Một thời đầy rẫy trộm cắp
Ông Mùa Dúa Vàng (SN 1960) - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã Tênh Phông, kể: Trước đây, bà con ở xã này trồng bạt ngàn cây thuốc phiện. Việc trồng và hút thuốc phiện của người Mông nơi đây diễn ra như cơm bữa. Nhà nhà trồng thuốc phiện, người người hút thuốc phiện. “Nàng tiên nâu” đã đẩy không biết bao gia đình tan cửa, nát nhà. Người em trai của ông đã ra đi mãi mãi vì nghiện thuốc phiện.
Ông Mùa Dúa Vàng kiểm tra vườn thảo quả của mình. Ảnh: S.T.L
"Mình làm Trưởng bản, muốn người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, mình phải gương mẫu thực hiện trước mới tuyên truyền, vận động được bà con. Lúc đầu, tôi trồng 100 gốc thảo quả. Sau mấy năm, tôi có 3ha thảo quả...”.
Ông Mùa Dúa Vàng
|
“Từ nhỏ, tôi theo chân bố mẹ và người dân trong bản đi khắp các vạt nương, triền đồi để thu hái, lấy nhựa cây thuốc phiện. Thứ cây “ăn thịt người” này trồng ở vùng đất Tênh Phông lên rất tốt. Bà con dùng ma túy để bán lấy tiền, đổi thức ăn nên nương rẫy bị bỏ bê. Cơm nước no nê, bà con lại say sưa, chân co chân duỗi bên bàn đèn. Có dịp trò chuyện với các ông, bà, họ bảo: Ngày nào cũng phải làm vài “bi” vào người thì đầu óc mới tỉnh táo và làm được việc” - ông Vàng nhớ lại.
Năm 1982, ông Vàng lập gia đình, nhà có vài sào nương thì bố, mẹ, anh em trồng phủ kín cây thuốc phiện. Theo ông Vàng, thời đấy, gia đình ông và bà con dân bản tin rằng chỉ có trồng cây thuốc phiện đem bán lấy tiền, đổi thức ăn mới có cuộc sống giàu sang.
Càng về sau, ông Vàng nhận thấy thuốc phiện không giúp cuộc sống của bà con giàu sang như nhiều người hoang tưởng mà ngược lại nó (thuốc phiện - PV) gây mất an ninh - trật tự địa phương, khiến hạnh phúc bao gia đình tan vỡ khi con cái phải sống cảnh không cha, không mẹ, vợ mất chồng, người già không ai chăm sóc…
Đổi đời nhờ trồng cây thảo quả
Chia sẻ về câu chuyện từ bỏ cây thuốc phiện để có cuộc sống no ấm như ngày hôm nay, ông Vàng cho hay: Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thấy cuộc sống của người dân nơi đây khổ cực quá, đồng chí Vừ Khu Xá (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tênh Phông đã cất công đi tận huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, lấy giống thảo quả về cho bà con trồng. Nhà nước cũng đầu tư nhiều chính sách mới về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đưa giống cây trồng, con nuôi mới, hiệu quả cao về cho dân. Bởi vậy, Tênh Phông mới đổi thay được như hôm nay.
Năm 1995, phát huy lợi thế tiếng Mông của mình, ông Vàng ngày đêm cùng cán bộ xã, cán bộ huyện đi tuyên truyền tác hại của cây thuốc phiện và vận động người dân từ bỏ cây thuốc phiện chuyển hướng sang trồng cây con giống mới. Dần dà, ông Vàng tạo được uy tín với bà con và được bầu làm Trưởng bản Ten Hon từ năm 1995 đến năm 2011.
Dẫn tôi đi thăm vườn thảo quả xanh ngút ngàn của gia đình - nơi mà trước đây từng bạt ngàn hoa anh túc nở, ông Vàng bảo: “Mình làm Trưởng bản, muốn người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước mình phải gương mẫu thực hiện trước mới tuyên truyền, vận động được bà con. Lúc đầu, tôi trồng 100 gốc thảo quả. Sau mấy năm, tôi có 3ha thảo quả. Năm nào mất mùa cũng thu từ 50 - 60 triệu đồng; năm được mùa tôi bỏ túi trên 100 triệu đồng”.
Ông Mùa A Dụa - Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phong cho biết: Chính nhờ ông Vàng mà người dân xã Tênh Phong đã “đuổi” được cây thuốc phiện ra khỏi bản. Bà con thấy ông Vàng trồng được thảo quả, bán được nhiều tiền liền làm theo ngay. Hiện nay, bà con người Mông ở Tênh Phong, hộ ít nhất cũng có vài trăm m2 thảo quả, hộ nhiều từ 4 - 5ha. Mỗi năm, từ nguồn thu bán thảo quả, bà con ai cũng sắm sửa được tivi, tủ lạnh, xe máy. Cái đói, cái nghèo chỉ còn là chuyện quá khứ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.