Trường Thuỷ
Thứ năm, ngày 13/07/2023 22:45 PM (GMT+7)
Tào Tháo, tức Ngụy vương thời Tam Quốc đã cho làm rất nhiều mộ giả của chính mình để kẻ thù không biết đâu là thực, đâu là hư và vì thế mà ngôi mộ thật của ông ta cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Hồi tháng 8/2010, cuộc triển lãm những vật được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ được cho là của Tào Tháo, một nhân vật chính trị lừng danh sống ở thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên được tổ chức tại gần địa điểm ngôi mộ (hạt An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Các nhà khảo cổ tuyên bố: “Chúng tôi đã hoàn tất việc khai quật và đây là một phát hiện lớn”.
Tào Tháo (155-220), người lập ra vương quốc hùng mạnh nhất trong thời kỳ Tam Quốc (220-280), lừng danh với tài năng quân sự, chính trị và cả thơ ca. Ông cũng nổi tiếng là một người đa nghi và quyền biến. Xung quanh cuộc đời của con người này, đã có biết bao câu chuyện được truyền tụng mà như các nhà sử học nhận định, có bảy phần thực, ba phần hư. Bí mật về ngôi mộ của người được xem là có nhiều kẻ thù lúc còn sống cũng tồn tại suốt cả ngàn năm. Người ta nói trước khi chết, Tào Tháo đã cho làm rất nhiều mộ giả của chính mình để kẻ thù không biết đâu là thực, đâu là hư và vì thế mà ngôi mộ thật của ông ta cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Khi người ta tuyên bố tìm thấy mộ Tào Tháo ở Hà Nam, giới khoa học vẫn không hoàn toàn thực sự tin đó là mộ của người đứng đầu nước Ngụy thời Tam Quốc. Bởi ngay cả những xét nghiệm ADN sau đó cũng không không thể thực hiện được.
Năm 2008, một nhóm nhà khoa học bắt đầu tiến hành khai quật khu mộ được cho là đã 1800 năm tuổi. Trong khu mộ có diện tích 740m2, kích cỡ tương đương nhiều ngôi mộ dành cho vua chúa, người ta tìm thấy vài mẫu xương cùng với hơn 250 đồ vật bằng vàng, bạc và gốm.
Vị trí ngôi mộ cũng tương thích với những ghi chép lịch sử và thư tịch cổ từ thời Tam Quốc. Nhưng những tranh cãi sau đó đã đưa nhận định tìm thấy mộ Tào Tháo trở nên mong manh. Trong khi đó, mộ người con trai của họ Tào là Tào Phi ít gây ra tranh cãi hơn. Có khoảng 4-5 ngôi mộ được cho là của Tào Phi và các học giả tin rằng ngôi mộ thật nằm ở Vu Sơn, Sơn Đông, được phát hiện năm 1951.
Các nhà khảo cổ độc lập đã tỏ ra nghi ngờ những tuyên bố về ngôi mộ ở An Dương là của Tào Tháo. Người ta đã đề nghị xét nghiệm ADN mẫu xương lấy từ ngôi mộ này và so sánh với xương trong ngôi mộ được cho là của Tào Phi.
Tuy nhiên, Lưu Vũ Tân, một người chịu trách nhiệm coi sóc di tích mộ Tào Phi nói 28 mẫu xương được cho là của Tào Phi đã bị thất lạc trong những năm 1950.
Ông Lưu cho biết số xương đã được đưa đến Hà Nam sau khi phát hiện nhưng trải qua thời gian và sự thay đổi các cấp quản lý, chúng đã bị thất lạc.
Vương Minh Huy, chuyên gia tham gia vụ khai quật ở An Dương nói xét nghiệm hộp sọ và răng trong trường hợp này là không có tác dụng, xét về mặt kỹ thuật. Trong khi đó Lý Căn, một nhà khoa học ở tỉnh An Huy, nơi có một ngôi mộ được xác định của một người thân họ Tào, khẳng định ngôi mộ ở An Dương khá sơ sài và không đúng với phong cách mồ mả của thời Đông Hán.
Giới chức Hà Nam lại cho biết họ tin dân làng ở hạt Khu Đồng, nơi gần ngôi mộ được cho là của Tào Phi đều là hậu duệ của họ Tào. “Chúng tôi có khoảng 500 người, đều mang họ Tào”, một dân làng có tên Tào Ngụy Quốc nói. “Tuy nhiên, tôi không có cách nào chứng minh chúng tôi là con cháu Tào Tháo”.
Dù vụ khai quật ngôi mộ ở An Dương được xem là 10 phát hiện khảo cổ học quan trọng nhất trong năm 2009 của Trung Quốc, các học giả vẫn cho rằng những đồ vật khẳng định là tìm thấy trong mộ đều là giả.
Sau vụ khai quật, 23 chuyên gia đến từ khắp Trung Quốc đã nhóm họp ở Giang Tô để chứng minh ngôi mộ ở An Dương không phải của họ Tào.
Nhà nghiên cứu văn bia Lý Lực Bình, giám đốc Ủy ban nghiên cứu Thư tịch của tỉnh Giang Tô cho rằng, chữ niên (年)trên văn bia ngôi mộ ở An Dương được khắc theo phong cách hiện đại, không thể là văn bia thời cổ. “Sau hàng ngàn năm phong hóa, những chữ khắc trên bia đá mộ Tào công sẽ ra sao?”, ông Lý đặt câu hỏi. “Đây là những đồ giả mạo rẻ tiền mới làm ba năm, nếu không nói là ba ngày trước”.
Lâm Thành, một chuyên gia khảo cổ đến từ Hà Nam khẳng định chức danh "Ngụy Vũ vương" khắc trên bia của ngôi mộ cũng không chính xác và không thích hợp. “Ngụy vương là tên hiệu của Tào Tháo khi còn sống và khi qua đời, ông được phong là Vũ vương”, ông Lâm giải thích. Theo cung cách thời đó, không thể có hai tên hiệu được cùng lúc sử dụng như thế”.
Trương Quốc An, một chuyên gia về đời Ngụy Tấn (220-420) cho biết bằng việc nghiên cứu kết cấu và hệ thống các ngôi mộ cổ, ông phát hiện ra rằng diện tích ngôi mộ bằng đúng kích cỡ của mộ Tào Hưu, một trong những người con của Tào Tháo. Và ông nhận định, theo phép tắc, mộ con không thể lớn bằng mộ cha.
Trong ngôi mộ ở An Dương, người ta tìm thấy hài cốt của ba người, một đàn ông và hai phụ nữ. Người đàn ông chết ở tầm tuổi ngoài 60, phù hợp với tuổi thọ của Tào Tháo.
Một chi tiết gây ngạc nhiên: trong ngôi mộ được cho là của Tào Tháo đó, người ta tìm thấy một cái bô bằng gốm (dùng để đi vệ sinh). Các chuyên gia cho rằng không thể có một vật như thế trong mộ của vua. Nhưng cũng có người cho rằng ở thời Hán, điều này là có thể. Người ta từng tìm thấy những vật tương tự trong những lăng mộ cổ thời ấy.
Dù tranh cãi tiếp diễn, chính quyền địa phương vẫn cho xây dựng một khu công viên về Tào Tháo ở An Dương với hy vọng sẽ thu được 400 triệu nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 58,5 triệu USD).
Trên thực tế, không chỉ riêng Tào Tháo, mà với hầu hết các nhân vật Tam Quốc, mộ phần đích thực của họ đến nay vẫn là một câu hỏi lớn cho đời sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.