Lan Anh: Không ai “điên” như tôi...

Thứ bảy, ngày 08/01/2011 07:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi Lan Anh thông báo ra album trữ tình, không ít người ngạc nhiên không hiểu điều gì đã khiến giọng ca hàng đầu dòng nhạc cách mạng chuyển sang hát tình ca? Cô thừa nhận “ca sĩ hát nhạc đỏ, không ai “điên” như tôi...”.
Bình luận 0

Đầu tư khủng để chơi nhạc “sang”

Hỏi một cách thẳng thắn hơn. Có phải vì dòng nhạc cách mạng đang chìm và Lan Anh thì lại muốn nổi? Cô cười duyên: “Chỉ đúng một phần thôi. Ca khúc cách mạng thì mình hát hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, đôi khi muốn có đôi chút thay đổi để tạo nên những điểm nhấn”.

img
Ca sĩ Lan Anh

Lan Anh đầu tư cho sự thay đổi ấy một số tiền khổng lồ. Không “chơi” nhạc điện tử, Lan Anh mời nguyên dàn nhạc giao hưởng đệm cho mình. Việc thu âm dàn nhạc và giọng hát diễn ra hơn 6 tháng, phần mix và mastering được thực hiện tại Mỹ. Bối cảnh trong VCD trải suốt từ Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng...

Lan Anh tâm sự, ca sĩ theo dòng cách mạng, không ai “điên” như cô, phải lấy hết tiền nhà, đi vay chị em, rồi còn phải bán lỗ cổ phiếu để làm album. Nhiều người bảo, tiền ấy để dành cho mua nhà, ôtô thì hợp lý hơn, nhưng Lan Anh thì lại khá hài lòng với quyết định của mình: “Ít ra cũng làm được một sản phẩm ra tấm ra món”.

Trước câu hỏi có bao giờ bị áp lực khi bị so sánh với các bậc tiền bối, như nghệ sĩ Lê Dung chẳng hạn, Lan Anh thẳng thắn, mọi so sánh đều khập khiễng. Các tiền bối có sự từng trải, họ được sống trong những thời khắc lịch sử, họ thổi hồn thời cuộc vào bài hát của mình. Mình nghe, học hỏi và thấy vẫn có thể thành công, vì mình mang hơi thở thời đại vào đấy.

Hơn một năm sau nhìn lại, tuy không phải là thành công rực rỡ, nhưng “Hãy yêu nhau đi” đã tạo nên một dấu ấn rất riêng của Lan Anh. Trên một trang web về ca nhạc, ca khúc chủ đề album của Lan Anh đã được gần 73.000 lượt nghe.

Lan Anh bảo, khi làm album theo phong cách này, cô là người đi tiên phong, và cô chấp nhận thực tế là không phải ai cũng đón nhận mình, nhưng chắc chắn với album này, cô đã thể hiện được đẳng cấp của mình với những người trong nghề.

"Thế giới cực kỳ ưa chuộng phong cách này, có thể nói là nó đang hot nhất hiện nay, vậy thì tại sao mình không tự nâng tầm thẩm mỹ của mình lên? Đừng quá nuông chiều khán giả, không phải khán giả thích gì mình cũng chiều nấy. Cần phải dũng cảm thay đổi vì nó quá sang để thưởng thức” - Lan Anh tâm sự.

Không sáng tạo, không phải là nghệ sĩ

Nhìn lại, không phải ước muốn thay đổi của Lan Anh không có lý. Nổi tiếng ở dòng nhạc cách mạng với những Bóng cây Kơnia, Bài ca hy vọng, Tiếng đàn Ta Lư... và từng giành giải Nhì Giọng hát hay Hà Nội (năm 1997), sau đó là giải Nhất Thi hát thính phòng và nhạc kịch toàn quốc (năm 2000), thế nhưng không phải Lan Anh đam mê cổ điển từ bé.

img
Từ nhạc đỏ chuyển sang tình ca với album "Hãy yêu nhau đi"

Ít người biết, trước khi chuyển sang dòng nhạc sở trường thính phòng - cổ điển, cô đã từng có 2 năm theo dòng trữ tình ở Nhạc viện Hà Nội. Và trước nữa, cô là cây đơn ca được yêu mến với những bài hát trẻ trung của thành Nam. Lan Anh bảo, nếu chỉ hát cổ điển thôi, có thể sẽ trở nên nặng nề với nhiều người, nhưng nếu kết hợp với dòng trữ tình, người nghe sẽ thấy nhẹ nhàng, gần gũi.

Hỏi Lan Anh, liệu giờ cô có còn chơi sang như trước, Lan Anh cười, vẫn thích lắm, vì “đắt xắt ra miếng mà”. Nhưng lúc này, khi điều kiện kinh tế không cho phép, điều quan trọng nhất với cô bây giờ là có một ý tưởng lạ, không trùng lặp và gây bất ngờ.

Cô cho biết, vẫn đang nung nấu ý tưởng mới cho CD sắp ra mắt. Vẫn là nhạc trữ tình nhưng Lan Anh sẽ hát theo bản phối của các nhạc sĩ trẻ, lạ nhưng không phải phá cách hoàn toàn. “Nghệ sĩ không sáng tạo thì không phải là nghệ sĩ thực sự” - Lan Anh chia sẻ.

Con đường hạnh phúc

Sự thành công của ca sĩ thường đi liền với danh tiếng và cả vật chất. Nhưng với hầu hết những ca sĩ hát nhạc truyền thống như Lan Anh thì không. Hỏi cô, nếu nhìn vào những gì đang có của các ca sĩ trẻ dòng thị trường, có bao giờ cảm thấy buồn?

Cô đáp ngay: “Hiện thực cuộc sống là như thế, mình phải chấp nhận chứ. Thực ra là đôi khi cũng buồn một chút, nhưng phần lớn thời gian là tôi vui, vì mình được làm âm nhạc”. Cô bảo, tỉ lệ khán giả đến với nhạc thị trường luôn là con số áp đảo, vì nó dễ nhớ, dễ thuộc và... chóng quên.

Nhạc cách mạng không “hot” bất thường, nhưng nó bền bỉ tồn tại và mình vẫn hát, vẫn vui. Còn vui hơn nữa vì chồng, con luôn ủng hộ mình trên con đường nghệ thuật. Với một nghệ sĩ, được như vậy đã là hạnh phúc lắm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem