Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, từ đầu năm đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển KTXH đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương; điều đó thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của TP.
Sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD. Sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của TP.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh; một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp lý lịch tư pháp…); Ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động…
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến hoàn thành khoảng 1,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng gần 16 nghìn căn. Dự kiến giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án được triển khai với khoảng 3,2 triệu m2 sàn, khoảng hơn 57 nghìn căn.
Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước ban hành và thực hiện Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa; giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực: văn hoá, giáo dục và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử với gần 50 nghìn tỷ đồng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 nội dung để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
Theo đó, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tích cực triển khai Kế hoạch xây dựng các văn bản để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền đảm bảo tiến độ đề ra theo Quyết định số 762 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Về phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ TP thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Đồng thời, cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và các quy định liên quan.
"Điều này sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các dự án công nghệ cao, các dự án có tác động lớn đến phát triển KTXH của Thành phố", Chủ tịch UBND TP nói.
Về quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô.
Cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh tại một số khu đô thị. Giao UBND TP lựa chọn 2-3 khu đô thị mới trên địa bàn để thực hiện việc thí điểm phát triển đô thị thông minh.
Cho phép thực hiện các dự án tái thiết đô thị trong khu vực nội thành để quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư, dành quỹ đất để xây dựng các công trình tạo nguồn lực phát triển KTXH, hình thành các khu dân cư, khu nhà ở đồng bộ, hiện đại.
Về các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét ban hành các cơ chế, chính sách "đặc thù", "đột phá" để phân cấp, phân quyền chủ động cho TP Hà Nội, tập trung nguồn lực, rút ngắn trình tự thủ tục, phương án cân đối nguồn vốn để đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray,… và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho TP để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành và khép kín các tuyến đường vành đai.
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Hà Nội tập trung phát triển trục sông Hồng là trục không gian chủ đạo của Thủ đô, để không gian sông Hồng trở thành "biểu tượng phát triển mới của Thủ đô".
Luật Thủ đô quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt. TP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển Thành phố phía Bắc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai để kêu gọi các nguồn lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển trong nước và quốc tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ, sớm tạo dựng một thành phố thông minh, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ một số dự án đường sắt đô thị, dự án giao thông, quy hoạch, nhà ở, xử lý vướng mắc cho các dự án chậm triển khai và một số vấn đề cụ thể khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, giao Văn phòng Chính phủ và TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến xác đáng, ban hành văn bản thông báo ý kiến kết luận để tổ chức thực hiện hiệu quả thời gian tới.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, Thủ tướng nêu rõ quan điểm: Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội".
"Cần xác định các mục tiêu đạt được thì tiếp tục đẩy mạnh, các mục tiêu chưa đạt được phải cố gắng nhiều hơn, các mục tiêu khó đạt được thì cần phải có giải pháp đột phá. Tinh thần là quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, phân công công việc "6 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả)", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 4, lưu ý việc giải phóng mặt bằng phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của bí thư cấp ủy.
Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Thủ đô thông minh.
Nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính, phấn đấu nằm trong nhóm 5-10 địa phương tốt nhất về các chỉ số này. Từng bước giải quyết các vấn đề về hạ tầng đô thị liên quan tới giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, xã hội…
Về y tế, giáo dục, dứt khoát không để thiếu thuốc, nhân lực y tế và chuẩn bị tốt cho năm học mới; làm tốt công tác cải cách tiền lương gắn với kiểm soát tốt giá cả thị trường, nhất là bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm và xăng dầu.
Tà soát các nhiệm vụ về văn hóa, thể thao, phát huy mạnh mẽ truyền thống nghìn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế xã hội.
Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân, để người dân và du khách tới Hà Nội luôn cảm thấy yên tâm tại "thành phố vì hòa bình". Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội liên quan tới triển khai thi hành Luật Thủ đô; thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh tại một số khu đô thị; phát triển nhà ở xã hội; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hoàn thành và khép kín các tuyến đường vành đai; phát triển không gian sông Hồng; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long và khu vực lõi Thành Cổ Loa; kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.