn tại hay xóa bỏ. Theo tôi, mục đích ra đời và vai trò của hội cha mẹ học sinh rất tốt, rất quan trọng. Đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và THCS cần huy động sự tham gia, hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Nhiều vụ việc như suất ăn không đảm bảo do chính hội cha mẹ học sinh phát hiện ra. Thế nhưng nhiều nơi hội lập ra chỉ để thu tiền mà không có đồng thuận cao của phụ huynh. Vì vậy cần rà soát, giám sát trong việc thu chi, nếu như phát hiện có những khoản thu chi không hợp lý phải xử lý ngay. Cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu để đủ sức răn đe. Nếu chỉ phê bình, nhắc nhở thì việc này lại tiếp tục xảy ra. Chúng ta cần chấn chỉnh chứ không nên xóa bỏ, phải thực sự ý nghĩa, đúng mục đích chứ không phải hoạt động không tốt là bỏ đi".

Đặc biệt với phụ huynh, giáo viên, bà Nga nhấn mạnh: "Nếu thấy khoản thu nào không hợp lý thì mạnh dạn nêu ý kiến. Nhiều cha mẹ sợ con bị ảnh hưởng, sợ các cha mẹ nhìn mình bằng ánh mắt khác nên không dám nói. Con cái sẽ nhìn vào cha mẹ để học cách ứng xử. Bản thân mình thấy sai trái mà sợ không dám lên tiếng, con cái chúng ta cũng học theo.

Còn có những phụ huynh ngược lại, thích nộp tiền nhiều để giáo viên quan tâm hơn đến con mình hoặc kêu gọi mọi người đóng tiền nhiều để ghi điểm với giáo viên. Với phụ huynh này chúng ta cũng phải nhìn nhận lại.

Với giáo viên, tôi rất chia sẻ vì họ quá khổ. Áp lực của việc dạy học đã nhiều, nhất là đang trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lại thêm nhiệm vụ khác nhau. Trong đó có việc phải thu các loại tiền như bảo hiểm, sách giáo khoa, đồng phục. Giáo viên rất mệt mỏi, bất kỳ sơ suất gì trong lớp học cũng đổ lên đầu. Sống trong môi trường như thế cũng không thể phản ứng lại được và chỉ biết thực hiện theo yêu cầu của nhà trường".

Siết chặt "trị bệnh" lạm thu

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cũng cho rằng, vai trò của một số ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị lạm dụng thái quá, trở thành cánh tay nối dài của nhà trường. Thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, một số trường học đã thu các khoản thu không đúng quy định, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Một số trường đang "nhờ cậy" ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động, ủng hộ đóng góp các khoản thu dịch vụ.

Lạm thu đầu năm học khiến phụ huynh "chuyển khoản mỏi tay": Chuyên gia chỉ  - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: QH

Dù có những bất cập, song bà Tú Anh khẳng định, không nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nêu 3 vấn đề cần siết chặt nếu muốn "trị bệnh" loạn thu, lạm thu. Thứ nhất, xã hội hóa giáo dục trên nguyên tắc tự nguyện trên cơ sở pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thứ hai, tổ chức lại hoạt động và trả lại chức năng, nhiệm vụ thực tế của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban phụ huynh học sinh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học. Đồng thời, tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Theo nữ đại biểu, khi có dấu hiệu sai phạm không chỉ hiệu trưởng bị xử lý mà còn cần truy trách nhiệm của trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Đôi khi chính bản thân người đứng ra "vận động" đóng góp chỉ nghĩ đơn thuần là đang ủng hộ cho hoạt động học tập của con em. Họ chưa nắm rõ những khoản nào được phép thu và không được phép thu. Đồng thời, phụ huynh cũng cần hiểu được quyền của bản thân theo quy định. 

Thứ ba, Bộ GDĐT cần có kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hoặc ủy quyền cho Sở GDĐT địa phương, đặc biệt công tác này cần sát sao ở những "điểm nóng" lạm thu mà dư luận xã hội phản ánh.

Thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, hiện là giáo viên dạy Sinh học tại Hà Nội bày tỏ: "Mặc dù đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo từ các cấp nhưng vấn đề loạn thu vẫn tồn tại, thậm chí còn biến tướng, được triển khai một cách khéo léo, kín đáo và tinh vi hơn trước đây rất nhiều. Lý do là tâm lý chung cha mẹ học sinh đều mong muốn cho con mình có những điều kiện học tập tốt nhất. Các nhà trường cũng đều muốn có một nguồn vận động tài trợ và khoản thu khác từ phía cha mẹ học sinh để đảm bảo vận hành các nhiệm vụ được hiệu quả hơn. Nếu mọi việc thu và chi diễn ra một cách minh bạch, công khai, được sự đồng tình và nhất trí của các phụ huynh và hơn hết là đúng pháp luật, sẽ không có gì để bàn.

Tuy nhiên, việc gây áp lực cho cha mẹ học sinh bằng cách tạo ra các khoản thu vô lý, không cần thiết, không tương xứng với chất lượng thực tế và khống giá một số hạng mục lên thì thực sự là cần phải xem xét lại.

Lạm thu đầu năm học khiến phụ huynh "chuyển khoản mỏi tay": Chuyên gia chỉ  - Ảnh 4.

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thầy Khánh cho rằng, để chấn chỉnh vấn đề này, việc đầu tiên là cần xử lý nghiêm minh, thậm chí kỷ luật, cho ra khỏi ngành hoặc truy tố với những lãnh đạo trường chỉ đạo việc lạm thu: "Chúng ta không thể xử lý qua loa, "xử như không xử" với các trường hợp vi phạm như trước. Cần xem xét và giám sát chặt chẽ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường và của các lớp. Bộ GDĐT cần sớm điều chỉnh thông tư về hoạt động của hội này để tránh việc hội được lập ra để làm cái cớ cho các trường thu các khoản, các quỹ khác nhau.

Cần tăng cường các ban thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động thu chi đầu năm và xuyên suốt năm học. Cần lập các đường dây nóng để cha mẹ học sinh và cộng đồng có thể liên lạc trực tiếp và báo cáo các trường hợp "lạm thu" tại các trường.

Và một điều quan trọng nữa chính là Bộ GDĐT cần chỉ đạo các Sở GDĐT trên cả nước căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương để đưa ra các mức thu, chi sao cho hợp lý với từng trường. Trên cơ sở khảo sát, kiểm tra và nắm bắt được thực trạng của từng địa phương, tâm tư của cha mẹ học sinh cho từng trường mà sẽ có sự chỉ đạo lãnh đạo các trường đề xuất mức thu, chi hợp lý và phải báo cáo, xin ý kiến của các cấp quản lý. Cũng cần thành lập các ban liên ngành để giám sát vấn đề này một cách chặt chẽ, khoa học và minh bạch".

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, để tránh lạm thu đầu năm học, đối với khối giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Điều quan trọng là các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Cùng với đó, cố gắng xây dựng lộ trình tiến tới mọi khoản thu ở trường đều không dùng tiền mặt, qua đó góp phần khắc phục chuyện lạm thu.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem