Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi văn bản lấy ý kiến nhiều cơ quan và các đoàn đại biểu Quốc hội dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội.
Một trong những lý do cần phải sửa luật được nêu tại tờ trình là Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 có những quy định mới về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đòi hỏi cần phải cụ thể hóa.
Theo quy định tại Hiến pháp mới, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Những hiến định này đều đã được thể hiện tại dự thảo luật, trong mỗi điều về bầu các chức danh nói trên đều có một dòng quy định, sau khi được bầu, các vị “tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp”.
Dự thảo luật đã bổ sung một khoản quy định cụ thể về việc gửi đơn xin từ chức và tiến hành việc từ chức. Theo đó, đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ đó. Cơ quan hoặc người đã đề nghị trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
n Đưa ra bàn thảo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13.3, dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi có những quy định mới như Viện trưởng Viện KSND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp. Đối với người được bổ nhiệm kiểm sát viên lần đầu phải tuyên thệ. Nội dung lời tuyên thệ của kiểm sát viên là tuyệt đối trung thành với Hiến pháp, tuân thủ pháp luật, tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật...
Hải Phong - Lương Kết (Hải Phong - Lương Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.