Lãnh đạo cấp cao cũng phải kê khai tài sản

Thứ sáu, ngày 17/08/2012 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nâng cao chất lượng của việc kê khai tài sản, thu nhập của các đồng chí lãnh đạo cấp cao là cần thiết. Tất cả những điều này sẽ được đưa vào luật, cụ thể hóa bằng các nghị định, hướng dẫn”.
Bình luận 0

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh trả lời phóng viên sáng 16.8.

Ông có thể cho biết trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi sẽ đề cập thế nào về việc kê khai và trách nhiệm giải trình đối với những tài sản tăng thêm?

- Hiện Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang tổng kết, đánh giá những nỗ lực của chúng ta trong việc thực hiện Luật PCTN; sau đó mới xem xét những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Những vấn đề mà báo chí quan tâm, đề cập, TTCP cũng đang để ý, đặc biệt là công tác phòng ngừa tham nhũng.

Trong đó, nội dung mà xã hội, nhân dân, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhất là công khai, minh bạch trong các lĩnh vực nhạy cảm, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở các đô thị lớn; đầu tư mua sắm tài sản công; cấp phép khai thác, quản lý khoáng sản…

img
Việc kê khai tài sản, thu nhập của cả lãnh đạo cấp cao tới đây sẽ được quy định cụ thể (ảnh minh hoạ).

Việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay đang có rất nhiều vấn đề cần làm rõ hơn. Cụ thể như phải làm rõ đối tượng kê khai là ai; kê khai lần đầu như thế nào; nội dung kê khai những gì; kê khai lần hai thì việc giám sát, kiểm tra, đánh giá tài sản, thu nhập tăng thêm ra sao...

Vậy Luật PCTN sửa đổi tới đây có tính tới việc xử lý kỷ luật hoặc tịch thu tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc không, thưa ông?

- Người kê khai tài sản thu nhập mà có tài sản tăng thêm thì phải có trách nhiệm giải trình rõ. Đối tượng này sẽ được quy định cụ thể trong luật. Luật đề cập đến trách nhiệm giải trình thì sẽ có chế tài cần thiết và liên quan để xử lý nếu không giải trình được.

Theo kinh nghiệm của thế giới, nhiều nước họ xử lý rất nặng việc không giải trình được tài sản tăng thêm. Ví dụ như ngoài việc trưng thu, họ còn khởi tố hình sự về hành vi tham nhũng?

- Đây là vấn đề hết sức quan trọng và nhạy cảm. Hiện nay, TTCP đang thực hiện việc xây dựng lộ trình để giải quyết vấn đề đó. Và chắc chắn, những điều này cũng sẽ có trong lộ trình thiết kế luật mà TTCP đề xuất, xin ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trong việc sửa đổi Luật PCTN.

Trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi, TTCP cũng đề xuất mở rộng đối tượng kê khai tài sản gồm tất cả các đảng viên, trừ những người đã nghỉ hưu và nông dân. TTCP căn cứ vào đâu để đề xuất vậy, thưa ông?

- Đề xuất này là việc rất bình thường. Nếu chúng ta minh bạch, rõ ràng thì việc kê khai tài sản không có vấn đề gì. Đối tượng nào cũng có thể kê khai được. Tuy nhiên để quản lý đối tượng kê khai, cần phải có lộ trình nhất định.

Trước đây, vấn đề kê khai tài sản cũng đã được đặt ra nhưng không hiệu quả vì không công khai. Lần này, khi chuẩn bị Luật PCTN sửa đổi, TTCP tính đến việc công khai thế nào?

- Chúng tôi cũng đã quan tâm đến việc này. Việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập là cần thiết. Và đối tượng cần công khai, rõ ràng phải là các cán bộ có chức, có quyền, giữ những vị trí quan trọng của Nhà nước. Đó là ý kiến mà chúng tôi đề xuất, tuy nhiên vẫn đang còn nhiều tranh luận, bàn cãi quanh vấn đề này.

Việc công khai sẽ trở nên hình thức nếu chúng ta không kiểm soát được thu nhập của cán bộ công chức. Vì sao Đề án kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức nhà nước đến nay vẫn chưa thể ban hành?

- Đó là những ý kiến hết sức cần thiết và quan trọng, tuy nhiên để tổ chức việc đó thì chúng ta cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều khâu, nhiều ngành và của cả hệ thống pháp luật. Không thể tự nhiên một vấn đề mà chúng ta công khai, kiểm soát được ngay. TTCP cũng chỉ là một trong những cơ quan được tham gia vào việc xây dựng đề án này nên không thể nói cụ thể được.

“Việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập là cần thiết. Và đối tượng cần công khai, rõ ràng phải là các cán bộ có chức, có quyền, giữ những vị trí quan trọng của Nhà nước” - ông Nguyễn Đức Hạnh.

Việc mở rộng diện kê khai tài sản không quan trọng bằng việc làm sao để vấn đề kê khai tài sản của những lãnh đạo cấp cao đi vào thực chất chứ không hình thức như hiện nay. Quan điểm của TTCP về vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Việc nâng cao chất lượng của việc kê khai tài sản thu nhập của các đồng chí lãnh đạo cấp cao là cần thiết. Tất cả những vấn đề đó sẽ được đưa vào luật, cụ thể hóa bằng các nghị định, hướng dẫn. Và từ luật, chúng ta sẽ có những chế tài để xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem