Năm 2017, doanh thu VFG đạt được là 2.326 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 140,9 tỷ đồng, đạt 93,795 kế hoạch. So với năm 2016 thì doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng 4% và 3%. Nguyên nhân không hoàn thành chỉ tiêu theo HĐQT VFG là do trong năm qua tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn: giá cả nông sản thấp và bấp bênh; thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra tình trạng rét lạnh cục bộ xuất hiện những tháng đầu năm ở miền Bắc, hạn hán kéo dài ở miền Nam và Tây Nguyên, mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng ở miền Trung làm cho chi phí hoạt động bán hàng tăng…
Bên cạnh đó, các công ty thuốc bảo vệ thực vật vẫn đua nhau giải phóng hàng tồn và giành lấy thị phần với những chương trình mang tính chất cạnh tranh trong chính sách bán hàng cũng như trong hoạt động quảng bá. Sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc được phân phối qua kênh bán hàng của hàng trăm doanh nghiệp, đại lý nhỏ đang có nguy cơ nới rộng so với thị phần trong nước làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Sự xáo trộn ở kênh phân phối gây nên tình trạng bất ổn trong hệ thống ảnh hưởng đến việc bán hàng của công ty. Giá vốn thuốc bảo vệ thực vật và các nguyên vật liệu khác liên tục tăng trong đó có sự biến động tăng giá nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật.
Một số ngành hàng như sắn lát giảm mạnh do các công ty thua lỗ lớn vì giá giảm, khách hàng tìm cách tiết giảm chi phí nên thường bỏ không làm thuốc khử trùng, nhiều trường hợp khách hàng tự tổ chức đội khử trùng để tự xử lý hàng hóa. Việc thành lập công ty khử trùng khá dễ dàng dẫn đến ngày càng có nhiều công ty thành lập bộ phận khử trùng từ ngành kinh doanh có liên quan như giám định, vận tải, PCO… Các công ty này luôn tập trung vào lượng khách hàng của VFG để lôi kéo bằng cách giảm giá, tăng hoa hồng. Đồng thời theo lãnh đạo VFG thì ngành kinh doanh dịch vụ - khử trùng mất nguồn hàng khử trùng xuất đi Trung Quốc và ngành hàng gạo xuất khẩu giảm.
Quang cảnh ĐHCĐ thường niên VFG ngày 27.4
Tại đại hội, cổ đông Trương Thị Minh Nguyệt nêu ý kiến là trong báo cáo của Ban kiểm soát có đề cập đến việc kiểm soát công nợ nhưng chưa thể hiện cụ thể các khoản nợ phải thu cho đến thời điểm 31.12.2017, do vậy cổ đông chưa biết được công ty xử lý các khoản nợ phải thu như thế nào? Báo cáo của Ban kiểm soát có đề cập đến giám sát việc thanh lý các tài sản cố định của công ty, nhưng chưa thấy có số liệu cụ thể về việc thanh lý Nhà máy tại KCN Lê Minh Xuân như: giá thanh lý, việc kết chuyển lỗ, lãi ra sao…?
Theo báo cáo của lãnh đạo VFG thì tính đến cuối năm 2017 các khoản phải thu của công ty tăng 5,48% và hàng tồn kho tăng 33,08%. Nợ phải trả của công ty tăng 34,27% so với cùng kỳ, trong đó các khoản nợ vay tăng. Công ty đã đàm phán với ngân hàng để vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng chi nhánh Đức Hòa Long An. Mặt khác, công ty tăng cường tận dụng hạn mức tín dụng từ nhà cung cấp để tăng mức nợ, sử dụng dòng tiền hợp lý hơn, khoản nợ công ty không phải là khoản nợ xấu không có khả năng thanh toán mà công ty đã được đối tác cho hạn mức nợ.
Nhân viên Công ty Khử trùng Việt Nam
ĐHCĐ thường niên VFG thông qua chỉ tiêu doanh thu năm 2018 là 2.550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 150 tỷ đồng. So với năm 2017 thì doanh thu tăng khoảng 10% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 6%. Điều này có lẽ xuất phát từ những khó khăn do sức ép cạnh tranh như đã nói ở trên và chiến lược kinh doanh của chính VFG.
Theo một báo cáo của Bộ phận phân tích của CTCK HSC hồi tháng 11.2017, trong khi một đối thủ chính chuyển sang làm việc trực tiếp với các đại lý bán lẻ thì VFG vẫn giữ kênh phân phối 2 cấp (VFG bán hàng trực tiếp cho đại lý bán buôn để đại lý bán buôn bán lại cho các đại lý bán lẻ). Như vậy các đại lý bán lẻ sẽ nhận được chiết khấu cao hơn khi bán sản phẩm của đối thủ chính này. Điều này làm hạn chế sức cạnh tranh của sản phẩm VFG trên thị trường.
VFG trong năm nay đã đưa vào vận hành nhà máy mới tại Long An với công suất tăng gấp 3 lần từ 3.500 tấn lên 9.500 tấn với mục tiêu doanh thu đến năm 2020 là 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, HSC cho biết sau khi đưa vào hoạt động trong nửa cuối năm nay, công suất hoạt động mới chỉ đạt khoảng 4.000-4.500 tấn/năm so với tổng công suất thiết kế là 9.500 tấn/năm; tương đương tỷ lệ công suất hoạt động/công suất thiết kế là 42-44%.
HSC cho biết, để ứng phó với việc doanh thu giảm và tỷ lệ sử dụng công suất thấp, VFG sẽ sử dụng phần công suất còn lại để sản xuất gia công và dự kiến sẽ đưa ra thị trường sản phẩm mới tự pha trộn có giá rẻ hơn. Dù vậy, HSC cũng cho rằng việc đưa ra thị trường sản phẩm giá thấp chưa phải là giải pháp toàn diện và VFG có lẽ cần xem xét nghiêm túc hơn về chiến lược của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.