Làng quê náo động vì ươi rừng: Kéo nhau vào núi nhặt “vàng”

Công Xuân Thứ ba, ngày 01/07/2014 07:17 AM (GMT+7)
Chưa bao giờ việc khai thác, thu mua ươi rừng tại Quảng Ngãi lại rầm rộ như vụ mùa năm nay. Nhiều người thu tiền tỷ từ ươi, nhưng cũng có người mất mạng, bị thương vì ươi. Nhiều cánh rừng quý cũng bị triệt hạ để tìm loại sản vật này.  
Bình luận 0

“Vàng” của rừng xanh

Không như nhiều loại cây cho quả khác, từ khi nảy mầm đến lúc trưởng thành, cây ươi rừng phải mất từ 25-30 năm. Cứ 4-7 năm thì loại cây này mới cho trái 1 lần và thời gian thu họach thường trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 và kéo dài đến tháng 7.

Vì cây ươi cao đến 20- 40m, nên cách thu hoạch từ bao lâu nay của người dân là tìm nhặt trái ươi rụng ở xung quanh gốc (gọi là ươi bay). Theo lời các già làng thì khi bắt đầu cho trái, cây ươi mọc vươn cao hơn hẳn so với các cây rừng khác xung quanh và phần ngọn có màu đỏ hồng. Ngay từ chân núi, bằng mắt thường người dân có thể nhìn thấy và xác định vùng nào có ươi mọc.

Khoảng 15 năm về trước, hầu hết vùng rừng núi trong tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây, cây ươi mọc nhiều vô kể. Vào mùa ươi cho trái, chỉ cần ra bìa rừng, hoặc đi dọc theo các con đường mòn nhỏ nối các khu dân cư với nhau cũng có thể nhặt được quả chín rụng.

Có lúc gió lớn, ươi khô bị cuốn bay rơi vào nơi chứa nước, các bờ sông suối và nảy mầm dày đặc. Và cũng không như bây giờ, lúc đó giá ươi khá rẻ nên việc thu hoạch ươi của người dân chủ yếu là mang về phơi khô để ngâm nước làm thức uống giải khát; số còn lại đem bán để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Vài năm nay do tình trạng khai phá rừng để trồng keo, bạch đàn, sắn gia tăng, nên ươi rừng bị đốn hạ rất nhiều.

Ở Quảng Ngãi, hiện ươi nhiều nhất là ở vùng núi khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thuộc xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà; vùng núi xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây, nơi giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Khu vực này được người dân ví là “thủ phủ” của ươi rừng.

Nhặt ươi 1 ngày, bằng làm thuê cả tháng

Trong ngôi nhà sàn nằm gần bên đường ở khu dân cư Nước Rin, xã Sơn Lập, huyện Sơn Hà, già Đinh Văn Dinh (62 tuổi) chia sẻ: “Hơn nửa tháng nay, ngày ngày từ khi con gà mới gáy lần đầu tiên thì mọi người ở đây đều kéo nhau vào rừng để lượm nhặt trái ươi về bán, đến tối mịt tụi nó mới về. Giờ chỉ còn người già yếu, trẻ con ở lại trông nhà thôi.”

Theo lời già làng Dinh, cứ vào rừng nhặt là có ươi, chưa thấy có đứa nào về tay không. Nhặt ít thì mỗi ngày được 6-8kg/người, nhiều thì 10-30kg/người. Vợ chồng thằng Bin (32 tuổi) ở nhà này có ngày nhặt được hơn 25kg. Nhiều người ở đây gặp chỗ ươi mọc tập trung, chín và rụng nhiều nên nhặt vài giờ được trên chục kg/người.

Như anh em thằng Nhiêu ở cuối khu dân cư này, cách đây khoảng 1 tuần, chỉ trong 1 ngày, hai anh em lượm nhặt được gần 40kg. Với giá ươi khô hiện nay từ 110.000-150.000 đồng/kg thì số tiền thu về cũng được từ 700.000-2,5 triệu đồng/ngày/người, tương đương với tiền đi làm thuê cả tháng của 1 lao động.

Bà Võ Thị Quân- chủ cơ sở thu mua ươi ở xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây cho biết: Bây giờ giá ươi đã hạ nhiều, chứ vào thời điểm đầu vụ cách đây khoảng 5 tuần, giá của ươi bay lên đến 500.000 - 650.000 đồng/kg. Nhiều cặp vợ chồng chỉ sau 1 ngày lên núi nhặt được 20-30kg, thu về khoảng 14 triệu đồng.

Với mức thu nhập quá hấp dẫn như vậy, nên suốt gần 1 tháng qua, hàng chục ngàn lượt người địa phương và nhiều vùng lân cận trong tỉnh đã kéo nhau đến vùng núi xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây để thu hoạch ươi rừng. Ngoài chuyện mang theo cơm, gạo, mì tôm... để có thể ăn, ở trong rừng liên tục 2-3 ngày, nhiều người ở xa đã dựng lều, trại, hoặc chọn một nơi nào gần bìa rừng của khu vực trên để tá túc.

 Quả ươi là quả của một loại cây gỗ lớn trong rừng, có đường kính trên 1m, chiều cao 20- 40m, tập trung nhiều ở vùng Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Cứ 4 năm cây cươi cho trái chín một lần. Quả ươi ngâm nước thì nở ra, nó được dùng làm nước giải khát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa ho khan và nhuận tràng. Hiện nay quả ươi chủ yếu dùng để xuất khẩu, thị trường chính là Trung Quốc.

Gầm cầu bản nằm trên con đường nối xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây với xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã trở thành nơi ở của 3 phụ nữ và 5 người đàn ông quê ở huyện Sơn Hà suốt hơn 2 tuần nay.

Chị Đinh Thị Thu (42 tuổi), thành viên của nhóm bộc bạch: Cứ tầm 3-4 giờ sáng là chúng tôi dậy vào rừng, rồi nhặt ươi liên tục 3-4 giờ. Đến giữa buổi chiều là mang ra đây để bán cho thương lái. Hôm ít thì được 600.000-800.000 đồng/ngày/người, hôm trúng mánh thì được 2- 3 triệu đồng/ngày/người. Nhiều hôm số lượng ươi nhặt quá ít, cả nhóm ăn tạm mì tôm mang theo, rồi tìm nơi nào đó ngủ để hôm sau nhặt lượm tiếp.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem