Theo báo cáo của công ty VC có trụ sở tại Singapore, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam vượt Singapore. Số tiền rót vốn cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam chiếm 18% tổng số vốn đầu tư trong khu vực (khoảng 741 triệu USD), đây là một bước nhảy lớn so với năm 2018. Trước đó, Việt Nam chỉ chiếm 4% và tổng số vốn gọi thành công 287 triệu USD.
Đông Nam Á vẫn là một khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ năm 2019, mặc dù tổng đầu tư đã giảm từ 12 tỷ USD năm 2018 xuống còn 7,7 tỷ USD. Theo phân tích dữ liệu từ công ty, năm 2019 các thương vụ rót vốn lớn có rất ít, song các giao dịch có giá trị dưới 50 triệu USD lại gia tăng.
Các thương vụ nhỏ đạt kỷ lục 2,4 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Ngược lại các vụ đầu tư lớn trên 50 triệu USD đạt tổng cộng 5,3 tỷ USD, giảm khoảng một nửa so với năm 2018.
Mark Suckling, một trong những tác giả của báo cáo cho hay, sự sụt giảm vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ do các công ty gọi vốn giai đoạn đầu chiếm số lượng lớn. Ông nhận định, khi những công ty này gọi vốn giai đoạn sau và các startup kỳ lân trong khu vực triển khai các vòng gọi vốn mới, tổng giá trị đầu tư vào startup công nghệ của Đông Nam Á có thể tăng trở lại.
Hai trong số những startup lớn tại Đông Nam Á, Grab và Gojek thu về số tiền gọi vốn vòng sau thấp hơn so với các năm trước. Theo tính toán của Cento Ventures, giai đoạn 2018 – 2019, Grab chỉ thu về 5,1 tỷ USD và Gojek 3,7 tỷ USD.
Năm 2019, các công ty công nghệ lớn khác trong khu vực cũng ghi nhận các vòng đầu tư lớn, Traveloka (420 triệu USD) và VNPay (300 triệu USD), công ty khởi nghiệp edTech của Indonesia Ruangguru (150 triệu USD) và công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Singapore (80 triệu USD). Những công ty Việt gọi gốn đầu tư ở các giai đoạn sau với giá trị cao có thể kể đến Tiki, VNPay và Sendo.
Các nhà đầu tư cũng xem xét đánh giá các công ty khởi nghiệp để tránh sự sụp đổ như WeWork trước đó. Nhận định lạc quan về khu vực, theo báo cáo này, diện tích rộng, dân số đông, nhu cầu dịch vụ trực tuyến tăng, nhiều ngành công nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ để cải tiến vận hành sẽ là tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Fintech Việt Nam được “cởi trói”
Theo dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt mà không có nội dung giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty Fintech có hoạt động trung gian thanh toán như dự thảo trước đó.
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin phản hồi về một số nội dung liên quan đến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101/2012 của Chính phủ quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo cơ quan quản lý tiền tệ, trong thời gian qua, dự thảo mới đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận với các nội dung, tuy nhiên cũng có một số ý kiến phản hồi liên quan tới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các trung gian thanh toán.
Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả công ty fintech) là 49%.
Một số ý kiến cho rằng, việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp này không phù hợp do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình mới, dựa trên nền tảng ứng dụng của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng.
Vì vậy, nếu hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng và fintech nói chung.
Đây được xem là tin vui đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Được "cởi trói" khỏi quy định áp trần vốn ngoại, các công ty Fintech của Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ các ông lớn.
Duy Anh (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.