Lãnh đạo EVN và tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc về công tác cung ứng điện và phát triển điện lực
Lãnh đạo EVN và tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc về công tác cung ứng điện và phát triển điện lực
Diệu Huyền
Thứ tư, ngày 08/05/2024 19:46 PM (GMT+7)
Ngày 8/5, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Hồng Phương làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương về công tác cung cấp điện năm 2024, kế hoạch triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/06/2023 và công tác phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh.
Tham gia đoàn công tác của EVN còn có ông Võ Hoài Nam - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), bà Lê Thị Phương Cẩm - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.
Báo cáo của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 621,630 triệu kWh, tăng 6,07% so cùng kỳ. Đối với công tác chuẩn bị cấp điện mùa khô năm 2024, Công ty đã lập các phương thức vận hành hệ thống điện, tăng cường kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, ngăn chặn các điểm mất an toàn.
Triển khai Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã làm việc và ký cam kết tiết kiệm điện với với 19.978 khách hàng, sản lượng cam kết tiết kiệm là 15,639 triệu kWh.
Công ty cũng thực hiện ký kết cam kết/thỏa thuận với các khách hàng về tiết giảm công suất khi hệ thống điện gặp khó khăn với 20.029 khách hàng, tổng công suất ước tiết giảm là 69,12 MW và ký kết thỏa thuận điều chỉnh phụ tải (DR) tự nguyện phi thương mại với 121 khách hàng, tổng công suất tối đa cam kết DR đạt 19,60 MW với sự kiện DR thông báo trước 24h, và 9,89MW với sự kiện DR khẩn cấp; tổng công suất tiềm năng tiết giảm đã thỏa thuận là 29,49MW.
4 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiết kiệm trên toàn tỉnh đạt 13,13 triệu kWh, bằng 2,11% so với tổng điện năng thương phẩm.
Trong các năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh, EVN, EVNCPC đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành các công trình điện đảm bảo chất lượng và tiến độ, đồng thời đang triển khai nhiều dự án lưới điện theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023, EVNCPC đã thực hiện đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với giá trị 846 tỷ đồng (trung bình 282 tỷ đồng/năm). Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lưới điện với tổng mức đầu tư 127 tỷ đồng. Ngoài ra, EVNCPC đang triển khai đầu tư 3 công trình lưới điện 110kV với tổng mức đầu tư 417 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh, gồm đấu nối 110kV sau TBA 220kV Chân Mây, TBA 110kV KCN Phong Điền và đấu nối, TBA 110kV Huế 5 và đấu nối.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương trân trọng cảm ơn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các cấp chính quyền tỉnh đã hỗ trợ và tạo điều kiện để EVN cùng các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo điện trên địa bàn tỉnh trong các năm qua.
Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, cùng với sự nỗ lực của CBCNV ngành Điện, EVN cần có sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương để triển khai cung ứng điện, phát triển hạ tầng điện.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, ban, ngành đối với việc phối hợp, hỗ trợ các nội dung liên quan đến chương trình tiết kiệm điện; hỗ trợ ngành Điện tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công sở sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình sử dụng điện của nhóm khách hàng theo Chỉ thị 20/CT-TTg…
EVN cũng đề nghị tỉnh phối hợp chặt chẽ trong công tác lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh (phương án phát triển mạng lưới cấp điện); bên cạnh đó tạo điều kiện và hỗ trợ ngành Điện trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng,... hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đối với các công trình trên địa bàn tỉnh.
Về phía UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã đảm bảo cung cấp điện với chất lượng ngày càng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Hạ tầng điện đáp ứng sản xuất cho doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Đặc biệt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, dịch vụ khách hàng của ngành Điện ngày càng được nâng cao.
UBND tỉnh và các sở, ban, ngành luôn quan tâm tạo điều kiện và cam kết phối hợp với các hoạt động của ngành Điện trên địa bàn; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện đến người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Chia sẻ với các khó khăn và thống nhất với những đề xuất kiến nghị của EVN, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với EVN để sớm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng công trình điện, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tăng cường các giải pháp và giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.