Vượt lên số phận, chị Ngô Thị Liên - một người phụ nữ nhiễm HIV ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã không chỉ sống tốt cho riêng mình mà còn là tấm gương nghị lực, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho cộng đồng người nhiễm HIV trên cả nước.
Sinh ra và lớn lên trong cùng một huyện, chị Liên quen chồng từ ngày chị học cấp 3, còn anh đang học một trường trung cấp gần nhà chị.
Chị Liên chọn cách sống tích cực và lạc quan cho mình, cho người thân và cho cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thảo
Tốt nghiệp cấp 3, thi trượt đại học, chị quyết định lấy chồng ngay sau đó vì thấy anh hiền lành, thật thà.
‘Cho đến bây giờ anh vẫn là một người hiền lành, chưa một lần đánh đập vợ con’, chị nói.
Cưới nhau xong chị mới biết anh là một con nghiện từ khi học phổ thông.
Năm sau đó, anh chị sinh được một bé gái xinh xắn. Ai ngờ, khi con gái mới được 9 tháng tuổi, chị nhận được tin dữ: chị dương tính với HIV.
Nhưng chị không phải là người đầu tiên biết tin này. Trong một lần đau bụng, chị được chị chồng đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ chỉ nói chị bị viêm gan B và từ nay không được cho con bú nữa.
Khi về nhà, chị chồng bế con gái chị đi và nói chị không nên gần con vì bệnh viêm gan B sẽ lây. Chị chồng cũng nói sẽ nuôi đứa bé. Dĩ nhiên, chị không chấp nhận việc đó. Đến khi chị phản đối gay gắt, gia đình chồng mới nói thật là chị đã nhiễm HIV.
Ngay lập tức, chị yêu cầu chồng mình cũng phải đi xét nghiệm. Kết quả không nằm ngoài dự tính, chồng chị cũng dương tính với HIV.
‘Đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn với tôi. Tôi đã từng tìm đến thuốc trừ sâu để tự tử, nhưng ông trời không cho chết. Sau này, tôi đã nghĩ rằng nếu cái chết không chào đón mình thì mình sẽ sống thật kiên cường’, chị nói.
Khi con gái đủ 18 tháng, chị đưa con đi xét nghiệm. May mắn, cháu không bị mắc căn bệnh thế kỷ. Nhưng sự kỳ thị và xa lánh sau đó của cộng đồng với gia đình chị là không thể tránh khỏi.
Chị quyết định công khai mình bị nhiễm HIV với cộng đồng. ‘Ban đầu, mình công khai chỉ vì muốn gia đình mình chấp nhận mình, yêu thương mình, để con cho mình nuôi. Mình cũng đã nghĩ đến nhiều phương án nhưng tốt nhất vẫn là nói thẳng để lấy lại sự công bằng. Mình cũng không muốn khi con mình lớn lên, sẽ hiểu sai việc tại sao mẹ nó không nuôi nó’.
‘Ngày cháu đi học mẫu giáo, nhà trường yêu cầu tôi phải trình giấy tờ y tế chứng minh cháu không bị nhiễm mới cho học. Sau này tôi mới biết, làm như thế là sai luật, nhưng lúc đó tôi không có kiến thức để nói lại, mà chỉ ra sức thuyết phục’.
‘Sau này, khi con đi học, thỉnh thoảng con cũng về kể với mẹ là các bạn không chơi với con. Con bị các bạn kỳ thị vì có bố mẹ thế này thế kia’.
Thậm chí, giai đoạn đầu khi phát hiện bệnh, đến bố mẹ đẻ chị cũng sợ hãi căn bệnh này. ‘Mẹ mình nghĩ rằng đã mắc bệnh này rồi thì chắc ngày mai có thể chết luôn. Bà chỉ hi vọng mình sống thêm được 1 năm nữa. Có bao nhiêu của ngon vật lạ, bà mang cho con gái ăn hết’.
Thương con, nhưng cũng chính vì không hiểu rõ về căn bệnh nên chị rất khó nói chuyện với bố mẹ. Chỉ mãi sau này, khi thấy chị vẫn lạc quan, vừa sống tốt vừa làm công tác xã hội giỏi, bố mẹ chị mới hiểu ra. Thậm chí ông bà còn tự hào khi thấy con gái được khen thưởng, tuyên dương nhờ làm các công tác từ thiện, giúp đỡ cộng đồng.
Nhớ lại thời điểm quyết định công khai căn bệnh, chị cho biết, đó là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng. Ở một huyện nhỏ như nơi chị sống, việc công khai mình nhiễm HIV sẽ buộc chị phải chấp nhận và đối mặt với nhiều thứ.
Khi được hỏi tại sao chị muốn công khai căn bệnh, trong khi nếu giấu nó đi, chị vẫn có thể sống bình thường như bao người khác, chị nói: ‘Mình không chấp nhận việc bỗng nhiên lại phải chịu số phận như vậy. Mình không chấp nhận việc người ta nhìn những người nhiễm HIV như một thứ gì đó xấu xa. Nó chỉ là một căn bệnh như những căn bệnh khác’.
Chị Liên làm kinh tế tốt từ việc bán hàng, làm trang trại gà.
Từ ngày công khai mình mắc bệnh, chị lại càng có quyết tâm, động lực để sống tốt hơn, làm kinh tế tốt hơn, nuôi con tốt hơn để chứng minh cho mọi người thấy rằng HIV chỉ là một căn bệnh.
Nhưng sau khi công khai, chị cũng phải mất một thời gian dài để lấy được niềm tin từ cộng đồng. Trước đó, chị đi chạy chợ tận Phú Thọ. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 2 giờ sáng chị đi xe máy từ Yên Bái về Phú Thọ lấy hàng rồi bán ở chợ gần đó luôn. ‘Buôn bán ở gần rất khó, nên mình phải tìm cách buôn bán ở thật xa, để không ai biết đến mình’ - chị chia sẻ.
Nhưng dần dần, với tính cách nhiệt tình, lối sống lạc quan, cởi mở với tất cả mọi người, chị được hàng xóm láng giềng yêu quý. ‘Sau một thời gian thấy mình sống tốt, sống khoẻ mạnh, kinh tế gia đình tốt, mọi người tự cảm nhận và mở lòng với mình. Bây giờ mọi người rất quý và tốt với mình’.
Đến năm 2016, chị nghỉ chạy chợ ở Phú Thọ. Năm 2017, chị về chợ huyện bán hàng thờ cúng, vàng mã. Cho đến bây giờ, chị cảm thấy mọi người đối xử với chị gần như một người bình thường. Sức khoẻ chị ổn định, sống vui, khoẻ. Chị khoe chị đang là chủ nhiệm một câu lạc bộ bóng chuyền: ‘Cứ 5 giờ chiều là mình lại tranh thủ đi đánh bóng chuyền’.
Một ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng. Ngoài ngày 2 buổi bán hàng ở chợ, chị còn chăn nuôi một trang trại gà để kiếm thêm thu nhập. Gần như tháng nào chị cũng lên Hà Nội và thường xuyên đi thực tế các tỉnh miền núi, vì hiện chị đang là Trưởng ban điều phối Mạng lưới quốc gia Hoa hướng dương Việt Nam - một cộng đồng những người nhiễm HIV gồm 2.000 thành viên ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc.
Chị nói, cuộc sống của chị có 2 công việc chính: kinh doanh sản xuất để đảm bảo cuộc sống và hỗ trợ cộng đồng.
Niềm vui lớn nhất của chị hiện tại có lẽ là cô con gái duy nhất đang học cấp 3 học giỏi, ngoan ngoãn.
‘Bây giờ mình không chỉ sống cho riêng mình mà sống cho rất nhiều người: cho người chồng đã ly hôn nhưng vẫn chung một nhà, cho đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, cho cả những người đang ở giai đoạn chật vật sống như mình ngày xưa’.
Mạng lưới Hoa hướng dương Việt Nam được thành lập từ năm 2004. Đây là một mạng lưới cộng đồng dành cho những người nhiễm HIV, nhận ngân sách hàng năm từ Uỷ ban Y tế Hà Lan - VN (MCNV) - một tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Việt Nam từ năm 1968. Mạng lưới đang hoạt động ở 3 mảng: y tế, giáo dục và xã hội.
Hiện nay, dự án đang hỗ trợ cho 2.000 phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV tại 7 tỉnh phía Bắc Việt Nam gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Nội và Quảng Ninh. Sứ mệnh của Hoa hướng dương Việt Nam là can thiệp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho những người nhiễm HIV vượt qua khó khăn, tư vấn và hướng dẫn họ thực hiện liệu trình điều trị khoa học, đúng cách nhất để họ có thể sống khoẻ mạnh và tự lập.
|
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.