Lang thang cùng câu vọng cổ trên sông

Thứ ba, ngày 17/07/2018 07:00 AM (GMT+7)
Vừa đặt chân lên thành phố Long Xuyên, tôi đã  sướng con mắt khi nhìn thấy những con thuyền chở trái cây chất ngất trên sông Hậu. Những chiếc xe đẩy xúm xít chờ lấy hàng từ bến phà Ô Môi. Người xe tấp nập vào ra. Tôi len trong những buồng chuối cùng với đống dừa xanh mướt, theo con phà hướng về Cù lao Ông Hổ (cách TP Long Xuyên 4km). Nắng sớm thắp sáng những búp sóng trên sông, lấp lánh tựa những lời chào...
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa: Internet

Ký ức 130 năm

Tôi nói đến con số 130, với nỗi bồi hồi khôn nguôi khi bước vào ngôi nhà gắn bó thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trên Cù lao Ông Hổ, nay là xã Mỹ Hòa Hưng. Ngôi nhà gỗ còn nguyên vẹn những kỷ niệm xưa, hơi ấm trên cánh võng, thắm đỏ những cánh hoa dâm bụt bên hàng cau cao vút. Người cất tiếng chào đời bên dòng Hậu Giang vào ngày 20-8-1888.

Tôi đọc trường ca "Bài thơ Hắc Hải" của cố thi sĩ Nguyễn Đình Thi treo trên tường, nhớ lại một quãng đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn. Trường ca kể chuyện người thợ máy Tôn Đức Thắng đã treo cờ trên nóc Chiến hạm France (bấy giờ được lệnh tiến vào biển Hắc Hải bắn phá Hải cảng Sevastopol), thể hiện sự ủng hộ nước Nga Xôviết (năm 1918).

Vậy là đã 100 năm qua, hình ảnh thủy thủ Tôn Đức Thắng vẫn sừng sững hiện lên, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, hai dân tộc Việt - Nga. Hành động cao đẹp của anh thợ máy Tôn Đức Thắng đã được bản trường ca mô tả: "Hạ hết những lá cờ chết chóc/ Đời xích xiềng đạp xuống biển khơi/ Những con mắt từ nay thôi khóc/ Kéo lên cờ Cách mạng Tháng Mười/ Anh chạy tới cột cờ cao nhất/ Anh băng mình thoăn thoắt leo nhanh/ Bóng anh mất trên trời sâu hút/ Giữa gió gầm lồng lộng vùng quanh…".

img

Khu nhà Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Cù Lao Ông Hổ.

Bên cạnh ngôi nhà tuổi thơ, Khu Tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có nhiều kỷ vật, tư liệu quý giá của người con Anh hùng cù lao này. Đáng chú ý, chiếc ôtô nhỏ màu trắng đưa Bác Tôn đi làm mấy chục năm sau ngày giải phóng Thủ đô đã được lưu giữ tại đây. Những vết xước theo thời gian, mưa nắng bền bỉ, Bác Tôn luôn gắn bó với nó, không khi nào rời xa.

Giờ đây, chiếc ôtô nằm trong ngôi nhà gỗ và kể những câu chuyện của mình đã đi theo chân Bác Tôn trên mọi tuyến đường. Nó âm thầm tự sự như câu đối khắc bên cột nhà. Lời ghi lại một cách thản nhiên thiền tự trong tâm cảm: "Bèo tự trôi về chốn xưa không oán hận không nhờ con gió đưa/ Ánh trăng sáng cùng với tuyết đẹp diễm lệ thoảng hương thơm".

Đó là sự trở về. Những cây bút, cặp kính, hay đôi giày vải đơn sơ được lưu dấu hơi người. Ngay từ ngày đầu đất nước được hoàn toàn giải phóng, Bác Tôn mau chóng quay về quê mẹ. Những ngày trở về được uống nước dòng sông Hậu như thuở nào; được nghe chuyện cổ tích về con hổ tình nghĩa với dân làng ra sao; và còn được nghe những câu hò, điệu lý tha thiết trên con đò quê hương, biết bao kỷ niệm đẫm nước mắt trong suốt nửa thế kỷ cách xa. Chính vì thế dân làng cù lao đã giữ lại con tàu Giang Cảnh (một con tàu cũ phục chế lại) đã đưa Bác Tôn về làng.

Hơn thế nữa, chưa có một bảo tàng, hay nhà lưu niệm lãnh tụ nào ở Việt Nam lại có cả kỷ vật lớn - một chiếc máy bay được lưu giữ ở đây. Chiếc máy bay (YAK-40) chuyên chở Bác Tôn và những đồng chí lãnh đạo về miền Nam sau ngày giải phóng. Chuyến cuối cùng vào ngày 15-5-1975, YAK- 40 đã đưa Bác Tôn về dự Đại lễ mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi chúng tôi đến, đúng lúc này, tốp ca nam của Nhà văn hóa đang tập bài hát chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Tôn (1888-2018). Những giai điệu hào hùng vang lên. Hình ảnh người con bất tử của Cù lao Ông Hổ cùng lá cờ bay lên trên bầu trời: "Ngoài khơi vẫn bay cao phấp phới/ Lá cờ rực sáng ánh bình minh/ Lá cờ đỏ thắm tình nhân ái/ Lá cờ tha thiết gọi hòa bình" (Bài thơ Hắc Hải -Nguyễn Đình Thi).

Lênh đênh chợ nổi Long Xuyên

Tôi rời Cù lao Ông Hổ bằng con thuyền nhỏ, rẽ sang chợ nổi cách chừng vài cây số mà không quay về bến Ô Môi. Ngỡ là tiện nhưng theo chị Nhung, người đưa đò đón tôi nói, nếu bắt đầu từ bến thuyền đi qua xóm chợ nổi dọc bên nhánh kênh dẫn ra chợ mới thật là vui. Nhưng rồi khi thuyền táp vào gần con tàu chở đầy hoa sen từ Đồng Tháp về, tôi ngỡ như mình lạc vào thế giới của hương sắc mộng mơ. Đó là những con tàu hoa sen muộn cuối cùng của người Đồng Tháp.

Chị Nhung kể, chợ mùa nào thức nấy, thuyền tàu kìn kìn chở hàng về. Nào là chanh từ Châu Đốc ra; bưởi từ Cần Thơ tới; rồi bí, nhãn khoai từ Cà Mau về. Nhất là dừa từ Bến Tre thì thôi rồi. Xứ dừa vừa thơm vừa ngọt mát, mười tấn hàng bán buôn cho thương hồ các nơi, chỉ một ngày là hết. Nhiều nhà thuyền có khi phải ở lại hai ba ngày là thường. Bán hết hàng mới rời chợ. Họ lại đi gom hàng ở khắp các vùng miền rồi quay lại.

img

Chợ nổi Long Xuyên.

Chị Nhung còn kể, nhiều khi các cô gái chàng trai thương hồ đã biết đến nhau và tình yêu nảy nở trên dòng sông mênh mông con nước này. Chàng bán bưởi. Nàng bán xoài. Đêm trăng họ hát tỏ tình nghe thơ mộng làm sao. Say sưa một lúc, chị Nhung cố ghìm mái chèo lại rồi hò cho tôi nghe mấy câu của thương lái trên sông Hậu.

Giọng chị êm như làn gió vậy: "Miền Tây, chín nhánh sông dài/ Long Xuyên chợ nổi nhớ hoài ai ơi/ Thương em thương tiếng rao mời/ Hậu Giang lấp lánh nụ cười chín cây". Bỗng chị Nhung gọi tôi là cậu Hai. Chị hỏi: "Cậu Hai có hiểu cái câu nụ cười chín cây là gì không?". Tôi lúng túng, nóng bừng hai tai, lắc đầu. Chị mỉm cười nói, đó là nụ cười thơm và ngọt đó. Quả chín trên cây bao giờ cũng tươi và ngát hương, như làn môi con gái. Tôi giật mình không ngờ, cánh thương hồ lại lãng mạn đến thế.

Bỗng có tiếng đàn ca tài tử vọng lên từ một lán trên con thuyền nhỏ. Một chiếc loa đặt trên mũi thuyền, hướng về các cửa hàng tấp nập người bán mua. Tôi lắng nghe lời ca khê đặc thuốc lá rền rĩ khúc ca "Chuyện tình anh bán chiếu". Nghe sao da diết, xót lòng đến thế. Chị Nhung nói, đó là một người mù hát rong trên chợ nổi. Ông ấy hát trên sông đã mươi năm nay. Hình như trôi nổi từ đất Cà Mau lên. Chắc cũng có mối tình đổ vỡ. Giọng hát não ruột. Buồn hết chịu nổi.

Hát cả buổi, hết bài nọ đến bài kia, cuối cùng là "Chuyện tình anh bán chiếu". Mỗi lần câu ca đầu tiên cất lên, cánh thương hồ đang ồn ào bỗng thì thào khe khẽ mua bán, để cho tiếng hát của người mù kể chuyện bi ai một cuộc tình. Giai điệu vọng cổ thật sầu: "Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát. Bước chân đi như thể xác không hồn. Nước mắt cứ tuôn rơi theo lá rụng trên đường…Người ta đã có đôi rồi. Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung. Để mình vác cặp chiếu bông. Chờ đợi chi nữa cho uổng công đợi chờ…".

Đúng câu xuống "xề", tôi thấy chị Nhung bỗng trượt tay chèo. Con thuyền chao đi một lát rồi quay tròn. Thầm nghĩ chắc chị Nhung đã rụng rời con tim bao lần mỗi khi nghe bài hát này. Chị vờ dụi mắt rồi nhắc tôi: "Nếu cậu Hai khát nước thì tui qua thuyền mua cho". Tôi im lặng thấy cay con mắt. Câu vọng cổ kia vẫn còn lang thang trên sông. Sóng nước lao xao, lao xao…

"Ôi những con thuyền giấy…"

Đột nhiên, tôi bỗng nhớ đến lời dặn của nữ sĩ Lê Thanh My (Hội Văn học Nghệ thuật An Giang), nếu đi qua Cù lao Ông Hổ, sang tới Cù Lao Giêng là đúng quê của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đó. Nhớ ghé qua thăm ngôi nhà của ông trên dòng sông Tiền, trong bài hát "Trở về với dòng sông tuổi thơ". Vậy là đã lỡ chuyến đò. Chị Nhung biết đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp vì ông ở kế ngay xã bên. Hơn nữa, Đài Truyền hình An Giang phát bài hát này suốt một thời gian dài. Cánh thanh niên ở Long Xuyên này ai mà chả thuộc.

Con sông Hậu nối liền với sông Tiền Giang chảy qua làng nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Trong nhiều cuộc thi ca hát, hàng chục thí sinh đã chọn bài hát của ông để thử sức mình. Đó là những giai điệu quê hương, da diết lắng đọng. Tôi cũng vậy và luôn nhẩm lời ca theo giọng hát Hồng Nhung một thời. Lời ca bất chợt vọng về: "Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi. Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy. Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già…". Tôi cứ thì thầm hát, tự trong tim như mộng du trên con đò, tự trôi.

Vương Tâm (CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem