Ngày 24.9, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo Bộ GDĐT, khi biên soạn SGK nhằm phục vụ nhu cầu học tập trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, nhiều bảng số liệu đã để trống để hướng dẫn học sinh cách làm bài tập.
Hiện tượng lãng phí SGK đang gặp nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.
Để học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ GDĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.
Với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu giám đốc các Sở GDĐT trên cả nước phải chỉ đạo tới các phòng GDĐT nâng cao nhận thức, tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng lâu dài. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học, không được viết, vẽ tràn lan vào SGK. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục không được sử dụng xuất bản phẩm tham khảo ngoài quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7.7.2014.
Đối với Tổng giám đốc NXBGDVN, phải tổ chức đánh giá lại việc in ấn, phát hành SGK để có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK, hạn chế tối đa việc học sinh viết vào SGK. Phải báo cáo lại với Bộ GDĐT trước khi chỉnh sửa bản thảo SGK trước khi tái bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.