Lạng Sơn: Lập hơn 1.000 cửa hàng số trong 2 tuần, nông dân xứ Lạng lần đầu bán na online

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 23/07/2021 11:57 AM (GMT+7)
Chỉ trong 2 tuần triển khai thử nghiệm, nông dân Lạng Sơn đã lập hơn 1.000 cửa hàng số để trực tiếp bán hàng của mình đi khắp mọi miền của đất nước. Lần đầu tiên những người nông dân trồng na ở Lạng Sơn bán na Chi Lăng online với giá cả được tới 70.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Cửa hàng số tăng đột biến: Cơ hội mới được mở ra...

Khi cơ hội này đóng lại, sẽ có cơ hội khác mở ra. Đối mặt với dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp, căng thẳng những người nông dân xứ Lạng bất ngờ có một cơ hội mới, đó là... chuyển đổi số việc bán hàng nông sản của mình.

UBND tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu trong năm 2021, 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

Để đạt được những mục tiêu đó, từ trung tuần tháng 6/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND Chi Lăng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Được chính quyền lập cửa hàng số, nông dân thu lợi bất ngờ. - Ảnh 1.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chung tay bán hàng cùng nông dân (Ảnh: Gia Tưởng)

Sau 2 tuần triển khai thử nghiệm, từ ngày 18/6 đến 2/7, các hộ dân trên địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống, tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.

Đến nay, đã có 1.062 cửa hàng số của các gia đình được thiết lập, trong đó có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm nông sản trên không gian mạng.

Theo số liệu từ Sở TTTT tỉnh Lạng Sơn, Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Voso, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này.

Vietnam Post đã giúp 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn.

Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ.

Đáng chú ý, số lượng cửa hàng số phát triển được trong 15 ngày thử nghiệm đã gấp gần 5 lần tổng số gian hàng của các hộ nông dân Lạng Sơn đã mở trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Voso trong gần 3 năm trước đó.

Được chính quyền lập cửa hàng số, nông dân thu lợi bất ngờ. - Ảnh 2.

Ban tổ chức kiểm tra thực tế yếu tố kỹ thuật các sản phẩm nông nghiệp trên cửa hàng số. (Ảnh: Gia Tưởng)

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, từ ngày 20/7 đến 20/9, Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan. Mục tiêu sẽ đạt 47.000 hộ dân có cửa hàng số và thanh toán điện tử.

Thời gian này, Lạng Sơn sẽ tập trung vào 2 sản phẩm là na Chi Lăng và hồng giòn không hạt với sản lượng khá lớn: Na Chi Lăng dự kiến có khoảng 35.000 - 40.000 tấn, hồng giòn không hạt khoảng trên 10.000 tấn.

Giai đoạn 2, từ ngày 20/9 đến ngày 20/12, Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại. Giai đoạn 2 là mùa vụ của nhiều nông sản có giá trị như: Hồi, quýt, thạch đen, các loại rau quả đặc sản,..

Khi nông dân "làm chủ" cửa hàng online: Nông dân cầm điện thoại "chốt" đơn hàng nhanh chóng

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đặc điểm của nông sản Lạng Sơn là rất ngon và sạch, nhưng số lượng không lớn để xuất khẩu.

Do đó, Lạng Sơn phải tìm ra hướng đi riêng cho nông dân tỉnh nhà. Đó là thành lập những cửa hàng số trên không gian mạng cho nông dân, để bà con trực tiếp bán hàng của mình đi khắp mọi miền của đất nước.

Giờ đây, bà con trồng na ở Chi Lăng có thể bán cho khách hàng ở Huế, ở Sài Gòn một cách dễ dàng, mà vẫn đảm bảo được sự kết nối giữa nông dân sản xuất ra sản phẩm, và khách hàng sử dụng sản phẩm.

"Ngoài yếu tố kinh tế hàng hóa, còn cả yếu tố văn hóa, bản sắc của người nông dân Lạng Sơn cũng được gửi gắm qua mỗi sản phẩm của mình. Nông sản của anh có tốt, có sạch, có ngon thì đồng bào cả nước mới biết tới Lạng Sơn nhiều hơn, và hiểu về con người mảnh đất biên cương chúng tôi nhiều hơn nữa", ông Hồ Tiến Thiệu cho biết thêm.

Được chính quyền lập cửa hàng số, nông dân thu lợi bất ngờ. - Ảnh 3.

Các sản phẩm nông nghiệp của Lạng Sơn đã được dán mã số để đưa lên cửa hàng số. (Ảnh: Gia Tưởng)

Anh Nông Văn Hưng (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ, sau những ngày đầu mở cửa hàng số, anh đã chốt được 19 đơn hàng với hơn 70kg na, thu về 5,2 triệu đồng.

"Cửa hàng số khi làm quen và hiểu rồi thì cũng không khó, bán hàng thuận tiện hơn là chợ truyền thống. Nếu bạn bán hàng ở chợ truyền thống, thì phải cắt na rồi vận chuyển ra chợ. Nếu hôm nào nông dân đồng loạt mang na ra chợ nhiều thì bị thương lái ép giá, bán hàng chậm vì càng để lâu quả na càng xuống mã, cũng bị mất giá. Nhưng khi bán ở cửa hàng số thì đơn giản hơn, khách đặt hàng mình mới cắt na, đảm bảo tươi ngon đúng chất lượng," anh Hưng cho hay.

Cũng theo anh Hưng, khi giao dịch trên không gian số, không xảy ra tình trạng mặc cả, bớt giá. Khách hàng đều biết trước giá nông sản và đồng ý giao dịch thì đôi bên mới tiến hành. Do vậy, nếu anh đưa ra giá bán na Chi Lăng là 70.000 đồng/kg, thu về đúng bằng đó tiền.

Thông qua cửa hàng số, hiện nay, chỉ cần khách hàng có đơn, sẽ có nhân viên của 2 nhà cung cấp dịch vụ Viettel Post và Vietnam Post đến nhận và giao cho tận tay khách hàng đã đặt.

Cửa hàng số hiện là kênh bán hàng mới của nông dân Lạng Sơn. Nhờ đó, nông dân đang hưởng lợi cao nhất trên những sản phẩm do chính tay mình làm ra.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem