Ở nơi “đất khách”, ông đã truyền dạy làn điệu hát then, đàn tính cho nhiều người, góp phần quảng bá làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng tại vùng đất phương Nam của đất nước.
Bén duyên nơi “đất khách”
Nhạc sĩ Hoàng Quân là người Tày, sinh năm 1942 ở Lạng Sơn, nhưng lại lớn lên ở Cao Bằng, nơi có nghệ thuật hát then, đàn tính nổi tiếng cả nước. Ông bén duyên với hát then, đàn tính rất sớm, bởi lúc nhỏ ông hay bị bệnh nên được gia đình gửi đi theo thầy hát then chữa bệnh. Chưa đến 10 tuổi Quân đã biết hát then, rồi sau đó tự học và biết chơi đàn tính. Nhờ có năng khiếu nên khả năng hát then, chơi đàn tính của Hoàng Quân ngày càng điêu luyện...
Nhạc sĩ Hoàng Quân (giữa) bên các học trò của mình. Ảnh: Hữu Ký
Ông Quân giải thích: “Hát then gắn với đời sống tín ngưỡng của người Tày. “Then” đọc theo tiếng Hán là thiên (trời), người hát then được xem là người kết nối con người với ông trời. Nên khi ốm đau, tân gia, xuống đồng, cầu an, cầu thọ… người Tày thường hát then để thưa chuyện với trời, cầu xin phù hộ. Đặc biệt vào lễ hội Kỵ Yên (cầu bình yên, sức khỏe cho gia đình, tổ chức vào tháng Giêng) hầu như đều có hát then, đi kèm nhạc cụ không thể thiếu được là cây đàn tính. Sau này hát then, đàn tính mới được mang đi biểu diễn như loại hình nghệ thuật”.
Năm 1979, nhạc sĩ Hoàng Quân chuyển vào TP.HCM dạy học. Khi đi ông không quên mang theo cây đàn tính, và điệu hát then lại vang lên mỗi khi ông nhớ quê nhà. Trong quá trình dạy học, ông thường đưa đàn tính, hát then ra giới thiệu, biểu diễn, nhờ vậy mà làn điệu dân ca Tày, Nùng được nhiều người biết. Thấy lạ và hay nên từ đầu những năm 2000, nhiều người tìm đến học thầy Quân. Ban đầu chỉ khoảng chục người nhưng số lượng dần tăng lên, đến giờ ông không nhớ hết đã truyền dạy cho bao nhiêu người, gồm nhiều lứa tuổi: Từ các ông bà tuổi ngoài 70, những người trung niên, đến sinh viên, học sinh.
Học trò của ông cũng tự tin mang hát then, đàn tính đi biểu diễn, thi tài khắp nơi, trong các sự kiện lớn như: 1.000 năm Thăng Long Hà Nội; Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc năm các năm 2007, 2009, Giao lưu văn hóa Việt – Lào… Ở đâu họ cũng được đánh giá cao, giành được nhiều giải thưởng.
Đưa cái mới vào hát then
Đến nay nhạc sĩ Hoàng Quân đã sáng tác được khoảng 40 ca khúc dựa theo làn điệu hát then. Điển hình là các bài: Tình ca biển đảo Trường Sa, Sài Gòn vang tiếng hát then, Về Tuyên Quang hội then, Cùng nhau gìn giữ màu xanh, Mênh mang thác Lưu Ly...
|
Với nhạc sĩ Hoàng Quân, dạy hát then, đàn tính là niềm vui, niềm hạnh phúc vì được góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc mình tại TP.HCM. Bởi vậy dù đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng tuần ông vẫn đều đặn đi dạy, thường là dạy tại nhà học trò.
Ông cho biết: “Học trò của tôi chủ yếu người Kinh nên ban đầu rất khó phát âm, luyện giọng, có bài phải tập mấy tháng trời. Niềm động viên với tôi là nhiều học trò đam mê hát then, đàn tính đến kỳ lạ, có người hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nhưng vẫn đến học. Những năm gần đây nhiều sinh viên dân tộc Tày, Nùng đang theo học tại TP.HCM đến học hát then, đàn tính, đó cũng chính là động lực để tôi tìm tòi cái mới đưa vào hát then nhằm làm cho nhiều người biết hơn”.
Theo nhạc sĩ Hoàng Quân, hát then, đàn tính cần kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy trong lúc dạy hát then ông đã lồng ghép vào đó các loại nhạc cụ như ghita, đàn mandolin, sáo… bên cạnh nhạc cụ chính là đàn tính. Nhờ vậy mà các bài hát then có sức sống hơn, âm thanh cũng hay hơn nhưng vẫn giữ được hồn cái gốc của hát then, đàn tính. Đây chính là điều thu hút các học trò, đồng thời góp phần cho hát then đàn tính phát triển được ở TP.HCM.
“Thầy Quân được xem là nghệ nhân hát then, đàn tính xuất sắc. Nhờ kết hợp cái mới vào thể loại nhạc dân tộc nên tạo cảm giác rất thích thú. Chúng tôi thấy độc đáo nên theo học. Riêng cây đàn tính kết hợp với áo dài thì rất duyên dáng, tôi nghĩ chỉ có ở Việt Nam mới có loại hình nghệ thuật độc đáo này”- bà Vũ Thị Minh Thông (74 tuổi, ngụ quận Tân Phú) - Chủ nhiệm CLB Đàn tính hát then Suối Hoa cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.