Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp

Hữu Thi – Phương Thảo Thứ sáu, ngày 26/06/2020 10:05 AM (GMT+7)
Làng sơn mài truyền thống Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) hiện chỉ có chưa đầy 100 hộ làm nghề sơn mài. Đồng thời, các dòng sản phẩm nhiều năm trở lại đây đều được sản xuất bằng chất liệu sơn mới, đã biến tranh sơn mài truyền thống thành tranh công nghiệp, tạo nên nhiều trăn trở cho các nghệ nhân làng nghề Hạ Thái.
Bình luận 0
Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 1.

Không gian bài trí bằng những vật dụng được trang trí sơn mài

Dựa vào hai bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng làm bằng sơn mài được thờ trong đình làng Hạ Thái vào năm 1780, mà chúng ta biết được lịch sử làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái có từ cách đây hơn 200 năm.

Sơn mài từ chỗ chỉ làm trên tre, gỗ, giấy bồi với dòng sơn mài vẽ, cho đến nay đã phát triển lên đỉnh cao rực rỡ với các dòng sơn mài khảm, sơn mài đồ nét, sơn mài khắc… được sáng tạo trên nhiều chất liệu như sừng, vỏ trứng, nhựa, gốm…. Nhưng điều làm nên nét độc đáo và vượt trội của sơn mài truyền thống Hạ Thái so với các dòng sản phẩm sơn mài khác trong nước cũng như của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản chính là chất liệu sơn ta.

Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 2.

Một số vật dụng làm từ sơn mài

Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 3.

Tranh sơn mài

Sơn ta được làm từ cây sơn tự nhiên ở vùng miền núi trung du Phú Thọ. Đây là loài sơn chỉ có ở Việt Nam. Với đặc điểm là sơn tự nhiên, dùng được luôn, độ bám chắc, bền… đã tạo nên một nét đặc biệt riêng của tranh sơn mài Hạ Thái.

Gặp gỡ nghệ nhân tranh sơn mài truyền thống Vũ Huy Mến, bác chỉ ra rằng: "Loại màu sơn của tranh sơn mài truyền thống khác hẳn các loại sơn khác, đó là màu trầm, ấm, sâu, tươi mới, càng để lâu tranh càng đẹp, càng tạo nên được giá trị cao cho bức tranh. Nhiều người thường nhầm lẫn đó là những gam màu tối. Như vậy là sai, là không hiểu được tính chất của tranh sơn mài truyền thống".

Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 4.

Ông Vũ Huy Mến – nghệ nhân vẽ tranh sơn mài truyền thống

Với hơn 40 năm tiếp xúc với loại hình tranh sơn mài truyền thống, đồng thời cũng xác định vẽ tranh sơn mài truyền thống chính là giữ cội nguồn của ông cha để lại, nghệ nhân Vũ Huy Mến luôn tự hào bản thân là một người giữ lửa và truyền lửa tốt. Minh chứng cho việc đó là cả gia đình nghệ nhân đều làm về tranh sơn mài, tạo nên một quy trình khép kín.

Là thành viên Hội sơn mài Hạ Thái – Duyên Thái, nghệ nhân Vũ Huy Mến được giao nhiệm vụ bảo tồn, khôi phục dòng sản phẩm sơn mài truyền thống độc đáo của làng lại cho lớp trẻ, song trong nghệ nhân luôn canh cánh một nỗi âu lo "có thầy mà chưa tìm đâu ra trò."

Trên thực tế, với sự phát triển như vũ bão hiện nay thì tranh sơn mài truyền thống khó đứng vững trên thị trường. Ít người mua, ít cả người bán. Với nghệ nhân Vũ Huy Mến, khôi phục lại sơn mài truyền thống cũng chính là bảo tồn bản sắc văn hóa nhưng rất khó thành công.

Hiện nay, mặc dù làng Hạ Thái được xem là làng nghề tranh sơn mài truyền thống, tuy nhiên, công đoạn vẽ tranh hiện nay đã chuyển sang sử dụng loại sơn mới, sơn công nghiệp. Đối với tranh sơn mài truyền thống, mỗi tác phẩm cần phải đồ qua từ 10-12 nước sơn, nhưng hiện nay, đối với loại sơn mới, chỉ cần đồ từ 1-5 nước sơn là đã có thể sử dụng. "Tuy tiết kiệm và thời gian nhanh hơn, nhưng như vậy sẽ không đảm bảo được chất lượng của tranh, độ bền và màu sắc đặc trưng của tranh sơn mài truyền thống cũng bị biến đổi", nghệ nhân Vũ Huy Mến chia sẻ.

Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 5.

Một số loại sơn mới, sơn công nghiệp

Trăn trở về tranh sơn mài truyền thống, anh Đặng Cao Cường – họa sĩ tranh sơn mài làng Hạ Thái cũng tâm sự: "Để phát triển được nghề làm tranh sơn mài truyền thống thì ít lắm, hầu như là người ta bỏ hết nghề. Làng có rất nhiều nghệ nhân làm tranh sơn mài nhưng chưa chắc con cháu các nghệ nhân đã theo đuổi. Hiện tại tụi tôi cũng đang xác định là giữ nghề thôi".

Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 6.

Anh Đặng Cao Cường – họa sĩ tranh sơn mài làng Hạ Thái

Để hoàn thiện một bức tranh sơn mài, người nghệ nhân phải thực hiện từ làm vóc, tạo cốt cho đến khảm hoa văn, vẽ, ủ tranh… tất cả các công đoạn cho đến khi hoàn thiện mất từ 2-3 tháng, nhiều nhất là 6 tháng. Nghệ nhân Vũ Huy Mến chia sẻ: "Hiện nay, rất nhiều nơi người ta không thực hiện ủ tranh, mà không ủ tranh thì không phải tranh sơn mài truyền thống. Cần phải hiểu được điều này để không bị lừa".

Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 7.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến giới thiệu về nhà ủ tranh

Làng nghề Hạ Thái: Nỗi lo sơn mài truyền thống biến thành sơn mài công nghiệp - Ảnh 8.

Nhà ủ tranh

"Nghề này hiện tại không phát triển được, hầu như bỏ ý định duy trì hết. Thứ nhất là không còn có các đơn hàng nước ngoài khiến không có việc, thứ hai là khi nghề này không còn phát triển nữa người ta sẽ linh động chuyển sang nghề khác, ví dụ như ở làng Hạ Thái là nghề vàng mã", anh Cường tâm sự.

Điều này đã làm cho những nghệ nhân làng Hạ Thái đau đầu và suy nghĩ rất nhiều để tìm ra giải pháp khắc phục, cứu nguy cho làng nghề truyền thống. Đấy cũng là điều nghệ nhân Vũ Huy Mến trăn trở: "Tiếp thị phải nhanh, phải nâng cao mức sống của người dân. Hơn hết, những người làm tranh sơn mài hiện nay cần phải yêu nghề, tiếp theo là phải giỏi, giỏi vẽ, giỏi bán hàng và cuối cùng là phải tích cực truyền lửa cho lớp sau".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem