“Làng Philippines” ở Tuy Hòa

Thứ sáu, ngày 22/11/2013 07:00 AM (GMT+7)
Siêu bão Haiyan tàn sát Philippines đã “lộ” ra cả một “làng” Tuy Hòa (Phú Yên) nơi đất nước “rốn bão”. Những “Phú kiều” này chủ yếu có quê gốc tại làng Đông Tác, phường Phú Đông (Tuy Hòa, Phú Yên) sang Philippines kiếm sống...
Bình luận 0
Cầu cứu để về quê

Hơn một tuần nay, gia đình ông Nguyễn Hiệu (Đông Tác) luôn sống trong âu lo, bởi nhà ông có đến 4 người thân đang định cư ở Tacloban (Philippines) - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do siêu bão Haiyan. Đó là anh Nguyễn Phước (em ruột ông) cùng vợ và 2 con nhỏ (5 - 11 tuổi). Rất may, anh Phước và vợ con đều an toàn nhưng đang sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ, bởi nhà cửa, đồ đạc đều đã tan hoang trong bão.

Phóng viên NTNN (trái) cùng người thân của ông Đinh Văn Gìn.
Phóng viên NTNN (trái) cùng người thân của ông Đinh Văn Gìn.

Cứ vài tiếng đồng hồ, ông Hiệu lại gọi cho các em ở Philippines, trong điều kiện sóng điện thoại chập chờn. Trao đổi với PV qua điện thoại, anh Nguyễn Phước (lúc này đang ở Manila) cho biết: Anh rời Tuy Hòa sang Tacloban làm ăn đã gần 15 năm, lập gia đình với một cô gái Philippines. Ngay khi cơn bão Haiyan sắp đổ bộ vào, chính quyền sở tại đã phát thông báo khẩn cấp trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Người dân ở Tacloban cùng gia đình anh Phước đã khẩn trương dùng nhiều cách chằng chống nhà cửa. Thế nhưng không ngờ siêu bão Haiyan lại tàn bạo hơn những gì người dân nơi đây tưởng tượng…

“Gió nối nhau gầm giật, toàn bộ các mái nhà dù lợp tôn hay ngói đều bị hất tung, nhiều căn nhà đổ sập liên tiếp; tiếng trẻ em, phụ nữ la hét não nùng. Bão đi qua, hàng loạt căn nhà trong khu vực đã bị quật ngã hoàn toàn; tiếng than khóc ở khắp nơi bên những thi thể vừa được tìm thấy. Tôi đã sống ở đây gần 15 năm, đã quá quen với chuyện bão, nhưng chưa bao giờ tôi thấy kinh hoàng như cơn bão này!” - anh Phước nói. Sau bão, gia đình anh Phước may mắn thoát chết, nhưng gia tài “trắng tay”. Đồ ăn, thức uống, áo quần, vật dụng… bây giờ đối với vợ chồng anh đều là thứ hiếm. Anh cùng vợ và 2 con nhỏ cũng chỉ biết đóng kín cửa trong căn nhà thuê tạm, bởi mở cửa thì sợ bị cướp giật.

Cách đây 5 ngày, vợ chồng người hàng xóm của anh đi bộ hơn 20km để mua nước uống, trên đường về đã bị 2 thanh niên bắn chết, chỉ để lấy 2 chai nước! Gia đình anh Phước hiện trong tình cảnh vừa đói khát, vừa hoảng loạn. Không chịu được cuộc sống này, anh cùng vợ con đã vất vả bằng mọi cách lên thủ đô Manila, nơi có nhiều người Việt sinh sống để cầu cứu. Bà Nguyễn Thị Đành (77 tuổi, mẹ anh Phước) nén giọng: “Điều con tui đang mong muốn nhất là có được tấm vé máy bay để trở về quê! Tui cồn cào ruột gan được gặp mặt con cháu từ chốn xa xôi…”.

Ngóng chồng con nơi đất bão

Cách nhà bà Đành vài chục mét, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (40 tuổi) cũng đang cháy lòng khi chồng bà là ông Đinh Văn Gìn (42 tuổi) và con trai Đinh Văn Dũng (18 tuổi) đang sống trong đói khát, dịch bệnh ở khu vực Sa Ma (Philippines) - một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề do siêu bão Haiyan.

Trước đây, vợ chồng bà Thảo sống dựa vào nghề đánh cá; cách đây 4 năm, thấy cuộc sống khó khăn, ông Gìn bán tàu, dồn tiền qua Philippines buôn bán. Thấy làm ăn cũng “dễ thở”, năm 2012 ông về thăm vợ rồi dắt Dũng qua Philippines để cha con cùng làm ăn, với hy vọng một thời gian nữa có vốn sẽ trở về lại Việt Nam. Cha con ông Gìn buôn bán trả góp đủ mặt hàng (tivi, tủ lạnh, tạp hóa…). Vậy mà giờ này, tài sản tích góp đã trôi tuột theo bão lũ, khách mua hàng nợ góp thì người đã chết, người “trắng tay”, làm sao mà thu hồi… Muốn về Việt Nam cũng không được, bởi vừa thiếu tiền, vừa thiếu nhiều thủ tục pháp lý…

“Sau bữa bão to bên Phi, tui muốn rớt tim vì nghe mấy người ở xóm đọc báo nói chồng tui mất tích, bấm điện thoại thì không liên lạc được. Cách đây mấy ngày, chồng tui mới tìm cách điện thoại về. Trời ơi, mừng hết lớn! Hai cha con còn sống đã là quá may rồi!” - bà Thảo nuốt nước mắt.

Còn ông Nguyễn Tấn Sang (cha ruột anh Nguyến Tấn Hoàng – định cư tại đảo Iligan, Philippines) nói: “Tui cũng mừng vì cháu còn sống, nhưng giờ cũng chưa thật sự an toàn. Tui mong làm sao có tổ chức nào đưa cháu về được Việt Nam, tôi biết ơn vô cùng!”.

Liên lạc về gia đình ở Tuy Hòa, anh Hoàng cho biết: Cuộc sống ở đây không khác gì đang ở vùng đất chết, nhiều xác người vẫn chưa được chôn cất, bốc mùi kinh hoàng; nhà cửa hầu như bị san phẳng... Iligan chính là nơi đầu tiên cơn bão Haiyan càn quét qua. Một người anh ruột của tui đang ở Việt Nam phải nhờ bạn bè từ tỉnh Cebu (Philippines) tìm cách sang Iligan để giải cứu. Tui cùng một nhóm bạn từ Iligan di chuyển bằng ô tô về Tacloban khoảng 160km, sau đó từ Tacloban đi sang Ormoc khoảng 150km, nơi có nhiều người Việt Nam đang tập trung. Tuy đoạn đường không dài, nhưng do đường sá bị tắc nghẽn vì cây cối, nhà cửa, trụ điện đổ chắn ngang, nên phải đi mất khoảng 2 ngày.

Những ngày này, cả làng Đông Tác như ngồi trên đống lửa lớn, bởi gần 50 người bà con ruột thịt đang điêu đứng ở Philippines. Chỉ có số ít người được kết nối và hỗ trợ lương khô, nước uống; đa phần còn lại vẫn đang sống trong đói khát, dịch bệnh, trộm cướp hoành hành... Nhiều người Việt ở Philippines đang có ước muốn trở lại quê nhà để tìm hơi ấm rà ruột, rồi sao nữa thì tính tiếp…

Đưa người Việt gặp nạn về nước


Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 21.11, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: “Đến ngày 21.11, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã tiếp cận được với tất cả các người Việt sống trong vùng bị ảnh hưởng của bão, đặc biệt là Tacloban và tất cả đều đã an toàn”.


Ông Lê Hải Bình cho hay, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines vẫn theo dõi rất sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại và cơ quan chức năng ở trong nước để tạo mọi điều kiện cho các công dân Việt Nam ở vùng thiệt hại do bão ổn định cuộc sống hoặc có thể về nước phù hợp với nguyện vọng của họ.

Hạ Anh


Kỳ Trúc - Hùng Phiên (Kỳ Trúc - Hùng Phiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem