Lan tỏa nghĩa cử hiến tạng cứu người

Diệu Linh - Thuận Hải Thứ tư, ngày 17/07/2019 10:11 AM (GMT+7)
Sáng 16/7, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh cùng các thí sinh cuộc thi Miss World Việt Nam 2019 đã có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đăng ký hiến tạng. Trước Hoa hậu Mỹ Linh, trong thời gian gần đây đã có nhiều người nổi tiếng và rất nhiều người không nổi tiếng cũng đăng ký hiến tạng, để nghĩa cử cao đẹp này thành phong trào, lan rộng trong xã hội. 
Bình luận 0

Nhiều người nổi tiếng đăng ký hiến tạng

Trò chuyện với phóng viên sáng 16/7 tại bệnh viện, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh chia sẻ, cô biết đến chương trình hiến tạng nhân đạo từ lâu, tuy nhiên mới đây, khi đọc được câu chuyện về cô bé Hải An dù mới 7 tuổi nhưng khi biết mình mang bệnh nặng, cô bé đã đề nghị mẹ cho mình được hiến tặng giác mạc cho các bạn khác đang cần, và sau khi tìm hiểu kỹ hơn về chương trình và các kỹ thuật liên quan đến việc lấy tạng từ người hiến, Mỹ Linh càng tự tin hơn về quyết định của mình: Hiến tạng cứu người.

img

Nghệ sĩ Quyền Linh và chia sẻ về tâm nguyện hiến tạng sau khi qua đời: “Ra đi là để lại giá trị nhân văn  cho đời mãi mãi”, sáng 16/7 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.  THUẬN HẢI

“Mỗi chúng ta khi sinh ra, có được hình hài này là nhờ công ơn của cha mẹ. Linh biết ơn điều ấy và luôn trân quý bản thân mình. Hôm nay, Linh đã có một quyết định quan trọng, đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Và trong quyết định này của Linh, Linh nhận được sự đồng hành và ủng hộ từ mẹ. Người đã cho Linh hình hài, cho Linh cuộc sống này cũng đã ký vào giấy hiến tạng, thì không có lý do gì để Linh ngần ngại với quyết định của mình” - người đẹp chia sẻ.

Hoa hậu Việt Nam năm 2016 cũng chia sẻ rằng: “Thông thường, quan điểm người Việt Nam là mong muốn sau khi chết đi, ai ai cũng muốn cơ thể mình được nguyên vẹn. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, Linh thấy rằng, với những tiến bộ của y học hiện nay, việc lấy tạng không làm ảnh hưởng nhiều đến cơ thể người hiến”.

Tôi quyết định đăng ký hiến tạng mà không suy nghĩ, trăn trở gì nữa. Tôi còn nhận làm đại sứ đồng hành cùng chương trình của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời điểm ấy, với mục đích vận động mọi người nếu có thể hãy tham gia hiến tạng cứu người… Tôi chỉ mong mọi người có thể cảm nhận được rằng chết không phải là hết và cho đi là còn mãi”.

 MC Quyền Linh

Cùng có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng nay, nghệ sĩ Quyền Linh cũng đã chia sẻ những ý nghĩa của việc hiến tạng. Trước đó, Quyền Linh cũng đã đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Quyền Linh cho biết, anh quyết định đăng ký hiến tạng khi thấy nhiều người  trẻ là trụ cột của gia đình qua đời vì không được ghép tạng thay thế, nhiều hoàn cảnh phải nằm chờ vài năm trời để được ghép tạng. Từ thực tế đó, không chỉ đăng ký hiến tạng của mình, nghệ sĩ Quyền Linh còn đến các bệnh viện, quán ăn, về miền quê để “tỉ tê” với người quen về giá trị tốt đẹp của nghĩa cử hiến tạng.

Trước đó, nhiều nghệ sĩ  tên tuổi khác như Ngọc Sơn, Việt Trinh, Hariwon, Nguyễn Phi Hùng… cũng đã ký vào đơn hiến tạng, cùng lan tỏa nghĩa cử cao đẹp này.

Khi lòng tốt “lên tiếng”

Ngày 16/7, chia sẻ với phóng viên Báo NTNN về phong trào hiến tạng, ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia vui mừng cho hay: “Chưa bao giờ phong trào hiến mô tạng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như hiện nay. Chỉ trong năm 2018, tổng số người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não đã là hơn 19.000 người, gấp hàng trăm lần so với 5 năm trước”.

Theo ông Phúc, phong trào hiến tạng đang được lan rộng là nhờ năm 2018 đã có nhiều câu chuyện cảm động về người chết não hiến tặng mô tạng, khiến hàng triệu con tim rung động và nhiều lòng tốt đã được đánh thức. Mọi người cảm nhận được ý nghĩa cao đẹp của việc đăng ký hiến tạng, không còn thấy “sợ hãi” hay “đen đủi” nữa.

Đơn cử như câu chuyện của bé Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) bị ung thư, trước khi mất, em đã đăng ký hiến tạng. Tháng 2.2018, thiên thần Hải An bay về trời nhưng em đã đem lại ánh sáng cho 2 người khác. “Sau câu chuyện bé Hải An, tổng cộng có gần 1.000 người đăng ký hiến tạng, trong khi nửa năm trước đó cũng chỉ có hơn 2-3 trăm người đăng ký” – ông Phúc cho biết.

Hay như câu chuyện của hai người phụ nữ dũng cảm tại vùng quê nghèo Thái Bình, là mẹ và vợ của anh Nguyễn Ngọc Khiêm - một đầu bếp trẻ qua đời sau một cơn đột quỵ, đã hiến tạng cho 6 người khác vào tháng 5/2018.

Theo Bộ Y tế, sau 5 năm (2014-2018), số người hiến mô tạng tăng gấp 75 lần. Cả nước cũng đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng, trong đó có hơn 3.500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim. Đặc biệt có 7 ca ghép tạng được tiến hành xuyên Việt.

Mẹ đẻ của anh Khiêm chỉ là một nông dân, vợ anh - chị Nguyễn Minh Hằng là một công nhân nhưng khi anh Khiêm bị tai nạn và chết não, chị Hằng và mẹ chồng đã vượt qua nỗi đau, đồng ý hiến tạng con mình, chồng mình cho người cần. Dù đã phải vượt qua nỗi đau lớn để làm việc thiện, nhưng hai mẹ con chị còn nhiều lần rớt nước mắt tủi thân vì lời xì xào của xóm giềng là “bán tạng” của con và chồng để có cuộc sống sung túc.

Người nhận tim của chồng chị Hằng là ông Tuấn, sống ở Thừa Thiên  - Huế. Khi biết ông Tuấn đang mang trái tim của chồng mình, qua mạng xã hội, chị Hằng thường xuyên theo dõi cuộc sống của ông sau ghép tim. Và trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chị Hằng đã gặp lại “trái tim” của chồng đang nuôi sống ông Tuấn. “Em mừng lắm, em muốn chạy đến bên chú ấy và ở bên cạnh chú ấy cả ngày. Nhìn thấy chú ấy khỏe mạnh, em mừng lắm” – chị Hằng chia sẻ.

Theo ông Phúc, không chỉ có những cá nhân đơn lẻ tham gia hiến tạng, mà nhiều địa phương đã trở thành những “điểm sáng” về phong trào hiến tạng cứu người, như xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) có tới hàng trăm người đăng ký hiến giác mạc; hay tỉnh Nam Định trong năm 2018 đã vượt qua các địa phương lân cận về số người hiến giác mạc.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng đánh giá, với hàng chục nghìn người bệnh nặng đang cần tim, gan, phổi, thận để ghép thì số lượng tạng có được từ người cho chết não vẫn còn quá nhỏ bé, chỉ 5-7 ca trong một năm. Trong khi vẫn có hàng nghìn người bị tai nạn chết não nhưng người thân không đồng ý hiến tạng. “Chúng tôi hy vọng rằng với sự lan tỏa của phong trào đăng ký hiến tạng như hiện nay sẽ có thêm nhiều người hiểu về nghĩa cử cao đẹp khi hiến tạng của người chết não, để cuộc đời người chết được “nối dài” thêm nhiều năm nữa” – ông Phúc nói.

GS -TS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia: 90% các ca ghép lấy tạng từ người sống

Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não, mỗi năm có khoảng 10.000 ca chết não, nhưng số trường hợp hiến tạng còn ít, mỗi năm chỉ được 4-5 người. Nếu các nước trên thế giới, 90% các ca ghép tạng được lấy tạng từ người cho chết não thì ở Việt Nam, 90% các ca ghép là lấy tạng từ người sống mà chủ yếu là ghép thận.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia:  Mở rộng hình thức đăng ký

Ngành y tế cũng cần trình Quốc hội sửa đổi hệ thống pháp luật về hiến ghép mô, tạng để mở rộng hình thức đăng ký khả thi hơn như: Đăng ký qua việc cấp bằng lái xe, đăng ký khi cấp thẻ bảo hiểm y tế, mở rộng biên độ về độ tuổi hiến tặng mô, tạng cho những người không may chết não…

Diệu Linh (ghi)


 


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem