Làn sóng công nghệ mới Blockchain, Metaverse và kì vọng đột phá kinh tế số Việt Nam

Nguyễn Thịnh Thứ tư, ngày 20/07/2022 11:43 AM (GMT+7)
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP, với nhiều kỳ vọng vào các công nghệ mới như AI, Blockchain …
Bình luận 0

Thị trường Blockchain, Metaverse phát triển ra sao?

Theo một thống kê được thực hiện cuối năm 2021, Metaverse có thể tạo nên một ngành công nghiệp có quy mô 12.500 tỷ USD trong tương lai. 

Trong khi đó, thị trường Blockchain toàn cầu được định giá 4,67 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 7,18 tỷ USD năm 2022 và 163,83 tỷ USD năm 2029. Tốc độ tăng trưởng khủng khiếp.

Ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập kiêm CTO tại KardiaChain, nền tảng Blockchain hàng đầu tại Việt Nam, đánh giá blockchain đã có những bước tiến nhất định so với trước, cùng với các hoạt động sôi nổi vừa qua, mọi người đã có cái nhìn tích cực hơn, họ bắt đầu quan tâm, tìm hiểu về công nghệ này. Có thể nói Blockchain hiện tại đã đạt được độ phủ nhất định.

Làn sóng công nghệ mới Blockchain, Metaverse và kì vọng đột phá kinh tế số - Ảnh 1.

Về phía Metaverse, ông Huy cho rằng đây chính là một trong những ứng dụng của Blockchain, nhưng ở thời điểm hiện tại nó vẫn còn là một khái niệm khá sơ khai.

"Mọi người gặp khó khăn khi phải đưa ra định nghĩa chính xác hay hiểu được Metaverse là gì. Tuy nhiên, nhờ có sự tham gia mạnh mẽ từ phía các ông lớn như Microsoft, Google hay sự kiện Facebook đổi tên thành Meta đã khiến cho lĩnh vực này ngày càng được chú ý. Trong năm 2022, 2023 tới đây khi hàng loạt các ứng dụng Metaverse ra đời, tôi tin rằng sẽ dễ dàng hơn để mọi người làm quen với nó", ông Huy Nguyễn nói với phóng viên Dân Việt.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định: "Với tôi thì Metaverse chỉ đơn thuần là một thuật ngữ mô tả trải nghiệm thế giới ảo 3D vô cùng sống động và được cá nhân hóa cho người dùng bằng cách tận dụng nhiều công nghệ tích hợp giúp người dùng có thể tham gia vào trò chơi nhập vai, tiến hành kinh doanh, giao lưu, mua bán bất động sản ảo và tận hưởng giải trí sống động, cùng nhiều thứ khác.

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để bảo mật dữ liệu và nội dung kỹ thuật số của người dùng trong Metaverse để làm nó có giá trị. Về mặt này, Blockchain là một giải pháp đầy hứa hẹn nhờ các tính năng khác biệt của nó về phân quyền, tính bất biến và tính minh bạch; chẳng hạn như thu thập dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, khả năng tương tác dữ liệu và bảo toàn quyền riêng tư của dữ liệu".

Làn sóng công nghệ mới Blockchain, Metaverse và kì vọng đột phá kinh tế số - Ảnh 2.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Theo một cuộc khảo sát của CNBC, cứ 10 người thì có 1 người đầu tư vào tiền điện tử, được sử dụng chủ yếu để giao dịch các loại hàng hóa khác nhau như NFT. Khi các sàn giao dịch tiền điện tử có thể truy cập được trên toàn thế giới, các nhà đầu tư có thể sử dụng đồng tiền này để bán trực tiếp cho người mua trên thị trường Metaverse, thay đổi tích cực xu hướng thị trường Metaverse.

Đồng thời, theo Grand View Research thì hiện quy mô thị trường Metaverse toàn cầu ước tính đạt 38,85 tỷ USD vào năm 2021. Dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 39,4% từ năm 2022 đến năm 2030. Như vậy rõ ràng, đây là thị trường đã được hình thành, được thế giới đón nhận nhanh chóng và nhu cầu dùng Metaverse để mua tài sản kỹ thuật số thông qua tiền điện tử ngày càng tăng.

Tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP, với nhiều kỳ vọng vào các công nghệ mới như AI, Blockchain …

Tại Việt Nam, Blockchain được coi là một ngành tiềm năng, với dân số 100 triệu người. Trong số 200 công ty, doanh nghiệp hàng đầu kinh doanh dựa trên công nghệ Blockchain, có 5-7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập.

Hiện tại, có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain với giá trị vốn hóa thị trường trên 100 triệu USD. Các kỳ lân công nghệ Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Blockchain toàn cầu.

Mỗi năm, thị trường Blockchain tăng trưởng 50-60%/năm. Ngoài Blockchain, Việt Nam còn phát triển nhiều lĩnh vực khác như Metaverse (vũ trụ ảo). Đây cũng là một lĩnh vực hoạt động mới với thị trường Blockchain và có nhiều hứa hẹn tại thị trường Việt Nam.

Làn sóng công nghệ mới Blockchain, Metaverse và kì vọng đột phá kinh tế số - Ảnh 3.

Các công ty khởi nghiệp nên xác định sáng suốt các làn sóng cơ hội đến với mình và các cơ hội này đang giải quyết các mục tiêu, vấn đề trong chiến lược hoạt động của mình.

