Thành An – Phạm Hằng – Tiến Trung
Thứ hai, ngày 11/04/2022 13:00 PM (GMT+7)
Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, không chỉ mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, đặc sắc, có ý nghĩa về tâm linh mà còn thể hiện về mặt đạo đức, phản ánh rõ nét giá trị của lòng yêu nước.
"Sợi chỉ đỏ" kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai
Năm nay, tròn 10 năm (2012-2022) UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, TS - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay: Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cấp quốc gia, dân tộc và cũng là quốc gia duy nhất trên thế mà cả 54 dân tộc anh em đều chung một cội nguồn, chung một giỗ Tổ - đó là tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Do vậy, hàng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lại có hàng triệu triệu đồng bào hành hương, hướng về nguồn cội tại Đền Hùng (Phú Thọ) và các Đền Hùng khác trên khắp mọi miền đất nước.
TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương liên quan đến tinh thần yêu nước, vì vậy trước hết cần củng cố tinh thần yêu nước. Tiếp đó, cần cụ thể hóa các hoạt động, ví dụ bày tỏ lòng yêu nước ấy bằng chính tình yêu thương những người thân trong gia đình, cộng đồng… Để có được điều đó cần có sự giáo dục thường xuyên, trong đó, quan trọng nhất là giáo dục từ trong nhà trường về những nghi lễ, bài học ứng xử văn hóa, về truyền thống, đạo đức.
"Đó là một trong những cách để thực hiện chủ nghĩa yêu nước, thực hành đạo lý uống nước nhớ nguồn chứ không còn đơn thuần chỉ là hành vi của tín ngưỡng và niềm tin" - TS Nguyễn Ánh Hồng nói, đồng thời nhấn mạnh về kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại: "Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam vì di sản này không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là một phần giá trị của văn hoá nhân loại".
Đề cập đến giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, GS - TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam từng cho rằng: Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Qua các tài liệu nghiên cứu, khoảng thế kỷ XIV-XV, nhà Lê bắt đầu cho xây dựng bộ ngọc phả Hùng Vương, sau đó là việc thờ cúng Hùng Vương. Các triều đại sau đó như nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều có việc phong sắc giao cho các làng, xã xung quanh núi Nghĩa Lĩnh (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) thờ cúng Hùng Vương. Cho đến nay tín ngưỡng này đã phát triển mạnh mẽ. Sở dĩ có điều này là bởi vì tất cả người dân Việt Nam luôn luôn coi Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc, là ông vua lập nước.
"Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền cho ông Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm lễ trước miếu thờ các Vua Hùng. Đến giờ, nghi lễ thờ cúng Vua Hùng đã được nâng lên tầm quốc gia, trở thành một sự kiện văn hóa lớn. Hoạt động này khơi dậy ý thức cội nguồn thiêng liêng, khơi dậy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước…" - GS - TS Nguyễn Chí Bền cho hay.
Đáng chú ý, ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc, hội tụ văn hóa tâm linh, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một "sợi chỉ đỏ" kết nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai và là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa con người, giữa cộng đồng các dân tộc.
Theo nhận định của TS Nguyễn Ánh Hồng, thời kỳ Hùng Vương chưa gọi là chủ nghĩa yêu nước mà chỉ là lòng yêu nước, tinh thần yêu nước hoặc đơn thuần chỉ là biểu hiện tình cảm, tinh thần, ý thức yêu nước của người dân. "Tiêu biểu nhất là trong câu chuyện của Thánh Gióng - một trong "tứ bất tử" của người Việt Nam, chính Thánh Gióng đã trở thành một biểu tượng kết tinh cho sức mạnh của lòng yêu nước… Tất cả những chi tiết trong câu chuyện Thánh Gióng như sinh ra, lớn lên và đánh giặc Ân, bay về trời… đều minh chứng cho lòng yêu nước đặc biệt của người dân Việt Nam trong thời đại Hùng Vương" - TS Nguyễn Ánh Hồng nói.
Từ câu chuyện Thánh Gióng, bà Hồng cho rằng, ngày hôm nay, tinh thần đồng tâm, đồng chí, đồng lòng, đồng tộc của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc người dân chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đơn cử như, trong những ngày chống dịch Covid-19 gian nan, có những Mẹ Việt Nam Anh hùng như bà Ngô Thị Quýt (95 tuổi) vẫn ngồi may khẩu trang chống dịch; có những học sinh tiểu học viết thư cho Thủ tướng xin góp toàn bộ tiền mừng tuổi để mua khẩu trang phát miễn phí… Hay sự chia sẻ của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, các nghệ sĩ… cùng vào cuộc góp công, góp của cùng đẩy lùi dịch bệnh. Đó là những câu chuyện khiến người ta hết sức xúc động bởi tinh thần sẻ chia "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Và đấy chính là một biểu hiện của lòng yêu nước trong thời đại mới.
Lan tỏa tình yêu nước trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho thế hệ trẻ
TS Nguyễn Ánh Hồng cũng thẳn thắn chỉ ra rằng, ngày nay nhiều bạn trẻ không hiểu về thời đại Hùng Vương, thậm chí nhiều người cho rằng thời kỳ Hùng Vương là một thời kỳ chỉ tồn tại trong huyền thoại, tức là không có nhà nước, không có lòng yêu nước…
"Cho nên, theo tôi cần phải giáo dục, cần phải xây dựng một hệ giá trị, một tâm thức rất rõ ràng để các bạn trẻ ngày nay hiểu biết về văn hoá của người Việt thời kỳ Hùng Vương một cách rõ ràng nhất, từ đó họ hiểu biết, tự hào và trân quý những chi tiết lịch sử; đồng thời, phải để cho các bạn trẻ bây giờ hiểu là lòng yêu nước biểu hiện của ngày xưa và biểu hiện của bây giờ khác nhau" - TS Nguyễn Ánh Hồng nói.
TS Ánh Hồng phân tích: "Lòng yêu nước ngày xưa có thể đơn thuần là "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai", còn bây giờ lòng yêu nước chính là biểu hiện của tích lũy tri thức, làm giàu một cách chính đáng để xây dựng Tổ quốc. Sáng nay tôi vừa lên lớp và nhấn mạnh với các sinh viên rằng: Lòng yêu nước trong bối cảnh ngày nay chính là phải tích lũy tri thức. Kẻ thù của chúng ta ngày hôm nay chính là sự -dốt nát. Vì như Bác Hồ từng nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.