Nhà cổ ở Lào Cai xây theo kiểu đặc biệt, mùa đông ấm, mùa hè mát, nhiều người hay vô xem

Thứ năm, ngày 05/09/2024 05:35 AM (GMT+7)
Do đặc thù về điều kiện địa hình, khí hậu và đặc điểm tự nhiên nơi sinh sống nên mỗi nhóm, ngành dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sở hữu những loại hình kiến trúc nhà ở-những nếp nhà cổ vùng cao khác biệt.
Bình luận 0

Tuy vậy, điểm chung của các tộc người là đều gìn giữ nếp nhà như gìn giữ hồn cốt của dân tộc mình. Bởi không đơn thuần là nơi ăn ở, sinh hoạt, nhà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh độc đáo thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của đồng bào đã được truyền thụ từ đời này sang đời khác.

Người Tày Lào Cai thường sống dọc theo các triền sông, suối, làm nhà định cư trong các thung lũng hẹp, dưới chân núi thấp. Trong đó, người Tày ở Nghĩa Đô, Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) cư trú trong thung lũng cạnh dòng suối Nậm Luông xanh trong; người Tày vùng Bản Hồ, Mường Bo (thị xã Sa Pa) xây dựng làng bản bên con suối Mường Hoa thơ mộng uốn lượn ven thung lũng. 

Còn tại Văn Bàn, những căn nhà sàn lợp mái cọ kề vai nhau yên bình dưới chân dãy núi Gia Lan, mặt hướng ra cánh đồng Mường Thát, Bản Pàu, Tông Pháy, Tông Hốc, suối Nậm Chăn, Nậm Nhù, Nậm Tha hiền hòa, chở che cho biết bao thế hệ người Tày sinh ra và lớn lên ở nơi này.

Nhà sàn người Tày là sản phẩm kiến trúc độc đáo, thể hiện sự hòa hợp của con người, thiên nhiên và văn hóa dân tộc. 

Điều này thể hiện rõ nét ở kết cấu và chất liệu ngôi nhà. Làng bản của người Tày được bao bọc xung quanh bởi các quả đồi, ngọn núi, do đó đồng bào làm nhà sàn để tránh thú hoang tấn công con người. Vào mùa hè, sự cao ráo của sàn nhà giúp không khí được lưu thông thoáng mát, khi mưa không ẩm ướt và tránh được nhiều bệnh tật lây lan. 

Ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày trước đây có bếp nấu đặt ở vị trí trung tâm, giúp giữ ấm cho cả nhà trong mùa đông lạnh giá và cũng là không gian quây quần tụ họp của gia đình vào mùa đông. 

Tuy nhiên hiện nay, người Tày không để bếp trong nhà nữa, thay vào đó đồng bào dựng một ngôi nhà sàn nhỏ hơn nối vào nhà sàn chính để làm nhà bếp.

img

Bản làng của đồng bào Hà Nhì ở tỉnh Lào Cai nhìn từ trên cao vẫn còn những nếp nhà cổ được xây dựng theo kiểu truyền thống. Ảnh tư liệu: Long Vũ


Thông thường ngôi nhà sàn của đồng bào Tày Lào Cai là 3 gian 2 chái hoặc 2 gian 2 chái. Với kỹ thuật của những người thợ tài hoa, ngôi nhà sàn truyền thống không cần dùng đến đinh sắt mà chỉ dùng thanh xiên dài xuyên dọc ngang nối các cột với nhau; giữa xà và cột lại được liên kết bằng mộng và nêm gỗ nối kèo cột, tạo thành khung nhà chắc chắn. 

Các chân cột, từ cột cái đến cột con đều được kê trên hòn đá to bản, bằng phẳng được lựa chọn rất kỹ từ các khe suối hoặc được đúc bằng xi măng có đường kính rộng hơn chân cột từ 2 đến 5cm. 

Với sự liên kết chằng giữ dọc ngang, ngôi nhà sàn 5 gian, thậm chí 7 gian, diện tích mặt sàn khoảng trên 100 m2 vẫn đủ chắc chắn, có thể chịu được mưa to, gió lớn.

 

Các cụ cao niên ở đây cho biết, ngày trước khi rừng còn nhiều, người dân thường chọn những cây gỗ to nhất, tốt nhất về làm ngôi nhà 4 gian 2 chái, có thể dựng cao từ 2 đến 3 tầng, rất rộng rãi. 

Gia đình nào có nhiều nhân lực, tiền bạc có thể làm những ngôi nhà sàn to lớn, từ cột kèo cho đến gỗ bưng vách, làm sàn cầu thang. Khâu chuẩn bị vật liệu làm nhà là quan trọng và tốn thời gian nhất, thường mất từ 2 đến 5 năm, có khi đến 10 năm.

97 tuổi đời cũng là từng ấy năm cụ Lương Văn Thằn, thôn Noong Khuấn, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn gắn bó với căn nhà sàn, được nhìn lớp con cháu sinh ra, trưởng thành trong nếp nhà cổ thân thuộc. 

Đến nay, căn nhà đã tồn tại trên 50 năm nhưng chưa một lần phải sửa chữa, có chăng chỉ thay mái lá định kỳ khoảng 20 năm một lần. Còn phần khung, cách đây 1 năm, gia đình cụ mới chà lại cột và xà để bóng, đẹp hơn. Trong nhà sàn 5 gian, 2 chái hiện có 4 thế hệ chung sống. Mỗi dịp Tết đến, con cháu từ khắp nơi trở về tập trung đông đủ, cùng nhau nấu cơm, vui chơi, ca hát...

Không chỉ tại Văn Bàn, các địa phương có đông người Tày sinh sống như Bảo Yên, Bắc Hà... vẫn giữ được hàng nghìn ngôi nhà cổ có tuổi đời đến hàng trăm năm.

Do cư trú chủ yếu trên vùng núi cao của huyện biên giới Bát Xát nên người Hà Nhì rất giỏi canh tác trên đất dốc, có nhiều kinh nghiệm làm ruộng bậc thang và nhiều phong tục, tập quán đặc sắc khác. 

Nhưng có lẽ yếu tố hấp dẫn nhất khi đến với các bản làng của người Hà Nhì, xã Y Tý chính là những ngôi nhà trình tường hình nấm mọc lên giữa núi non bốn mùa mây phủ.

Nhà trình tường là kiến trúc phổ biến ở miền núi phía Bắc nước ta, nhưng nhà người Hà Nhì xây dựng thì đặc biệt ở chỗ mỗi nhà được làm theo dạng hình vuông với bốn mái hình chóp. Một ngôi nhà thường rộng 60-80m2, tường dày 40-60cm với chiều cao 4-5m. 

Sau khi chọn được mẫu đất ưng ý, người Hà Nhì bắt đầu đào móng, nền nhà được san phẳng với móng được xếp bằng trên những viên đá to. Công đoạn công phu nhất là trình tường nhà, hầu như người đàn ông Hà Nhì nào cũng biết trình tường.

Anh Ly Mờ Xá, thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát chia sẻ: Tất cả các công đoạn đều làm hoàn toàn thủ công, không hề có xi măng, cát sỏi nhưng bức tường vẫn vững chắc không thua bất cứ một công trình bê tông nào. Trình xong tường xung quanh, đồng bào lấy gỗ rừng làm khung nhà bên trong tường đất và lợp mái. Mái nhà dốc ngắn, được lợp bằng cỏ gianh.

Nhà trình tường của người Hà Nhì có ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, vừa mát mẻ về mùa hè. Những nét riêng cổ kính của ngôi nhà trình tường đất được các thế hệ người Hà Nhì trân trọng, nâng niu và luôn là điều hấp dẫn đối với những người từ xa tới đây. 

Ngày nay, đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần của người Hà Nhì đã được nâng cao, nên vật liệu làm nhà sẵn có, tiện lợi. Nhiều nhà đã xây bằng gạch hoặc chọn lợp mái ngói thay cho mái tranh khiến ngôi nhà trình tường trở nên khang trang, bền, đẹp nhưng vẫn giữ được nét độc đáo và vẻ đẹp vốn có của nó.

Ở Y Tý, có những ngôi nhà trình tường cổ đã tồn tại cả trăm năm tuổi. Người Hà Nhì quan niệm, nhà trình tường chính là không gian văn hóa đậm bản sắc của họ. Bởi vậy, nhiều nghề truyền thống, trò chơi dân gian hay hoạt động lễ hội đều phải được tổ chức dưới mái nhà trình tường.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Lào Cai Sùng Hồng Mai, dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau, song những ngôi nhà cổ, nhà truyền thống của 25 nhóm, ngành dân tộc của Lào Cai đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Bởi thế, đây chính một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Những năm gần đây, khi Lào Cai là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước, bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và những con người thân thiện, mến khách thì những ngôi nhà cổ độc đáo theo nguyên mẫu vẫn luôn là điều hấp dẫn đối với khách du lịch. 

Với mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, tỉnh Lào Cai đang dành nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng các làng bản thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Trong đó, công tác bảo tồn giá trị nguyên vẹn những ngôi nhà cổ đóng vai trò quan trọng.

Hương Thu (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem