Làng Việt thời hội nhập - Những câu chuyện nông thôn...

Trần Thanh Cảnh Thứ sáu, ngày 01/05/2020 07:20 AM (GMT+7)
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở làng quê. Cho mãi đến năm 17 tuổi tốt nghiệp lớp 10 (lớp cuối cấp phổ thông khi ấy) tôi mới ra khỏi làng để đi học. Và cũng kể từ đấy tôi hầu như không sinh sống ở làng nữa. Thế nhưng dù đi đâu, ở đâu, làm gì thì trong sâu thẳm, tôi vẫn nghĩ mình là một người dân
Bình luận 0
Làng Việt thời hội nhập - Những câu chuyện nông thôn... - Ảnh 1.

Tôi vẫn thường xuyên về làng. Làng Ngọ Xá quê tôi là một ngôi làng nhỏ nằm ven sông Đuống, không xa về bên phải là dãy núi Thiên Thai, nhìn qua sông về bên Tiên Du là dãy núi Chè. Ngày xưa, mỗi năm đến mùa nước lũ, con sông Đuống lại dâng nước lên ngập kín cả cánh bãi. Một biển nước mênh mông đỏ ngầu phù sa trải rộng từ bờ đê bên này đến bờ đê bên kia hàng vài kilômét, cuồn cuộn trôi xuôi về phía bể khiến cho một cậu bé như tôi có một cảm xúc khó tả khi đứng trên đê ngắm nhìn quang cảnh. Hùng vĩ. Hoang mang. Thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên...

Thế hệ 6x chúng tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh dữ dội. Chúng tôi đã đội mũ rơm đi học. Đã chui hầm chữ A, hố cá nhân khi máy bay gầm rú trên bầu trời. Đã từng trốn bố mẹ rủ nhau ra đê nhìn cảnh B52 ném bom Hà Nội, nhà cửa làng tôi cũng chuyển mình răng rắc như động đất. Rồi đạn pháo, tên lửa của quân ta bắn trả như pháo hoa, mà màn bùng nổ là mỗi khi có chiếc máy bay nào cháy bùng lên dữ dội... Tuổi thơ dại dột của chúng tôi đã qua như vậy.

Thật may mắn làng tôi hầu như chẳng có quả bom hay mảnh đạn nào rơi xuống, nên cũng chẳng có người bạn nào cùng trang lứa chúng tôi phải chết yểu hay thương tật. Thế nhưng chúng tôi đói. Đói như một lũ tinh tinh - chữ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi thế hệ chúng tôi sinh ra lớn lên trọn vẹn trong cái thời bao cấp đỉnh điểm, cái thời hợp tác xã khắp nơi. Mọi thứ trong làng ngoài đồng, cánh bãi cho đến cả con đò ngang qua sông cũng thành của chung, của hợp tác cả. Mà cha chung thì không ai khóc! Nhưng ai nấy đều âm thầm khóc than cho cái bụng đói meo của lũ con nheo nhóc nhà mình.

Làng Việt thời hội nhập - Những câu chuyện nông thôn... - Ảnh 2.

Rồi khoán 10, rồi đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa... Làng tôi dần khởi sắc. Không còn đói nữa. Không còn nhà tranh vách nát nữa. Cũng đèn điện nước máy như ngoài thành phố. Thế nhưng làng tôi lại phải đối diện với bao nhiêu là vấn đề mới nảy sinh: Ruộng đất hết dần đi, dân làng phải chuyển đổi nghề nghiệp sang đi làm công nhân khu công nghiệp, làm ăn buôn bán phương xa, làm dịch vụ, sản xuất hàng hóa tiêu dùng. Và những vấn đề khác kéo theo: Làng bây giờ không còn là một ngôi làng cổ truyền của vùng Kinh Bắc với lũy tre xanh, cây đa bến nước sân đình, những cái cổng làng cổng xóm thâm nghiêm nữa. Làng tôi bây giờ chủ yếu là nhà bêtông cao tầng, mái tôn mái ngói xanh đỏ... Làng không còn là làng nhưng cũng chưa ra phố. Làng tôi đang vật vã trong cơn chuyển mình tất yếu của thời đại. Những hệ lụy xã hội kéo theo cũng không nhỏ: Tình làng nghĩa xóm không còn như xưa, tệ nạn xã hội cũng thâm nhập về từng tận nhà từng người, cũng cờ bạc rượu chè... Thôi thì đủ cả.

Mỗi khi có dịp về làng, quan sát, tìm hiểu, ngồi nói chuyện với mọi người, tôi được hiểu sâu hơn về tình cảnh làng tôi nói riêng và nông thôn nói chung bây giờ. Tôi lại có dịp đi đến nhiều ngôi làng, nhiều nơi trên đất nước này. Và tôi thấy hầu như cũng giống làng Ngọ Xá quê tôi mà thôi. Thì đâu cũng giời đất này - đấy là câu cảm thán mà các cụ quê tôi hay dùng! Cả nước Việt của chúng ta đang trên con đường tất yếu chuyển mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu để thành một nước công nghiệp văn minh. Ai cũng nghĩ đó là con đường phải đi qua. Từ một xã hội khép kín với cái nền văn hóa làng xã điển hình đến một xã hội cởi mở văn minh hòa nhập với thế giới, sẽ là một cơn vật vã khó khăn...

Trong tôi luôn đau đáu câu hỏi, làng quê Việt mình rồi sẽ đi về đâu? Những người nông dân cần cù chân chất xưa rồi sẽ thành ra những con người như thế nào trong thời đại mới đang đến. Họ có thích ứng, kịp chuyển mình để hòa nhập cùng cuộc sống đang đổi thay từng ngày hay sẽ bị bỏ lại bên lề? Và nữa, cái văn hóa làng xã đã hầu như làm nên bản sắc cho văn hóa Việt mấy ngàn năm qua, nó đã khiến cho kẻ cừu thù phương Bắc hàng ngàn năm nay tìm cách đồng hóa mà không nổi, sẽ đi về đâu trước cơn lốc bão thế giới phẳng, toàn cầu hóa với lượng thông tin khổng lồ của thế giới internet tràn ngập khắp nơi này...

Làng Việt thời hội nhập - Những câu chuyện nông thôn... - Ảnh 3.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Khi tôi đang trăn trở vật vã với những điều đó thì báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt tổ chức cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Lẽ dĩ nhiên là tôi tham gia. Bởi như đã nói từ đầu, tôi là nhà văn sinh ra ở nông thôn, lớn lên ở làng quê, vẫn đang gắn bó mật thiết với làng quê. Hầu hết các tác phẩm của tôi là viết về con người làng quê và bối cảnh nông thôn. Nên tôi tham gia cuộc thi viết này với một niềm cảm xúc thật hào hứng và tự nhiên. Bởi suy cho cùng dù có hay không có cuộc thi, thì tôi vẫn viết về làng tôi, người dân quê tôi, về những làng quê Việt với những con người mà tôi luôn yêu mến, kính trọng, xót xa. Nên thật tuyệt khi báo đã tổ chức một cuộc thi rất đúng lúc này. Nó tiếp thêm động lực cho những người cầm bút mổ xẻ những vấn đề nóng giãy của cuộc sống nông thôn ngày nay.

Thế nên các bạn đã thấy gương mặt của tôi trong ba truyện ngắn - cơ mà khá dài: “Ông ngoại”, “Trai tài” và “Kẻ ngụ cư”. Thật ra tôi cũng chẳng định cao đàm khoát luận điều gì trong đó. Mà tôi chỉ định kể cho các bạn đọc yêu quý của mình những câu chuyện ở làng quê Việt. Từ những chuyện thời xa xưa đến những chuyện thời nay, thời hội nhập...

Hy vọng các bạn đã không phí thời gian với những câu chuyện của tôi.

Làng Việt thời hội nhập - Những câu chuyện nông thôn... - Ảnh 4.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem