Nhiều đặc sản nổi tiếng
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều vùng thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang sản xuất ra các loại nông sản đặc sản nổi tiếng như cá nước lạnh, quế, chè...
Đến thăm những mô hình sản xuất ở huyện Bát Xát, các cán bộ của đoàn công tác tỏ ra rất thích thú với các sản phẩm cá đặc sản ở đây. Ông Lưu Văn Quang, một tỷ phú ở xã Dền Sáng cho hay: “Dựa vào nguồn nước sạch chảy ra từ núi, bà con chúng tôi đã xây dựng các ao nuôi cá nước lạnh. Đến nay, chúng tôi đã có sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường cả nước”.
Đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các cán bộ trong đoàn công tác thăm quan, khảo sát trại nuôi cá nước lạnh VietGAP ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Trần Quang
"Hiện nay, T.Ư Hội ND Việt Nam đang sử dụng nguồn quỹ để hỗ trợ cho nông dân các tỉnh làm ăn lớn. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả, tỉnh Lào Cai và các tỉnh, thành khác cần có kế hoạch cụ thể và đầu tư vào các chương trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn mới sớm cho nông dân hưởng lợi”.
Đồng chí Thào Xuân Sùng
|
Vừa dẫn cán bộ trong đoàn công tác đi thăm quan các ô nuôi cá trong trại, ông Quang vừa lấy vợt bắt các con cá tầm cỡ lớn khoe với mọi người: "Giờ trại của tôi đã chủ động được cá giống cung cấp cho trại và bà con trong vùng nuôi bán thương phẩm. Riêng gia đình tôi, trung bình mỗi năm bán ra thị trường trên dưới 50 tấn cá thịt, thu về gần chục tỷ đồng"- ông Quang tự hào.
Sau nhiều năm chăn nuôi, đến nay, trại của ông Quang đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP, nhờ thế mà sản phẩm của ông bán đắt hàng hơn. "Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ thêm vốn, chính sách để bà con tiếp tục mở rộng và nhân rộng mô hình giúp nhiều hộ khác cùng làm giàu"- ông Quang chia sẻ.
Theo ông Đặng Xuân Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, Lào Cai tập trung phát triển nông sản chủ lực, đặc hữu trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; ngày càng phát huy những lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và cây trồng, gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo phát triển có hiệu quả, bền vững.
Theo đó, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt 69 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực của tỉnh tiếp tục giữ được đà tăng ổn định, năm 2018 đạt 319.947 tấn.
Một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh: Rau, chè, quế, dược liệu, quýt, chuối, dứa, hoa và cây ăn quả ôn đới. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5.262 cơ sở chế biến nông, lâm sản. Một số sản phẩm chế biến đặc thù của tỉnh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cả nước và từng bước vươn ra thị trường thế giới như: Chè, hoa, gạo đặc sản, đồ gỗ…
Đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các cán bộ trong đoàn công tác thăm quan, khảo sát vùng trồng tỏi xuất khẩu ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: T.Q
Vào khảo sát vùng trồng dược liệu và tỏi xuất khẩu ở huyện Bát Xát, đoàn công tác liên tục phải vượt qua các đoạn đường đất, đá mấp mô, có nhiều đoạn mới bị nước lũ xoáy hở “hàm ếch” nguy hiểm. Trước thực trạng này, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng: "Ở các vùng này đất đai rất mẫu mỡ, bà con và chính quyền đã bắt đầu có sự phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất nông sản phục vụ xuất khẩu nhưng hệ thống giao thông tại đây còn hạn chế, khó khăn. Vì thế chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc khắc phục điều này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm cây hàng hóa".
Nói thêm về những khó khăn của địa phương, ông Nguyễn Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai thừa nhận dù có nhiều sản phẩm đặc sản nhưng phần lớn bà con Lào Cai vẫn bán thô là chính, có một số mặt hàng đã có doanh nghiệp vào đầu tư chế biến, song vẫn còn nhỏ lẻ, hạn chế.
"Ở tỉnh còn có tình trạng trồng chè xong nhưng lại đưa vào tận miền Nam để chế biết chè Ô Long sau đó mới xuất khẩu sang Đài Loan. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện và rất mong nhiều doanh nghiệp vào đầu tư các khâu này đối với sản phẩm chè, trâu, bò, dược liệu... để giúp bà con có thêm việc làm và thu nhập"- ông Dương đề nghị.
Cần xây dựng vùng sản xuất tập trung
Chia sẻ về các thành tích của địa phương, người đứng đầu T.Ư Hội ND Việt Nam cho rằng, chỉ với sản xuất nông nghiệp, nhưng Lào Cai đã làm ra được các sản phẩm đặc trưng tiêu thụ đi khắp cả nước, cho thấy bà con ở vùng cao Lào Cai đã dần thay đổi được tư duy trong cách nghĩ, cách làm.
Trong thời gian tới, đồng chí Thào Xuân Sùng lưu ý tỉnh Lào Cai cần tích cực xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. "Ở vùng cao trên này có địa hình phức tạp, đất dốc nên chúng ta không phải cố dồn điền, đổi thửa như dưới xuôi mà cần tổ chức sản xuất tập trung theo cụm thôn, bản với các cây, con có thế mạnh theo từng vùng mới mang lại hiệu quả"- đồng chí Thào Xuân Sùng nói.
Cũng theo đồng chí Thào Xuân Sùng, điều đầu tiên mà tỉnh cần làm là triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng, nhất là giao thông, hệ thống tướii tiêu... Cùng với đó, Lào Cai cũng cần đưa ra thêm các chính sách ưu đãi, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp lớn vào cuộc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản sau thu hoạch với các sản phẩm đặc hữu của tỉnh như quế, dược liệu... để xuất khẩu nâng cao thu nhập cho nông dân.
"Là tỉnh có các cửa khẩu với Trung Quốc với đủ loại hình giao thông đường thủy, đường sắt, cao tốc và tương lai gần là đường hàng không rất thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch. Chính vì vậy, Lào Cai cần nắm bắt lợi thế này để có chiến lược phát triển cho phù hợp"- đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu T.Ư Hội ND Việt Nam, để đồng bộ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung cần đẩy mạnh xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, các chi hội nghề nghiệp để phối hợp với doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả vào khâu canh tác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.