Làng xây Trường Sa

Thứ ba, ngày 12/02/2013 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Sóng xô phai bạc mái đầu/Lòng dân với đảo áo nâu sáng ngời/Bỉnh Di làng nhỏ đẹp tươi/Đảo xa in dấu chân người nông dân”. Công việc xây đảo Trường Sa của người làng Bỉnh Di đã được “phác họa” trong thơ như vậy.
Bình luận 0

Lịch sử ghi tên làng

Mấy câu thơ trên được rút trong tập thơ “Lửa tri ân” của trung tá Hoàng Kiền (nay là Trung tướng), ông chính là người trực tiếp đưa lớp thợ đầu tiên của làng ra xây đảo. Gió vẫn thổi từng cơn mang theo hơi nước mặn mòi từ biển khơi đưa vào ngôi làng bé nhỏ Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định). Tết năm nay, Bỉnh Di sẽ vui hơn, vì nhiều con em của làng đi xây đảo Trường Sa sẽ về quê ăn tết đoàn tụ gia đình, vì làng vừa khánh thành một “Bảo tàng đồng quê”.

img
Đội thợ xây ở làng Bỉnh Di đang xây “Bảo tàng đồng quê” tại làng.

Năm 1991, trung tá Hoàng Kiền – Trung đoàn trưởng Trung đoàn Hải quân 83 được cấp trên giao nhiệm vụ xây một ngôi nhà 2 tầng, ngọn hải đăng và cột mốc ở đảo Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa). Nhận nhiệm vụ, ông băn khoăn, rằng lính có sức khỏe rất tốt, nhưng tay nghề xây dựng, nhất là xây trên đảo lại rất… non, khó đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng cấp trên đề ra.

Vò đầu, nhăn trán mãi vẫn chưa biết xử lý thế nào, rồi ông chợt nhớ ở Bỉnh Di quê hương ông có nhiều thợ có tay nghề rất giỏi. Và thế là ông về tuyển một đội thợ gồm 20 người là những người xây giỏi nhất ở Bỉnh Di lúc bấy giờ để đưa ra Trường Sa. Đội thợ này, ngoài được nuôi ăn ở, họ còn được trả lương gấp 2 - 3 lần ở đất liền. Phần vì công việc, phần vì chưa một lần được ra đảo, nên ai nấy hào hứng lắm.

Ông Lê Văn Biền- một trong những người đầu tiên ra xây đảo vẫn nhớ như in: “Đầu năm 1992, chúng tôi được anh Kiền đưa vào Khánh Hòa bằng tàu hỏa, rồi từ cảng Cam Ranh, anh em lên tàu ra đảo. Rất may khi đó “trời yên, biển lặng”, nên chỉ mất hơn 3 ngày là tàu đã cập đảo. Ngày đầu tiên, anh em còn trò chuyện râm ran, nhoi đầu ra ngắm biển, sang ngày thứ 2 thì mỗi người nằm một góc”.

Kể từ lần đầu tiên đó, đến nay làng Bỉnh Di đã có hàng nghìn lượt người tình nguyện ra xây đảo, có người từng ra đảo cả chục lần. Và có lẽ Bỉnh Di là làng duy nhất cả nước có được vinh dự này. Bởi vậy, hầu như nhà nào trong tủ kính cũng có vài cái vỏ ốc, sò, rồi chậu cảnh có cả cây phong ba, bàng vuông sản vật từ những lần họ đi xây đảo. Hễ không động đến thì thôi, chứ “chạm” vào chuyện xây đảo Trường Sa là cả người già, phụ nữ lẫn trẻ em ở đây đều kể vanh vách, say sưa các tên đảo như một niềm kiêu hãnh.

Chúng tôi xây cột mốc

Bước chân đầu tiên mà đoàn của ông Biền đặt lên là đảo Nam Yết. Công trình đầu tiên là xây ngôi nhà 2 tầng cho các chiến sĩ. Bởi khi đó hầu hết các đảo ở Trường Sa mới có nhà cấp bốn, nên những ngày biển động, bộ đội rất vất vả. Rất nhiều đảo đã ghi dấu chân của người Bỉnh Di như Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây... với các bờ kè chắn sóng, cột mốc, nhà cửa...

Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, ông Biền kể: “Ở Trường Sa cái gì cũng phải tiết kiệm, lúc mới ra, anh em toàn ăn cá, nhường hết phần rau cho lính đảo, nhưng sau đó lại “xin” lính nhường rau vì chưa quen nhịn rau. Nhưng khổ nhất là nước để trộn vữa, khi lượng nước dự trữ sắp cạn, anh em phải tận dụng từ nước rửa rau, rửa bát, rồi nước tắm giặt để trộn vữa và cái khổ thứ hai là toàn phải tắm… “chay” (thấm nước vào khăn rồi lau qua người – PV), nên mỗi khi trời mưa anh em lại ùa ra tắm cho thỏa thích”.

img
Hai vỏ đạn được ông Lê Văn Biền giữ như “báu vật”, dành làm lọ hoa đặt trên bàn thờ.

Theo ông Nguyễn Văn Cần- một trong những thợ kỳ cựu thì kỹ thuật xây kè chắn sóng mới là khó nhất. “Trong điều kiện nước mặn, sóng vỗ liên tục, để xây được kè, chúng tôi phải làm tường chắn rồi mới xây kè. Vữa xây kè phải tăng lượng xi măng, cát vàng, cách xếp những viên đá kè cũng phải theo hình dích dắc, tức chúng phải có sự móc nối vào nhau, tường đá càng lồi lõm càng làm giảm lực đập của sóng” – ông Cần chia sẻ.

“Nhà tôi mất năm 2009, nhưng hiện vẫn có 2 đứa đi xây đảo. Vừa rồi thằng nhỏ nhà Hương cũng đòi ra đảo, nhưng phải để cháu học đã!”.

Xây xong nhà văn hóa, đội ông Biền tiếp tục xây cột mốc và ngọn hải đăng. Sau hơn 3 tháng miệt mài, cuối cùng đội thợ “tinh nhuệ” của làng Bỉnh Di và bộ đội công binh cũng hoàn thành nhà văn hóa, hải đăng và cột mốc chủ quyền của đảo Nam Yết.

Những câu chuyện đi xây đảo toàn “chông gai” và hiểm nguy, ấy thế mà lại có sức hút đặc biệt đối với lớp trẻ ở Bỉnh Di. Nhiều thợ trẻ đang chuẩn bị tay nghề ngang ngửa với các bậc cha, chú để chờ đến ngày được ra đảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem