Ông Nguyễn Công Hoan, chủ trang trại nuôi dê ở thôn Khe Chom, thị trấn Tằng Loỏng cho biết, đàn dê được gia đình ông nhập về nuôi từ cuối tháng 6/2019. Sau hơn một tháng chăn thả, một số con trong đàn bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho, sổ mũi rồi lăn ra chết.
Đã có hơn 80 con dê trong trang trại của ông Hoan bị chết.
Nhận được tin báo, chính quyền địa phương và cơ quan thú y huyện Bảo Thắng đã cử cán bộ chuyên môn xuống khám và điều trị cho những con dê nhiễm bệnh; đồng thời, hướng dẫn gia đình cách phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, số lượng dê chết vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Đến nay, đàn dê hơn 100 con trong trang trại của gia đình ông Hoan đã có 80 con bị chết.
Thông tin với phóng viên, một cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 16/9, đơn vị đã cử cán bộ xuống trang trại của gia đình ông Hoan để kiểm tra và xác định nguyên nhân ban đầu gây tình trạng dê chết hàng loạt. Theo kết quả khám ban đầu cho thấy, những con dê có thể bị bệnh viêm phổi truyền nhiễm. Chúng tôi cũng đề nghị gia đình cho lấy mẫu máu xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân dê chết do bệnh gì, nhưng gia đình chưa đồng ý.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Hoan lại cho rằng: Nhiều khả năng dê chết do hít phải khí độc, hoặc ăn phải cỏ cây bị nhiễm độc tố; bởi khu vực chăn thả của gia đình nằm gần một số nhà máy phốt pho và các nhà máy này thường xuyên xả khí thải, khói bụi ra môi trường xung quanh.
Nếu dê bị bệnh thông thường thì điều trị phải thuyên giảm, nhưng đằng này các cán bộ thú y huyện đã sử dụng nhiều loại thuốc để tiêm, truyền nhưng không hiệu quả. Gia đình tôi cũng đã chăm sóc theo phương pháp mà họ hướng dẫn nhưng dê vẫn chết. Tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xem có độc tố trên cây cỏ ở khu trang trại của tôi để làm rõ nguyên nhân dê của gia đình tôi bị chết - ông Hoan cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND thị trấn Tằng Loỏng cho biết: Hiện chính quyền địa phương vẫn đang cử cán bộ tiếp tục theo dõi, còn việc kết luận nguyên nhân dê chết thì phải chờ cơ quan chuyên môn.
"Được biết, theo biên bản kết luận của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sau khi kiểm tra tại trang trại cũng chưa xác định rõ nguyên nhân chết do đâu mà chỉ nghi bị viêm phổi truyền nhiễm; tất nhiên cũng không loại trừ nguyên nhân nhiễm độc; còn muốn làm rõ dê có bị nhiễm độc hay không thì phải lấy mẫu và gửi đi phân tích, việc này chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh cần vào cuộc làm rõ...", ông Trần Ngọc Oanh. |
Nhóm PV (Báo Lào Cai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.