Làng Kông Hoa 13 năm vắng Núp…

Thứ tư, ngày 29/01/2014 07:22 AM (GMT+7)
Hình tượng làng Kông Hoa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc chính là làng Stơr của Anh hùng Núp (bây giờ thuộc xã Tơ Tung, huyện K’Bang, Gia Lai ).
Bình luận 0
Gần 20 năm kể từ chuyến theo ông Núp về thăm làng lần cuối, tôi mới có dịp trở lại…

Những cơn gió đầu mùa xổ ra như ngựa lồng mặc sức tung hoành trên những dãy đồi bát úp. Dưới màu mây đặc xám chợt sáng lên rừng bông mía đang vào vụ trổ cờ. Miên man một giang sơn của mía… Chuyến theo ông Núp về thăm làng dạo ấy, những dãy đồi trùng điệp này hãy còn loang lổ màu rừng. Tiếng mõ đuổi chim trên rẫy vào mỗi mùa suốt lúa xem ra đã lùi vào cổ tích…

img

Dĩ vãng cái thời chọc lỗ tra hạt, làng Stơr bây giờ cũng đã thay đổi quá nhiều. Cả làng chỉ còn dăm bảy căn nhà sàn nhưng đã lùi ra sau làm nhà bếp. Đủ các dạng nhà xây. Cái kiểu Thái, cái hình ống quãng nhặt quãng thưa, trải dọc con đường trải nhựa xuyên làng. Cả nhà rông cũng đã được hiện đại hóa bằng bê tông… Ngắm cảnh làng, cái cảm giác “về làng” đích thực năm nào bỗng trỗi dậy trong tôi… Dạo ấy Stơr còn nhiều nhà sàn lắm, mà là nhà sàn mái tranh. Nghe ông Núp về, cả làng kéo đến chật nhà rông. Một bếp lửa thật lớn được đốt lên. Dân làng quây quần bên ông kể đủ thứ chuyện, nêu đủ thứ thắc mắc. Tôi cứ nghĩ ông sẽ lớn tiếng giảng giải theo kiểu thường thấy của cán bộ cấp trên, nhưng không. Ông ngồi lặng lẽ, đưa cặp mắt voi hiền từ nghe mọi người nói hết, sau đó mới nhỏ nhẹ lấy chuyện gần, chuyện xa rủ rỉ khuyên bảo. Vậy là tất cả mọi người đều xuôi, chẳng ai thắc mắc gì… Quả là một kiểu “dân vận” rất riêng của ông. Người ta bảo ông Núp từng sống ở Thủ đô, ra cả thế giới mà vẫn không quên được nếp làng. Lần đầu tiên tôi đã được chứng kiến cái hồn cốt Bah Nar trong ông hôm đó. Rồi ông xin đất làm rẫy, định hòa mình trở lại với cuộc sống làng. Buồn là ý nguyện của ông đã không thực hiện được. Thời gian sau do đau ốm liên miên, ông phải trở lại Pleiku rồi ra đi vĩnh viễn mà không còn dịp trở lại làng…

Làng Stơr bây giờ được dời về vùng đất mới sau giải phóng. “Làng Kông Hoa” xưa ở trên núi Kông Hoa, cách làng mới bây giờ chừng 3 km… Cũng hôm đó tưởng sẽ kiếm được chút tư liệu gì, tôi đã hăm hở trèo lên. Sau gần hai giờ leo núi bở hơi tai, dấu tích làng hóa ra chỉ còn mỗi cây đa trước sân nhà rông xưa, nơi ông Núp đã phục “bắn Pháp chảy máu”. Thực ra thì đây cũng chỉ là một trong 9 “di tích” của làng Kông Hoa. Để tránh những cuộc càn quét liên miên của giặc Pháp, Kông Hoa đã phải trải qua 9 lần dời làng. Ông Núp kể rằng ngày ấy làng chỉ có hơn ba chục bếp; mỗi bếp 3 – 4 người. Cuộc sống rất đơn sơ lạc hậu và hiểu biết về cách mạng cũng rất hạn chế. Song với niềm tin vào Đảng và Bok Hồ, họ theo Núp “làm theo lời Đảng mình, đứng lên để cho An Khê được độc lập” (An Khê tức thị xã An Khê bây giờ. Ngày ấy An Khê là nơi xa nhất đồng bào biết được, đồng nghĩa với khái niệm về đất nước).

…Sau năm 1975 cùng với việc đưa làng xuống núi định canh, định cư, để đền đáp tấm lòng của đồng bào với cách mạng, chính quyền đã cho khai hoang ruộng nước, thành lập tập đoàn, đưa cả máy cày về. Rồi hàng loạt dân kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc được đổ vào Tơ Tung. Sau này người ta mới thấy hóa ra sự tác động của văn minh từ mọi miền quê đối với cuộc sống của đồng bào mới là đích thực chứ không phải là số máy cày với “phương thức sản xuất” lạ lẫm kia…

Dạo hết quanh làng một vòng, tôi quyết định cứ phải vào ủy ban xã… Chủ tịch xã Đinh Srâng khi nghe tôi ngỏ ý muốn tìm ai đó có thể “bòn đãi” chút gì về làng Kông Hoa, anh ngẫm nghĩ rồi lắc đầu: “Còn ai nữa đâu. Người già nhất làng bây giờ là ông Dơng nhưng cũng thuộc thời chống Mỹ. Còn bọn cháu thì chỉ biết hiện tại thôi”. Rồi anh nói luôn: “A, mà nếu anh muốn tìm “hậu duệ” của bác Núp để hỏi chuyện thì cũng còn một người đang ở làng đấy. Chị Giang Kim Nâm…

Và hậu duệ Anh hùng Núp…

Chuyện đánh giặc ông Núp nổi tiếng đến cả thế giới, thế nhưng đời tư ông lại chẳng là người may mắn. Người vợ đầu – bà H’liêu bị bệnh chết thời chống Pháp, để lại cho ông một con trai là Đinh Ruk. Năm 1954, ông cõng Ruk bấy giờ mới 5 tuổi đi tập kết. Ở Hà Nội ông lấy H’ben – một cố gái Bah Nar ở Đoàn văn công Tây Nguyên, được một đứa con trai thì hai người phải ly dị. Trở vào Nam chiến đấu, ông lấy Chơrơ, em gái út bà H’liêu kém ông 20 tuổi theo phong tục “nối dây”. Bà Chơrơ theo ông đến trọn đời nhưng chẳng có đứa con nào. Đinh Trung Kiên – con chung của ông với bà H’ben thì bị thần kinh từ nhỏ, theo mẹ. Vậy là ông chỉ còn mỗi Đinh Ruk đúng nghĩa với một con trai duy nhất mà thôi…

“Còn ai nữa đâu. Người già nhất làng bây giờ là ông Dơng nhưng cũng thuộc thời chống Mỹ. Còn bọn cháu thì chỉ biết hiện tại thôi”

Ấy thế nhưng Đinh Ruk cũng lận đận nốt về đường vợ con... Được đào tạo ở Trường học sinh miền Nam, năm 1975 Ruk về Gia Lai dạy cấp 2, sau đó lần lượt chuyển sang làm cán bộ tổ chức Sở Giáo dục, Ban Kiểm tra Đảng rồi Ban Dân vận. Đinh Ruk lấy Kpah H’nga người Jrai, làm công an; được 2 đứa con thì xảy ra mâu thuẫn. Hai người sống ly thân suốt 10 năm rồi ra tòa ly dị. Năm 1997, Đinh Ruk tái hôn với Giang Kim Nâm. Kim Nâm là diễn viên Đoàn nghệ thuật Đam San, cũng đã có một đời chồng. Hai người có một con chung hiện đang học ở trường nội trú tỉnh. Năm 2006, hai vợ chồng cùng nghỉ chế độ mất sức và đưa nhau về làng Stơr sống. Được 1 năm thì Đinh Ruk mất vì trọng bệnh…

- Cuộc đời anh Ruk khổ lắm– Kim Nâm kể giọng như nghẹn lại. Đã long đong về nỗi vợ, hai con thì đứa con trai – Đinh Cao Nguyên chỉ học được đến lớp 6 rồi bỏ. Ỷ mình là con cháu Anh hùng Núp, nó lêu lổng không nghề không nghiệp, uống rượu say quậy cả chủ tịch tỉnh. Còn đứa con gái là Đinh H’liên thì đang làm ở Công an tỉnh, năm nay đã 35 tuổi vẫn chưa lấy chồng... Từ ngày anh Ruk mất, cả hai đứa đều biền biệt.

Hổ phụ không sinh hổ tử - ấy cũng là lẽ thường tình ở đời… Dẫu vậy thì di sản của tinh thần yêu nước bất khuất mà người Anh hùng để lại vẫn còn mãi với Tây Nguyên – đâu chỉ mới 13 năm Núp vắng…

Ghi chép của Ngọc Tấn (Ghi chép của Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem