Lào Cai tìm giải pháp nâng tầm cho 850 cây thuốc quý

Mùa Xuân Thứ tư, ngày 19/07/2023 07:43 AM (GMT+7)
Tỉnh Lào Cai vừa tổ chức Hội thảo thúc đẩy liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP năm 2023.
Bình luận 0
Lào Cai: Liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Hội thảo thúc đẩy liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: Kim Thoa.

Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế); Viện Bảo vệ thực vật; một số trường đại học, cao đẳng và các đơn vị có liên quan; đại biểu các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên; đại diện một số công ty, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dược liệu trong và ngoài tỉnh.

Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng nên số lượng loài cây dược liệu phong phú, với khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số gần 4.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược. 

Lào Cai: Liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: Kim Thoa.

Hiện, tỉnh Lào Cai có 4 nhóm cây dược liệu gồm dược liệu trồng làm thuốc; nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch; dược liệu thu hái tự nhiên; cây quế và các sản phẩm từ quế.

Đối với nhóm dược liệu trồng làm thuốc, đến hết năm 2022, tổng diện tích cây dược liệu toàn tỉnh Lào Cai có gần 3.550 ha, sản lượng đạt hơn 18.160 tấn, giá trị bình quân cả năm 390 tỷ đồng (khoảng 100 - 110 triệu đồng/ha). Chủng loại cây dược liệu lâu năm chủ yếu là sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hà thủ ô….

Toàn tỉnh có 210,2 ha cây dược liệu đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”. Hiện có 3 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Tâm Phát Green, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà, HTX Cồ Dề Chải (huyện Bắc Hà). 

Lào Cai: Liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm dược liệu. Ảnh: Kim Thoa.

Nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch, phải kể đến nhóm thuốc tắm người Dao Đỏ được người dân phát triển từ rất lâu đời, các loại cây thuốc đều là các cây dưới tán rừng, có rất nhiều loại cây, tùy theo mục đích sử dụng mà người dân lấy các vị thuốc khác nhau để phối trộn. 

Hiện có hơn 120 loại cây được sử dụng, trong đó các bài thuốc tắm có khoảng 12 loại chính đó là cây cơm cháy, hoa ông lão, liên đằng hoa nhỏ, màng tang, chùa dù, đìa bay, đìa giản, cành phi điếp, giàng nài, quáng đìa nhăn, quảng đìa bua… và bổ sung từ 30 - 40 loại phụ trợ (mỗi bài thuốc của người làm thuốc đều có phối trộn riêng).

Thuốc tắm người Dao được các công ty, HTX chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển bền vững với diện tích trồng và khai thác tự nhiên khoảng trên 1.300 ha tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Các sản phẩm thuốc tắm, thuốc ngâm chân, cao atiso, cao đỗ trọng, cao dây gắm, tinh dầu đã được kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn khi sử dụng.

Ngoài ra, nhóm thuốc tắm người Dao còn có các nhóm dược liệu khác như, nhóm nấm Đông trùng hạ thảo; nhóm các loại mỹ phẩm, chất tẩy rửa hữu cơ từ thảo dược; nhóm thảo dược dùng trong ẩm thực tương đối đa dạng phong phú.

Lào Cai: Liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dược liệu với Tổng công ty BMV Phacmar; UBND huyện Bắc Hà ký kết liên kết sản xuất dược liệu với Công ty cổ phần đầu tư Green Life và Công ty Cổ phần Vật tư Y tế Khải Hà. Ảnh: Kim Thoa.

Dược liệu thu hái tự nhiên, có nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm, có giá trị y dược cao như: Đương quy, Giảo cổ lam, ngũ gia bì gai, chè dây, sâm vũ diệp (tam thất hoang), thất diệp nhất chi mai, hoàng liên gai, các loại cây thuốc tắm người Dao đỏ…người dân đã biết khai thác và sử dụng từ lâu đời trong các bài thuốc dân gian để chữa bệnh, phục hồi, bồi bổ sức khỏe, tạo thành các sản phẩm đặc trưng làm quà cho du khách tại các điểm du lịch Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát...