Tại Việt Nam, cú hích Metaverse lớn nhất đến từ Axie Infinity - game blockchain. Chỉ 4 năm, Axie gọi vốn lên tới 152 triệu USD, đứng đầu trong danh sách tiền kỹ thuật liên quan đến Metaverse, với giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD. Tiếp đó, các dự án blockchain Việt khác như Faraland, Sipher, Elpis Battle, Meta Spatial… cũng đang trong quá trình để trở thành Metaverse hoặc tạo nền tảng giúp xây dựng Metaverse. Đến nay, số dự án Blockchain tại Việt Nam được thành lập vào khoảng 300 dự án, nhiều dự án gọi vốn thành công hàng chục triệu USD.

"Giới công nghệ cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng nhanh các công nghệ áp dụng trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, học máy, Metaverse, Blockchain. Bởi chỉ có đầu tư, đưa chất xám Việt Nam vào mới có sản phẩm Việt cung cấp cho các doanh nghiệp Việt", ông Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) nói.

Khi được hỏi về việc Blockchain và Metaverse dự báo sẽ tạo đột phá gì cho kinh tế số Việt Nam, ông Huy Nguyễn cho biết:

"Từ trước đến nay Việt Nam lẫn luôn phải "chạy theo" sự phát triển của thế giới, nhưng chỉ riêng về mặt Blockchain và Metaverse, Việt Nam đang có cơ hội để đi cùng tiến độ với thế giới.

Và có rất nhiều giá trị mà Blockchain đang và sẽ có thể đóng góp vào ngành kinh tế số, cụ thể hiện nay với ít nhất 20 ngành nghề đã áp dụng Blockchain cho chuyển đổi kinh tế số và mang lại kết quả tích cực, quy mô thị trường Metaverse ước tính đạt 38,85 tỷ USD, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Khi COVID-19 lan rộng khắp thế giới, nhu cầu về thực tế ảo tăng lên và Metaverse hiển nhiên được hưởng lợi phát triển. Có thể nói metaverse không chỉ là một thị trường mà đây còn là một thế giới mới, mô phỏng phong cách, thói quen, sở thích của cộng đồng. Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp đang tham gia vào NFT và Metaverse, nhưng liệu rằng đây chỉ là một xu hướng nhất thời hay sẽ trở thành một xu thế của thời đại thì vẫn đang là một ẩn số. 

Tuy nhiên, khi Metaverse có thể được hiểu là một không gian cho phép mọi người hòa mình hơn vào các hoạt động sáng tạo bằng cách giải quyết một số hạn chế về không gian và tài nguyên thì tôi tin rằng với sự sáng tạo không giới hạn của con người sẽ sớm tạo ra một thị trường sôi động nhất theo bản năng của nó.

Làn sóng công nghệ mới Blockchain, Metaverse và kì vọng đột phá kinh tế số - Ảnh 4.

Tỷ phú tiền mã hóa Changpeng Zhao (CZ) đến Việt Nam hồi tháng 6.

Vậy các startup Việt cũng đã tích cực đón cơ hội và cả thách thức từ Blockchain và Metaverse. Ông Phan Đức Trung đưa ra lời khuyên: "Trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội như hiện nay thì các công ty khởi nghiệp nên xác định sáng suốt các làn sóng cơ hội đến với mình và các cơ hội này đang giải quyết các mục tiêu, vấn đề trong chiến lược hoạt động của mình.

Các startup công nghệ phải luôn cảnh giác và chuẩn bị cho sự hỗn loạn đang càn quét qua thị trường gấu mà không cần phải cảnh báo trước. Ở mọi thời điểm dù thị trường bull (thuật ngữ mô tả một thị trường tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hoặc tiền mã hoá) hay bear (có nghĩa mô tả trạng thái thị trường chứng khoán đang suy giảm – hay còn gọi là thị trường downtrend) thì tôi muốn khuyến khích các startup phát triển hiệu quả song hành với kiểm soát chi phí vận hành ở mức thấp nhất".

Ông Trung nhấn mạnh thêm: "Nếu các startup chỉ làm việc như những chuyên gia Marketing công nghệ thuần túy, thời điểm này các bạn không có việc làm. Thay vào đó, hãy đi tìm chuyên gia, các công ty đứng đầu lĩnh vực ngành nghề đó để kết hợp. Bạn nên cùng các chuyên gia phân bổ các chi phí công nghệ vào các khoản mục hữu ích và cân đối dòng tiền phù hợp vào các hạng mục ưu tiên.

Hiện, không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên thế giới, việc hỗ trợ các startup đã trở thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự toàn cầu và vai trò quan trọng của startup đang bắt đầu được công nhận như là động lực chính của sự tăng trưởng và phát triển ở các nước đang phát triển. Ý tôi muốn nói ở đây là các startup cần nắm rõ vị thế để sớm cân bằng quy mô và tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu của xã hội".

Vì sao blockchain ở Việt Nam mới chỉ được hiểu là tiền số?

"Tôi cũng đến với tiền số trước khi biết Blockchain và cũng đã phải trả học phí khá đắt năm 2018. Nên nếu như rất nhiều người bị như vậy khi họ vào thị trường năm 2021 cũng là bình thường nhìn ở góc độ tổng quan. Đó chính là lý do mà chúng tôi quyết tâm thành lập Hiệp hội Blockchain Việt nam chính danh từ năm 2021 với sự ủng hộ của Bộ khoa học công nghệ và Bộ nội vụ.

Tôi tin rằng sự ra đời của Hiệp hội chính danh sẽ là nơi truyền tải kiến thức đúng đắn với cộng đồng. Kiến thức này không chỉ là đầu tư mà nó là kiến thức ứng dụng cũng như quản lý nhà nước nằm trong xu hướng ứng dụng công nghệ toàn cầu của blockchain. Khi nào mùa bull quay trở lại cùng kinh tế toàn cầu, tôi rất mong Việt nam sẽ đánh dấu là điểm sáng trên bản đồ công nghệ blockchain toàn cầu", ông Trung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem