Làng Việt thời hội nhập - Tiếng gọi đánh thức làng quê
Làng Việt thời hội nhập - Tiếng gọi đánh thức làng quê
Lê Quang Thọ
Thứ bảy, ngày 02/05/2020 16:39 PM (GMT+7)
LTS: Đã tròn 1 năm kể từ ngày cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" được phát động. Đã có được 320 truyện ngắn dự thi của nhiều nhà văn, tác giả gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Xin được giới thiệu những cảm nhận, chia sẻ về cuộc thi của tác giả Lê Quang Thọ
Những con người, những phận đời được nhắc đến trong các tác phẩm dự thi "Làng Việt thời hội nhập" chỉ là một phần của làng quê. Bức tranh quê không dễ tái hiện đầy đủ nên mỗi truyện ngắn là một góc nhìn, một gam màu trong bức tranh đó. Làng quê cũng có no – đói, yêu – ghét, tình – thù, nhất là những hủ tục còn sót lại đã gây bao bi thương cho phận người dân quê.
"Làng Việt thời hội nhập" đã giúp người thành thị hiểu hơn về làng quê, giúp người quê hiểu và sống đầy đủ hơn với chính mình. Ai đã từng gắn bó với làng quê từ đêm trước đổi mới đến thời hội nhập thì mới hiểu được sự vật vã trở mình của làng quê. Ai đã từng sống với làng quê mới cảm nhận được vẻ đẹp, tình yêu của con người và làng quê.
Vì vậy, dù cuộc sống trôi dạt phương trời, giàu sang đất khách hay tha hương cầu thực, đến cuối đời người quê vẫn muốn trở về dưới bóng mát rặng tre làng, như đứa con tìm về với mẹ. Mỗi cảnh đời, mỗi phận người, mỗi nét quê như thế được phản ánh đâu đó trong các tác phẩm dự thi. Theo tôi, điều đó đã làm nên nét riêng của truyện làng quê.
Nhiều tác giả viết về thời cơ cực đến bần hàn của con người ở quê, chính trong hoàn cảnh đó tình người với đất quê càng đáng quý. Bởi chính họ đã vét bùn, đục đá kê cao quê hương. Có thể mô típ giống nhau nhưng không gây nhàm chán vì góc nhìn khác nhau và tình người rất đáng quý. "Làng Việt thời hội nhập", hình như, có điểm giống nhau nữa, đó là quan niệm về làng quê hiện đại thời hội nhập. Làng quê hiện đại là ứng dụng KHKT, công nghệ tiên tiến nhưng văn hóa vẫn phải giữ. Truyền thống làng quê được nuôi dưỡng, kế thừa trong sự hiện đại chứ không để mất đi. Nếu cứ ồ ạt thay mới, hiện đại thì chẳng mấy mà quay lại nhìn rồi than: “Ai khéo xoay ra phố nửa làng”. "Làng Việt thời hội nhập" có vẻ như đã tìm được điểm chung từ các tác giả dự thi và người đọc về điều này. Hy vọng từ cuộc thi này, làng Việt dù phát triển đến đâu vẫn giữ được nét duyên quê truyền thống.
Tôi sinh ra, lớn lên từ làng, cũng đã có bài đăng trên nhiều báo, đã kịp tìm về cho mình vài ba giải thưởng báo chí ở thể tản văn, tùy bút. Khi cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" công bố thể lệ, bạn bè khuyên tôi tham gia như cách để góp tiếng nói quê mình với mọi người.
Truyện được đăng không riêng tôi vui mà nhiều người cùng vui. Vì họ thấy làng quê mình trên báo Dân Việt, họ nghe chuyện quê mình trên "Làng Việt thời hội nhập" như tiếng gọi đánh thức làng quê để nhớ, để yêu, để đưa làng quê hội nhập mà không quên mang theo truyền thống văn hóa. Có vẻ như từ khi có "Làng Việt thời hội nhập", người quê đến với báo Dân Việt nhiều, đây cũng là sự đánh thức chăng?
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.