Hiện nay, diện tích chè dây được thu hái trên khoảng 35.000 ha đất rừng tại Bát Xát, Sa Pa đã được chứng nhận GACP do Công ty Traphaco Sa Pa thực hiện. Bên cạnh đó, một số các loài dược liệu quý, hiếm như thất diệp nhất chi mai, tam thất hoang...có giá trị rất cao tuy nhiên số lượng không nhiều.

Lào Cai: Liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Bắc Hà là địa phương có dược liệu cát cánh nhiều nhất tỉnh Lào Cai. Ảnh: Seo Sếnh.

Đối với nhóm cây quế và các sản phẩm từ quế đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trên 53.300 ha, sản lượng hàng năm thu được trên 5.000 tấn vỏ khô, 51.000 tấn cành lá; toàn tỉnh có trên 3.600 ha được công nhận vùng quế hữu cơ.

Hiện, diện tích liên kết tiêu thụ các loại cây như: Actiso, đương quy, xuyên khung, chè dây, tam thất, y dĩ, sả Java lấy tinh dầu… chiếm khoảng 40% sản lượng dược liệu sản xuất ra. Số lượng còn lại vẫn do người dân tự tiêu thụ trên thị trường. Nhiều sản phẩm được đóng gói bao bì, có tem nhãn mác, xuất xứ, được xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 25 sản phẩm dược liệu đã được chứng nhận OCOP, trong số này có 7 sản phẩm được xếp hạng 4 sao; có 18 sản phẩm được xếp hạng 3 sao.

Tiềm năng về cây dược liệu của tỉnh Lào Cai là rất lớn (khí hậu, thổ nhưỡng, dược liệu bản địa, tri thức văn hóa bản địa...) góp phần tạo nên các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Một số loại cây dược liệu có thể trồng xen canh hoặc trồng dưới tán rừng góp phần bảo vệ rừng và đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương.

Lào Cai: Liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Actiso, cây dược liệu phát triển mạnh trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Phạm Quỳnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận đánh giá nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; nêu ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức, đề xuất những giải pháp phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lào Cai và một số tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là từ khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, cho biết: Cây dược liệu đang là cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai và là ngành hàng quan trọng thuộc lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Do vậy, các cấp, các ngành và các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh cần chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; thường xuyên tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, bổ sung chủng loại cây hằng năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái; kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như, Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… 

Lào Cai: Liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 7.

Cây ngũ gia bì hương một loại thảo dược nằm trong sách đỏ Việt Nam đã và đang được nhiều bà con nông dân ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) trồng. Ảnh: Mùa Xuân.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung lựa chọn và phân loại cây thuốc mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh hoặc có dung lượng thị trường lớn, phục vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh theo các xu hướng lớn phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu; liên kết sản xuất và tiêu thụ; đa dạng hóa các sản phẩm ẩm thực từ thảo dược, sản phẩm chăm sóc sức khỏe; thuốc tắm người dao; mỹ phẩm và các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ từ thảo dược và các sản phẩm OCOP...

Cùng với đó, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến sâu. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống thuỷ lợi, hệ thống đường nội đồng...) đáp ứng yêu cầu phát triển dược liệu hàng hóa. Xây dựng cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, nhằm thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến sâu nhóm dược liệu trên địa bàn tỉnh. 

 Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, TP. Lào Cai…nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như trà túi lọc, cao bánh, cao lỏng, viên nén, các sản phẩm chức năng…phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường trong nước; đồng thời, chế biến thành các sản phẩm làm quà cho du khách tại các điểm du lịch.

Với đặc thù của tỉnh có lợi thế về văn hóa, cảnh quan, các hoạt động du lịch trong tỉnh phát triển mạnh, gắn các hoạt động kinh tế dược liệu với du lịch, thông qua xây dựng các trục văn hóa - dược liệu, tạo các vùng tham quan trải nghiệm dược liệu, chăm sóc sức khỏe và các nông sản đặc trưng tại các khu vực, địa phương.

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem