Lãnh đạo phải có tài năng và uy tín xã hội

Thứ bảy, ngày 23/07/2011 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Người lãnh đạo ngoài năng lực điều hành phải có uy tín trong xã hội. Ngoài ra, nếu bầu một người vào vị trí quá xa chuyên môn, lĩnh vực quan tâm của họ sẽ làm cử tri băn khoăn”. Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc nói trước ngày Quốc hội bầu chọn các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.
Bình luận 0

Ông Quốc nói, việc bầu lãnh đạo cấp cao ở đâu, thời nào cũng quan trọng. Tuy nhiên, mỗi nước đều có một cơ chế khác nhau. Ở một số nước, việc bầu tổng thống là quan trọng hàng đầu, cùng với vị trí tổng thống, cả hệ thống chính trị sẽ hình thành theo. Còn ở nước ta, những người được bầu là do Đảng giới thiệu. Ngoài ra, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng được giới thiệu ứng viên vào những vị trí lãnh đạo cấp cao.

img
Đại biểu Dương Trung Quốc

Nội dung quan trọng nhất trong kỳ họp này là chọn ra những người đứng đầu bộ máy Nhà nước. Với tư cách là người đại diện cho cử tri bấm nút để bầu cho những vị trí đó, ông thấy vai trò của mình thế nào?

- Ở hệ thống chính trị chúng ta, nhân sự đề xuất để bầu chọn là những người được Đảng đề nghị và QH tiến hành việc tiếp theo như đã được quy định là bầu chọn.

Mỗi chức danh lãnh đạo cần có hai khía cạnh là năng lực điều hành và uy tín xã hội.

Ông có hy vọng về việc bầu chọn có số dư sẽ xuất hiện trong đợt bầu chọn này?

- Việc này có thể khó xuất hiện vì công tác nhân sự thể hiện ý chí, sự lãnh đạo của Đảng. Về nguyên tắc thì các đoàn đại biểu Quốc hội có thể đề cử. Cá nhân đại biểu cũng có thể tự ứng cử, nếu được thống nhất trong đoàn, họ sẽ có tên trong danh sách bầu chọn. Nhưng việc đó có xảy ra hay không, tôi cũng không chắc chắn.

Với góc nhìn của một sử gia, ông nhìn nhận thế nào về dấu ấn nhiệm kỳ lãnh đạo cấp cao vừa qua?

- Đánh giá một cách khái quát là rất khó. Nói như Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ai cũng đóng góp tốt. Nhưng những vấn đề còn tồn đọng, còn hạn chế vẫn chưa được đề cập, chưa quy trách nhiệm rõ ràng. Muốn đánh giá chính xác, phải nhìn vào những cái họ đã làm được so với chương trình hành động người lãnh đạo đó đưa ra, xem họ có làm được những việc họ đã hứa hay không. Nhưng cách đánh giá của chúng ta hiện nay còn mang tính chung chung.

Dù sao, ngoài yếu tố chủ quan, hiện nay có quá nhiều những yếu tố khách quan tác động vào đời sống xã hội về kinh tế, an ninh quốc gia nên khó có thể đánh giá hết sự đóng góp của các cá nhân. Theo tôi, muốn đánh giá chính xác hãy lấy thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội để đánh giá.

Bản thân ông kỳ vọng gì về các vị trí lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là vị trí Thủ tướng?

- Ai cũng mong nhà lãnh đạo, đặc biệt là vị trí Thủ tướng là lựa chọn tốt nhất trong các sự lựa chọn. Còn khi được lựa chọn rồi, thì Thủ tướng hãy làm tốt nhất điều mà cử tri mong muốn. Trong bối cảnh hiện nay, chủ quyền quốc gia, biển đảo rất quan trọng. Lẽ ra, trong mỗi nhiệm kỳ, lãnh đạo đất nước hãy lấy vấn đề này ra để soi xét, thể hiện quan điểm và hành động. Ngoài kinh tế còn là vấn đề bảo vệ lãnh thổ. Vì thế, theo tôi nên xem xem đây là một tiêu chí để lựa chọn người lãnh đạo.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem