Làng ven đô Hà Nội "phất" lên nhờ nghề khắc gỗ truyền thống

Song Phúc - Duy Huy Thứ hai, ngày 19/06/2023 10:54 AM (GMT+7)
Những người thợ điêu khắc gỗ ở Dư Dụ, xã Thanh Thùy, Thanh Oai (Hà Nội) đã thổi hồn cho những khúc gỗ vô tri trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Bình luận 0

Video làng cổ Dư Dụ có nghề khắc gỗ truyền thống. Thực hiện: Duy Huy - Song Phúc.

Nghề cha truyền con nối

Đến thăm làng Dư Dụ vào một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự thay đổi ở nơi đây. Ngay từ đầu làng, người đi qua đã nghe lách cách tiếng đục, tiếng gõ và âm thanh của tiếng cưa xẻ gỗ, cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi sơn lan tỏa trong không gian yên bình của làng nghề vốn có truyền thống từ lâu đời.

Không ai nhớ chính xác nghề điêu khắc ở Dư Dụ có từ bao giờ, nhưng hơn trăm năm trước, người thợ điêu khắc Dư Dụ đã đi khắp cả nước để tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật hay các công trình chạm trổ tinh xảo. Cũng chính những người thợ Dư Dụ xưa đã tham gia thi công các công trình trong cung điện của vua Minh Mạng tại cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) và được vua ban sắc phong cùng nhà cửa, ruộng vườn rồi ở lại Huế lập nghiệp.

Chuyện ly kỳ về việc làm giàu ở làng khắc gỗ ven đô Hà Nội - Ảnh 1.

Làng nghề điêu khắc Dư Dụ nức tiếng bởi những tác phẩm độc đáo được tạo nên từ đôi tay tài hoa. Ảnh: Duy Huy - Song Phúc.

Trước đây, sản phẩm chủ yếu của Dư Dụ là đồ thờ, hoành phi, câu đối, tủ, sập... Ngày nay, do nhu cầu của thị trường, những người thợ Dư Dụ chủ yếu chế tác tượng Phật, Tam đa (Phúc, Lộc, Thọ), tứ linh hay các nhân vật lịch sử.

Để tạo được pho tượng sinh động, ngoài sự khéo léo, sáng tạo, người thợ phải có óc thẩm mỹ và khả năng quan sát tốt, đặc biệt, phải trải qua quá trình rèn luyện, học nghề từ thế hệ đi trước. 

Khâu đầu tiên là tạo hình sản phẩm, thường do các thợ cả đảm nhận bởi đây là khâu khó nhất khi phải sắp xếp bố cục sao cho các đường vân, thớ gỗ khớp với những điểm nhấn để làm nổi bật tính cách, thần thái của nhân vật.

Sau đó, người thợ sẽ đục bỏ phần gỗ thừa, tiếp đến là đục chi tiết (khâu hạ). Khâu này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và tuân thủ chặt chẽ các quy luật về nghệ thuật tạo hình, quy luật âm dương ngũ hành, phong thủy... nhằm tạo tác pho tượng cân đối, hài hòa, mang đậm triết lý phương Đông. Sau khâu hạ, người thợ sẽ hoàn thiện và đánh bóng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Chánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thùy, ở làng Dư Dụ, trên 90% người dân làm nghề điêu khắc, nhiều người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Về già họ vẫn miệt mài truyền nghề lại cho các thế hệ sau để những tuyệt kỹ của nghề chạm khắc Dư Dụ vẫn không bị mai một.

Làm giàu trên quê hương

Trước đây, thợ ở làng nghề thường tập trung làm tại các xưởng, nhưng hiện nay họ tách riêng ra hoạt động chủ yếu theo hình thức cá thể. Mỗi một cửa hàng lại chuyên về một vài công đoạn nào đó, hoặc chuyên về một số sản phẩm tượng gỗ.

Chuyện ly kỳ về việc làm giàu ở làng khắc gỗ ven đô Hà Nội - Ảnh 3.

Những sản phẩm làng nghề được chế tác tinh xảo.

Hiện nay, 80% lao động làng Dư Dụ đều theo nghề điêu khắc gỗ truyền thống và có mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, làng Dư Dụ ngày nay còn được biết đến với nghề kim khí nổi tiếng, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Anh Đỗ Lâm, một thợ nghề trẻ trong làng chia sẻ: "Bây giờ khoa học phát triển, thợ trẻ chúng tôi đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số công đoạn pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm vốn trước chỉ làm bằng thủ công. Các loại máy phun sơn, máy cưa, máy tiện... giúp người thợ nhàn hơn, giúp sáng tạo mẫu mã, làm được những họa tiết độc đáo, mới lạ cho sản phẩm điêu khắc".

Nhiều người thợ trong làng tiết lộ, thu nhập từ nghề cũng khá cao, với những thợ phụ có thể thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, còn những tay thợ lành nghề có thể thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.

Với hơn 30 năm trong nghề, nghệ nhân Nguyễn Công Trưởng bắt đầu thực hiện những sản phẩm điêu khắc của mình từ khi lên 10 tuổi. Đến nay đã sở hữu một xưởng sản xuất với quy mô 10 thợ điêu khắc tay nghề cao. Anh Trưởng chia sẻ thêm, mỗi cơ sở sản xuất ở Dư Dụ đều có những mẫu mã rất đa dạng và phong phú.

Chuyện ly kỳ về việc làm giàu ở làng khắc gỗ ven đô Hà Nội - Ảnh 4.

Nghệ nhân Nguyễn Công Trưởng miệt mài tạo hình sản phẩm.

Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường mà có khi nhiều người nghĩ chỉ dùng làm củi đun, nhưng khi đặt vào bàn tay và khối óc người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy bỗng có hồn và trở thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật hữu ích. Sản phẩm được người thợ điêu khắc thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người và đặc biệt chú trọng đến từng họa tiết nhỏ nhất của sản phẩm.

Làng nghề đã bao đời "cha truyền con nối" nên người dân ở đây từ đứa trẻ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài giũa, đục khắc, để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tô điểm cho đời.

Chỉ vào bức tượng Phật đang được hoàn thiện trong xưởng, nghệ nhân Nguyễn Công Trưởng bày tỏ: "Đối với người khác thì đoạn gỗ lũa này chẳng thể làm gì được, nhưng nhìn qua người thợ chúng tôi đã thấy dáng của vị Tổ sư Bồ Đề Lạt Ma với vạt áo cà sa ẩn hiện trong làn mây mờ và cây gậy huyền bích. Chỉ cần kỳ công thêm là đã trở thành một sản phẩm có một không hai".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem