Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đến thăm Dinh thự Hoàng A Tưởng vào một ngày nắng đẹp, tôi không khỏi bất ngờ trước sự xa hoa, lộng lẫy bởi vẻ đẹp cổ kính nơi dinh thự vua Mèo.
Được biết, chủ nhân cũ của ngôi nhà này là ông Hoàng Yến Tchao (1883- 1959), người dân tộc Tày và là thổ ty vùng Bắc Hà trước đây.
Ông là bố của Hoàng A Tưởng, tên người con được người dân gọi làm tên dinh thự. Mặc dù là người Tày nhưng người ta quen gọi ông Tchao là vua Mèo vì trước đây người Mông (Mèo) chiếm đến gần 70% dân số toàn vùng Bắc Hà. Ông Hoàng Yến TChao lại cai trị vùng đất này nên có tên vua Mèo là vì thế.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Phan Thanh Sơn – Trưởng ban quản lí khu di tích Dinh thự Hoàng A Tưởng, cho biết: “Trước đây, bố của ông Hoàng Yến Tchao là người buôn bán lợn, mua lợn con ở phía tây mang về Bắc Hà bán. Có thể nói bố của Hoàng Yến Tchao là một người lái buôn giàu có, có tiền, có của.
Đến vùng Bắc Hà ông giao lưu với những người giàu có, quan chức tại đây. Buôn bán ở đây một thời gian thì ông quen với Giàng Ly Trang (là con trai của Giàng Chẩn Hùng). Nói về Giàng Chẩn Hùng khắp vùng Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai ai cũng biết đến, đó là một thủ lĩnh người Mông yêu nước, tập hợp nhân dân đứng lên chống Pháp...".
Sau khi ông mất thì con trai ông là Giàng Ly Trang kế tục sự nghiệp làm lý trưởng của một vùng. Tuy lực lượng không lớn mạnh như thời bố của ông nhưng tinh thần quật khởi và khí phách kiên cường chống Pháp của ông vẫn được giữ nguyên vẹn.
Bố của Hoàng Yến Tchao đến buôn bán tại phố Bắc Hà thì kết thân với Giàng Ly Trang và lấy chị gái của Giàng Ly Trang, đẻ ra được ông Hoàng Yến TChao và Hoàng Yên Xiên.
Khi Giàng Ly Trang chết thì Pháp đưa Hoàng Yến TChao lên làm lý trưởng. Từ khi lên chức lý trưởng thì Hoàng Yến Tchao theo Pháp, dần dần lên đến chức chánh tổng, châu úy và cuối cùng là tri châu cao nhất. (Các chức quan thời Pháp thuộc ở vùng dân dân tộc miền núi phía Bắc gồm: Seo phải, mù lao, binh thầu, lý trưởng, chánh tổng, châu úy, tri châu).
Từ khi nắm quyền cai trị một vùng, dưới sự hậu thuẫn của Pháp ông Hoàng Yến Tchao rất giàu có. Người dân phải đi phu, đi lính, cống nộp của ngon vật lạ cho ông. Ngoài ra ông còn độc quyền buôn bán muối và thuốc phiện. Vì vậy rất giàu có”.
Theo tư liệu lưu truyền, ông Hoàng Yến Tchao có chính thức tất cả 4 bà vợ và 7 người con đẻ, trong đó có 2 người con trai và 5 người con gái. Con trai cả là ông Hoàng A Tiển, con thứ 2 là ông Hoàng A Tưởng.
Con trai cả của Hoàng A Yến Tchao là Hoàng A Tiển có lấy vợ nhưng mất sớm. Còn Hoàng A Tưởng là con trai thứ chính thức lấy 2 vợ nhưng không có con.
Vợ cả của Hoàng A Tưởng là em gái của Lý Trai ở Bảo Nhai. Nhờ có em gái lấy Hoàng A Tưởng mà người này mới lên được chức lý trưởng. Người vợ thứ hai của ông Tưởng là người Hà Nội. Lý do ông Tưởng không có con là do thời gian ông được bố cho đi học ở trường Bưởi, Hà Nội đã không chú tâm học hành mà lại đi hát cô đầu, nên mắc bệnh và không thể có con.
Người con gái thứ hai của bà ba với ông Tchao rất xinh đẹp và đã lấy 1 đồng chí bộ đội tên Nguyễn Văn Mùi sinh được 2 con trai.
Hoàng Yến Chao tin tưởng giao cho anh Mùi quản lý công việc trong nhà. Thực tế đồng chí bộ đội này là do cách mạng cài vào nhà Hoàng Yến Tchao để theo dõi mọi hoạt động của gia đình này với Pháp. Khi giải phòng Bắc Hà vào năm 1950 đồng chí Mùi quay lại đây tìm con thì vợ dẫn con chạy theo cha sang Pháp và không gặp được.
Về các bà vợ của ông Tchao, chính thức có 4 vợ nhưng các cô hầu nữ thì rất nhiều. Hầu nữ cũng ở trong dinh thự, nhiệm vụ của họ là hầu hạ, đấm bóp, chăm sóc cho ông Tchao.
Trong dinh thự không chỉ có phòng ở, phòng làm việc mà còn có cả phòng xử án, phòng giam tù binh. Tất cả mọi kiện cáo của người dân trong vùng trước đây đều được mang đến đây xử. Những ai phạm tội thì giam lại phòng tù binh có xà lim ngang cùm chân.
Qua lời kể của người dân trong vùng, trước đây gia đình ông Hoàng Yến Tchao rất giàu có. Những ngày nắng, người ta mang bạc ra phơi để tránh mốc kín cả sân nhà. Trong dân gian còn lưu truyền ông Tchao cho xây hầm lớn để chứa vàng bạc, châu báu.
Và dùng những cô gái đồng trinh hiến tế để làm thần giữ của. Đấy chỉ là những câu chuyện mang đầy tính kỳ bí không lấy gì làm bằng chứng xác thực.
Còn thực tế trong dinh thự có 4 cây đinh mộc hương trồng phía sau ngôi nhà. Đây vừa là cây cảnh, hoa tỏa hương thơm vào 1, 15 âm lịch hàng tháng, vừa là điểm dấu của cải vàng bạc của ông Tchao. Sau khi gia đình nhà ông Hoàng Yến Tchao bỏ đi có gửi tin về cho những con cháu còn sống tại Bắc Hà đến đào 2 gốc cây đinh mộc hương lên để lấy vàng bạc. Vì thế 2 cây bị chết, hiện nay chỉ còn 2 cây.
Thời đó sự phân biệt giữa quan lại và dân thường rất rõ rệt. Với người dân bình thường nếu có việc gì đến nhà họ Hoàng đều phải đứng chờ ở phía ngoài chờ, lính gác vào bẩm báo với ông Hoàng Yến Tchao. Nếu được sự cho phép mới được vào.
Khi thiết kế ngôi nhà này ông Hoàng Yến Tchao cho xây dựng những bể nước mưa gần cửa chính để mọi người rửa chân sau đó mới bước lên cầu thang vào nhà. Người hầu và binh lính canh gác cho ngôi nhà không được phép đi cổng chính mà phải đi cổng phụ vòng ra phía sau ngôi nhà.
Không chỉ bước chân vào nhà dân thường mới cần thực hiện theo phép tắc này mà người dân mỗi khi cưỡi ngựa đi qua cổng chính của ngôi nhà này đều phải xuống ngựa. Nếu ngồi trên ngựa đi qua cổng sẽ bị quân lính bắt xuống và đánh vì tội không tôn trọng ông Hoàng Yến Tchao.
Những câu chuyện dã sử mang đầy tính huyền bí còn được lưu truyền rất nhiều trong dân gian. Để tìm hiểu thêm mời các bạn đến Bắc Hà tham quan Dinh thự Hoàng A Tưởng.
Ngày nay sau gần 100 năm tồn tại cùng mưa - nắng, sau nhiều lần tu sửa, dinh thự đã mất đi phần nào vẻ cổ kính. Nhưng nét đẹp hài hòa trong sự pha trộn kiến trúc Đông-Tây, sự vững trãi của một dinh thự, một pháo đài vẫn còn. Đặc biệt những câu chuyện kỳ bí, đầy hấp dẫn thu hút du khách tìm hiểu.
Đến thăm Dinh thự Hoàng A Tưởng, du khách còn có thể tìm mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính tay người dân địa phương dệt, làm ra như vòng bạc, khăn, áo, váy và các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm.
Ngoài ra, khách du lịch còn có thể đến khu trưng bày các kỷ vật, những tác phẩm nghệ thuật của đồng bào dân tộc Mông, Tày, Dao… Bên cạnh đó còn có nhiều kiệt tác thể hiện đời sống của người dân vùng cao vô cùng độc đáo và ấn tượng.
Tại khu vực phía sau dãy chính của Dinh thự Hoàng A Tưởng, du khách có thể thăm quan mô hình nấu rượu ngô truyền thống của dân bản nơi đây và nghe thuật lại công thức và cách làm đặc sản có một không hai trên.
Sau buổi tham quan, du khách có thể ghé vào nhà hàng quanh khu vực để nhâm nhi chén rượu ngô, thưởng thức cùng các đặc sản nổi tiếng như thịt trâu gác bếp, củ lạc… được người dân địa phương trồng cấy trên cao nguyên trắng Bắc Hà.
Hiện nay, ngôi nhà quyền lực bậc nhất thời trước này luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách đi trong hành trình về thăm cao nguyên trắng Bắc Hà. Theo thời gian, Bắc Hà có nhiều đổi khác nhưng dinh thự Hoàng A Tưởng vẫn đứng đó chứng kiến sự thay đổi của khung cảnh, con người vùng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.