Làng nghề hoa kiểng gặp khó về mặt bằng

Quang Sung - Thành Tín Thứ hai, ngày 15/08/2022 11:19 AM (GMT+7)
Do đặc thù nghề trồng hoa, cây kiểng cần nhiều diện tích để canh tác, trưng bày. Nhưng người dân tại làng nghề hoa kiểng Xuân - An - Lộc (quận 12, TP.HCM) đang gặp khó khăn trong việc thuê mặt bằng.
Bình luận 0

Ông Lê Chí Hiếu, chủ vườn mai Ba Hiểu tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM cho biết, hiện tại để đủ mặt bằng kinh doanh ông phải thuê đất. Tuy nhiên do là đất thuê nên ông không thể tiếp cận chính sách vay hỗ trợ. 

“Đối với chính sách vay vốn của thành phố và Trung ương, để vay được chúng tôi phải thế chấp đất. Tuy nhiên đây là đất tôi thuê nên chủ đất không đồng ý làm hồ sơ vay. Đây cũng là cái khó cho tôi nói riêng và các nghệ nhân trồng cây cảnh tại đây này khi muốn mở có thêm vốn để phát triển làng nghề”, ông Hiếu nói.

Làng nghề hoa kiểng gặp khó về mặt bằng  - Ảnh 1.

Hàng trăm gốc mai đủ kiểu dáng, kích thước được trồng và chăm sóc ở mảnh đất thuê của ông Lê Chí Hiếu ở làng nghề hoa kiểng quận 12, TP.HCM. Ảnh Quang Sung

Cũng nằm trong làng nghề hoa kiểng Xuân - An - Lộc, ông Lê Văn Tuấn chủ vườn hoa tại đây cho biết: “Tôi làm ở đây đã lâu nhưng chưa nghe qua, hay tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Phần lớn đất tôi thuê mướn của người ta, vốn liếng thì mình tự xoay sở”.

Ông Tuấn cho biết thêm, chi phí thuê một mảnh đất để trồng hoa ở đây rơi vào khoảng 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên thời hạn thuê không ổn định, mỗi năm hết hợp đồng phải đổi sang mảnh khác.

“Tôi có mong muốn nếu được, thì nhà nước có chính sách hỗ trợ mỗi hộ dân sẽ được giao đất làm trong thời vụ từ 3 đến 5 năm. Khi đó người dân sẽ yên tâm là chắc chắn có đất để làm ăn. Còn như bây giờ muốn trồng phải chạy đi thuê mướn”, ông Tuấn bày tỏ.

Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 801/QĐ-TTG ngày 7/7/2022 về phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu chung là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ cảnh quan môi trường.

Làng nghề hoa kiểng gặp khó về mặt bằng  - Ảnh 3.

Ông Tuấn đang chăm sóc vườn hoa kiểng, ông là một trong những hộ trồng hoa lớn nhất ở làng hoa kiểng ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM

Còn theo định hướng của thành phố tại Quyết định số 3891/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2013 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, trên địa bàn 4 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ và 02 quận (12, Thủ Đức) có 8 làng nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển.

Trong đó, tại quận 12 có Làng nghề hoa cây kiểng Xuân – An – Lộc. Tại đây có có 418 hộ tham gia sản xuất, phân bố ở 3 phường: An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân. Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 1.200 lao động. Thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem