Lần đầu kinh tế tăng trưởng âm, Đà Nẵng đưa ra 3 kịch bản cho năm 2021

Đông Phong Thứ hai, ngày 07/12/2020 12:34 PM (GMT+7)
Kỳ họp thứ 16, HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào sáng nay (7/12) với rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó các đại biểu sẽ thảo luận về kịch bản phát triển kinh tế thành phố năm 2021
Bình luận 0

Ngày 7/12, HĐND TP.Đà Nẵng đã tổ chức Kỳ họp thứ 16 HĐND khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tại kỳ họp này, dự kiến HĐND TP.Đà Nẵng sẽ thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về kinh tế xã hội.

Tại cuộc họp sáng cùng ngày (7/12), Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, năm 2020, bên cạnh những khó khăn, thách thức, thành phố Đà Nẵng có thuận lợi cơ bản để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến. Theo đó, ông Hồ Kỳ Minh đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021.

Đối với kịch bản thứ nhất, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt 8,5-9%, phấn đấu tổng giá trị tăng thêm của các khu vực: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tương đương với kết quả năm 2019. Tốc độ tăng của dịch vụ là 7-8%; công nghiệp và xây dựng là 8-9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%.

Về kịch bản 2, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm và bắt đầu tăng tốc từ quý 3 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt trên khoảng 5-6%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018.

Đối với kịch bản 3: năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quý 4 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt khoảng 3-3,5%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018. Tốc độ tăng của dịch vụ là 2-3%; công nghiệp và xây dựng là 5-6%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%....

Lần đầu kinh tế tăng trưởng âm, Đà Nẵng đưa ra 3 kịch bản cho năm 2021 - Ảnh 1.

Ông Hồ Kỳ Minh Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đưa ra 3 kịch bản cho kinh tế Đà Nẵng 2021. Ảnh: Đình Thiên

Qua đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP.Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho rằng, xu hướng chung là các quốc gia đều mong muốn kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên tại nhiều quốc gia, các quyết định đều được xem xét, cân nhắc một cách rất thận trọng vì việc bãi bỏ những biện pháp hạn chế rủi ro quá sớm có thể kéo theo một đợt bùng phát dịch mới. Kịch bản 1 là lý tưởng, song hiện vẫn có 400-500 ngàn người mắc bệnh và 6-7 ngàn người tử vong mỗi ngày nên kịch bản 3 cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Cũng tại kỳ họp này, ông Ngô Xuân Thắng Chủ tịch UBMTTQ Việt NamTP.Đà Nẵng đã có ý kiến về việc trong nhiều năm qua, trên địa bàn TP.Đà Nẵng có nhiều dự án “treo” kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch của dự án. Vì vậy, việc rà soát các dự án “treo” là rất cần thiết nhằm phân loại các dự án cần hủy bỏ, điều chỉnh, tiếp tục đầu tư, bố trí kế hoạch vốn để bảo đảm triển khai thực hiện dự án.

Theo ông Thắng, thành phố cần sớm xử lý dứt điểm dự án "treo", đồng thời nghiên cứu chính sách cho các hộ dân trong dự án “treo” để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân trong vùng dự án, nhất là những dự án đã “treo” kéo dài trên 10 năm nay.

Lần đầu tiên phát biểu tại một kỳ họp HĐND TP với tư cách Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đã dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong năm qua, nhiều mục tiêu kinh tế của thành phố không đạt được do dịch bệnh và bão lũ. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc trung ương, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm.

Lần đầu kinh tế tăng trưởng âm, Đà Nẵng đưa ra 3 kịch bản cho năm 2021 - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu một số giải pháp thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng năm 2021 tại kỳ họp thứ 16 HĐND Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên

Tuy nhiên, Bí thư Đà Nẵng đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng, quyết tâm của người dân, doanh nghiệp, hệ thống chính quyền các cấp trong việc thực hiện vừa chống dịch bệnh, bão lũ vừa nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, giữ gìn an ninh trật tự và từng bước khắc phục được kinh tế xã hội của thành phố.

"Năm 2021, dự kiến mục tiêu phát triển kinh tế của Đà Nẵng trên 6%. Nếu đạt được thì cũng chỉ bằng chỉ tiêu năm 2018. Như vậy chúng ta bị tụt hậu 3 năm. Đây là khó khăn rất lớn nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để đặt ra các mục tiêu sát với thực tế", ông Quảng nói.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng cần phân tích kỹ các điều đã đạt được và chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế khi thực hiện nhiệm vụ trong năm 2020. Từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển kinh tế xã hội trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2026.

Đặc biệt, Bí thư Nguyễn Văn Quảng cho rằng, sau đại dịch Covid-19, Đà Nẵng cần phải có các giải pháp cụ thể hơn để khôi phục kinh tế. Theo đó, cần rà soát điều chỉnh, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh, tập trung nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút mạnh sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, quyết liệt triển khai giải ngân vốn đầu tư công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem