Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đã có một so sánh rất cụ thể: “Cứ thu hồi 1ha đất nông nghiệp để làm công nghiệp, thì 10 nông dân mất việc. Mỗi năm cả nước lấy trung bình 73.200ha đất nông nghiệp làm công nghiệp đồng nghĩa với việc có hơn 70 vạn nông dân tự nhiên mất công ăn việc làm và rơi vào tình trạng “ba không”: Không nghề, không đất, không trợ cấp xã hội. Và như thế, từ chỗ nghèo , họ rơi vào chỗ rất nghèo.”
Trong khi đó, thì tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp chỉ có 46% và chỉ tạo ra được khoảng 25% GDP và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ USD. Như thế, chỉ riêng các khu công nghiệp đã hình thành, thì vẫn còn 54% đất bỏ hoang, một sự lãng phí ghê gớm, trong khi nông dân mất đất nông nghiệp và rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Điều đó nói lên rằng: Hiện nay việc quy hoạch đất cho các khu công nghiệp được thực hiện một cách rất tùy tiện và duy ý chí. Nhiều địa phương, thậm chí tới cấp huyện cũng mở ra các “khu công nghiệp… huyện”, lấy đất trồng lúa nhất đẳng điền của nông dân rồi… bỏ hoang. Vì có nền đất chưa chắc đã có được khu công nghiệp, bởi khu công nghiệp cần bao nhiêu thứ, bao nhiêu điều kiện, chứ không chỉ cần… đất nền là đủ.
Cần một cuộc tổng rà soát đất công nghiệp trên toàn quốc để xử lý kịp thời những khu đất lấy cho công nghiệp nhưng quá thời hạn mà vẫn bỏ hoang. Trong khi nông dân thiếu đất sản xuất, thì chính sự lãng phí quỹ đất quá đáng như thế đã mang lại những tác hại tiêu cực trên nhiều mặt.
Cùng với việc rà soát đất đã lấy cho công nghiệp, thì những dự án khu công nghiệp chưa có hiệu quả và khó thành hiện thực phải bị đình chỉ và để nông dân canh tác bình thường. Nhiều dự án khu công nghiệp bây giờ được làm một cách rất hời hợt, nhiều khi đã lấy đất rồi cũng không biết sẽ quy hoạch cho kiểu công nghiệp gì, cứ lấy “mặt bằng” ra mà “kêu gọi đầu tư” hay văn vẻ hơn là “trải thảm đỏ cho nhà đầu tư”, dù không hề biết nhà đầu tư có ưng đi trên “thảm đỏ” ấy không.
Trong tình hình kinh tế cả thế giới và trong nước đều đang khó khăn, các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng khi muốn góp vốn làm công nghiệp hay dịch vụ. Vì vậy, việc rà soát lại quỹ đất để tránh tình trạng đất công nghiệp bỏ hoang trong khi thiếu đất nông nghiệp là việc cần phải làm ngay, không nên để kéo dài tình trạng nông dân thì thất nghiệp mà đất thì bỏ hoang.
Công nghiệp hóa là con đường tất yếu nhưng không thể nóng vội, càng không nên làm công nghiệp theo kiểu duy ý chí, gây những xáo trộn bất bình thường trong kinh tế và xã hội.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.