Người đàn ông vận động, đưa hơn 1.000 người đi đăng ký hiến tạng

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 08/04/2018 06:22 AM (GMT+7)
Hàng năm, có hàng chục nghìn người sống thoi thóp chờ được nhận tạng và cũng có hàng ngàn người chết não nhưng gia đình không đồng ý hiến tạng, nên nguồn sống quý báu đó đã trở thành cát bụi. Để tinh thần hiến tạng được lan tỏa trong cộng đồng, một người đàn ông đã nhiều năm âm thầm đi vận động, đưa hơn 1.000 người đi đăng ký hiến tạng.
Bình luận 0

Xót xa cho những số phận

Anh Lê Trung – phụ trách Câu lạc bộ sẻ chia sự sống Hà Nội tâm sự, anh biết về việc hiến tạng, ghép tạng là vì chứng kiến những số phận thực sự đau lòng qua những nẻo đường đi thiện nguyện của mình. Một nam sinh viên vừa tốt nghiệp đại học thì bị suy thận giai đoạn cuối. Em chỉ có thể quanh quẩn bệnh viện để chờ lọc máu, nếu chỉ 1-2 ngày không được lọc máu là cơ thể em sẽ sưng phồng vì tích nước, có nguy cơ tử vong. Cơ hội khỏe mạnh trở lại của em chỉ là ghép thận, nhưng điều đó xa vời vì nguồn tạng rất hiếm. Biết được tin, chàng thanh niên tràn đầy hoài bão đã mang tất cả bằng đại học, sách vở ra đốt trụi.

img

Anh Lê Trung chụp tại cửa hàng hoa, nơi có 4 cô gái cùng nhau đăng ký hiến tạng. Ảnh:  T.L

"Những chuyến đi giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, tôi cũng tranh thủ tuyên truyền về hiến tạng. Khi hiểu rằng cái chết của mình vẫn có thể giúp người khác, mình chết nhưng một phần cơ thể mình vẫn sống có ý nghĩa, mọi người vui vẻ đồng tình”.

Anh Lê Trung

“Nhìn vẻ tuyệt vọng, oán hận số phận của em ấy mà mình xót xa. Chỉ ao ước có thể giúp em ấy được thì tốt quá. Nhưng một quả thận có tiền cũng không mua được” - anh Trung ngậm ngùi.

Anh Trung cũng từng chứng kiến một chú mới hơn 40 nhưng đã chạy thận 10 năm, sức cùng lực kiệt. Chú không muốn sống cuộc đời loanh quanh bệnh viện, nên đã tạm biệt bạn bè cùng chạy thận để về nhà sống vài ngày, vài tháng có ý nghĩa.

Những câu chuyện đầy nước mắt như vậy đã thôi thúc anh Trung đến với việc vận động hiến tạng.

Anh Trung chia sẻ, nếu chỉ lẳng lặng đi đăng ký hiến tạng rồi cất thẻ vào ngăn kéo thì cũng chẳng mấy có ý nghĩa. Bởi nếu người nhà không đồng ý thì tấm lòng của người hiến tạng cũng hóa thành hư không. Vì thế, mỗi người đăng ký hiến tạng phải trở thành một người vận động để người thân thông suốt và ủng hộ mình. Lúc đó, ngọn lửa của phong trào mới được nhen nhóm, lan rộng. Chứ không phải như bây giờ, mỗi năm hàng ngàn ca chết não nhưng chỉ có 4-5 ca hiến tạng, chỉ vì gia đình không đồng ý.

Sau gần 4 năm vận động, anh Trung đã đưa hơn 1.000 người đi đăng ký hiến tạng. Bản thân anh, bố mẹ và một cô cháu gái cũng đăng ký hiến tạng. “Chúng tôi cần lắm những người tình nguyện như anh Trung”, chị Phượng Hoàng - cán bộ Trung tâm cho biết.

Cuộc đời nhiều điều tốt đẹp

Một câu chuyện rất vui mà anh Trung chia sẻ là về 4 phụ nữ trong cửa hàng hoa ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) đều tham gia hiến tạng sau khi được anh vận động. Chị Tô Thu Hà (39 tuổi) - chủ cửa hàng hoa cho biết, qua trò chuyện với anh Trung, chị đã tự đi đăng ký hiến tạng vào 2 năm trước. Dần dần, chị chủ nhà và 2 nhân viên khác đã tham gia. “Tôi không suy nghĩ phức tạp gì nhiều mà đặt mình vào hoàn cảnh của những người ốm đang cần ghép tạng. Nếu việc làm của mình có thể góp phần nhen nhóm được ngọn lửa cho nghĩa cử hiến tạng, tại sao không làm?” - chị Hà nói.

img

Anh Lê Trung và cụ Hạnh với tài sản duy nhất có giá trị là chiếc cân nhưng lại có tấm lòng vô cùng giàu có khi đăng ký hiến tạng. Ảnh: L.T

"Ở nước ngoài, người có thẻ đăng ký hiến tạng chẳng may bị tai nạn không qua khỏi, được chuyên gia y tế chẩn đoán chết não là các cơ sở y tế có quyền lấy tạng ngay mà không cần hỏi người thân. Còn ở Việt Nam, người chết đồng ý hiến tạng, người thân (bố mẹ, vợ con, anh em) chỉ cần 1 người không đồng ý cũng không được. Vì vậy, theo tôi luật pháp cần có các quy định rõ ràng hơn để người đăng ký hiến tạng có thể hoàn thành tâm nguyện của mình, không bị các định kiến của người sống ngăn cản, để thêm nhiều người được cứu sống.  Theo quy định của pháp luật, việc hiến tạng là hoàn toàn tự nguyện, miễn phí. Nhưng Nhà nước cũng nên thành lập quỹ để hỗ trợ cho người hiến tạng sống hoặc người nhà có người chết não hiến tạng nếu gia đình họ thực sự khó khăn. Quỹ này có thể kêu gọi ủng hộ của những người nhận tạng, có điều kiện về kinh tế. Như vậy sẽ trọn vẹn trách nhiệm và tình nghĩa với người hiến tạng”.

GS-TS Nguyễn Tiến Quyết – chuyên gia ghép tạng,
nguyên Giám đốc BV Việt Đức

Chị Hà cho biết, lúc đầu khi biết chuyện chị hiến tạng, chồng chị đã phản đối kịch liệt. “Tôi phải vận động dần dần, để chồng tôi không lo được, lo mất. Đăng ký chỉ có ý nghĩa cổ động, còn cơ hội để hiến được tạng cũng không phải dễ” - chị Hà kể.

 Anh Trung tâm sự, anh gặp gỡ nhiều người, giàu có, nghèo khổ, văn hóa cao - thấp đều có cả. Nhưng những người dễ vận động nhất chính là người nghèo, có mức sống trung bình. Cuộc sống của họ đơn giản, không nhiều so đo hơn thiệt, được mất. Khi họ hiểu đăng ký hiến tạng là cơ hội giúp người khác, họ nhiệt tình ủng hộ. “Giống như cụ Hạnh, sinh năm 1935. Hàng ngày cụ ngồi dưới gầm cầu kiếm sống bằng cái cân sức khỏe, tích cóp từng đồng. Hai năm trước, cụ đã sẵn lòng cùng tôi đi đăng ký hiến tạng. Như thế, cụ lại thật giàu vì đã chia sẻ với người khác những thứ cực kỳ quý giá của con người” - anh Trung tâm sự.

Có những ngày, anh Trung đã cảm thấy cuộc đời tràn ngập niềm vui khi biết thêm về những người đến hiến tạng: là một cô gái chọn ngày sinh nhật của mình để được sống có ý nghĩa; là một sư cô đi từ Thái Bình về để chia sẻ với đời; là một bạn trai bị thuyết phục bởi chính cô gái đi nhờ xe; là một người mẹ đơn thân không nề hà bế cả đứa con hơn 1 tuổi của mình cùng đi làm việc thiện… “Khi những ngọn lửa trái tim được nhen nhóm, cuộc đời ấm áp rất nhiều” - anh Trung cười vui.

Nhưng Anh Trung cũng không ít lần bị hiểu nhầm, cho rằng anh tham gia đường dây môi giới “bán tạng”, có người mắng anh “trù ẻo” họ chết sớm, “chết không toàn thây”. Tại một cuộc họp trường cấp 3 hơn 6.000 người, khi anh vận động bạn bè hiến tạng, một người bạn bị ung thư đã vui vẻ tham gia. Nào ngờ sau đó, nhiều người đã trách mắng anh “lừa đảo bán tạng, đến người ung thư cũng không tha”.

“Những người bạn suy nghĩ như vậy thật đáng buồn. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ tâm nguyện của mình và có thể sẽ quay lại thuyết phục họ vào những lần khác” - anh Trung nói.

Theo anh Trung, đăng ký hiến tạng không mấy khi có giá trị thực. Để hiến được tạng sau khi chết, người hiến phải chết đúng cách (được chẩn đoán chết não), đúng thời điểm và nhân viên y tế phải được thông báo kịp thời, được sự đồng ý của gia đình. Quy trình này được kiểm soát rất ngặt nghèo của luật pháp, của các cơ quan chuyên môn.

“Cuộc đời ngắn lắm. Nếu không làm gì đó ngay ngày hôm nay thì có thể chẳng còn cơ hội để mang lại sự sống cho chính người thân của chúng ta một ngày nào đó” - anh Trung chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem