Lao động mất việc ở tuổi 40 nhưng không thể nghỉ hưu cần giải pháp hỗ trợ

Thùy Anh Thứ hai, ngày 26/02/2024 15:08 PM (GMT+7)
Quy định tuổi nghỉ hưu nam lên tới 62 tuổi, nữ là 60 tuổi nhưng thực tế hiện nay, nhiều lao động bất đắc dĩ đã phải “chờ” nghỉ hưu khi mới 40 tuổi.
Bình luận 0

Lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn tuổi nghỉ hưu quy định

Mới đây, trong cuộc họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung về việc công nhân, lao động trực tiếp ở một số ngành phải nghỉ hưu sớm.

Theo đó, đại biểu nêu tại thị trường lao động đang diễn ra tình trạng lao động bị cho “nghỉ hưu” sớm. Nhiều lao động phải nghỉ việc ở tuổi 40, chưa đạt chạm mốc tuổi nghề.

Cụ thể là lao động may mặc, giày da... chỉ ngoài 40 tuổi nhưng nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc không tiếp nhận vào làm việc. Nguyên nhân là bởi doanh nghiệp khó khăn, họ ưu tiên giữ hoặc tuyển dụng lao động trẻ, lao động mới để tiết giảm chi phí (chi phí trả lao động có thâm niên) hoặc gia tăng năng suất lao động từ người lao động trẻ. Điều này dẫn đến nhiều lao động phải đối mặt với quãng thời gian dài chờ nghỉ hưu, khó tìm được công việc khác ổn định, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH một lần.

tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu của một số ngành lao động trực tiếp cao, trong khi đó nhiều lao động từ 40 tuổi lao động đã bị cho nghỉ việc sớm. Ảnh: Trung Dũng

Từng chia sẻ với PV Dân Việt về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Lâm 43 tuổi, Thanh Hóa, cũng cho biết, chị nghỉ làm công nhân được 3 năm. Công ty tiến hành sa thải lao động, chị bị liệt vào nhóm cho nghỉ việc. Sau 3 năm nghỉ việc, chị xin đi làm nhà hàng nhưng công việc không ổn định, tính tìm lại việc làm ở công ty nhưng sau 2 tháng làm hồ sơ đi xin việc mà chưa công ty nào nhận.

Lao động trực tiếp bị cho nghỉ việc sớm, nhưng tuổi nghỉ hưu.lại cách đó cả vài chục năm, điều này khiến cho nhiều lao động bơ vơ, không có nơi nương tựa tìm đủ công việc để mưu sinh.

Bộ LĐTBXH mới ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BLĐTBXH bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024.

Bộ LĐTBXH bổ sung danh mục 52 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thuộc các ngành xây dựng (xây lắp), vận tải, thương binh và Xã hội.

Theo khoản 3, Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam làm việc trong điều kiện lao động bình thường là đủ 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Bộ LĐTBXH nói lao động có thể nghỉ sớm hơn trong điều kiện đặc biệt

Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu quốc hội đề nghị Bộ LĐTBXH sớm có biện pháp giải quyết chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu và nghề, hỗ trợ lao động đảm bảo việc làm an sinh.

Đồng tình với ý kiến đại biểu quốc hội nêu, ông Dung cũng cho biết hiện có nhiều những ngành nghề đặc thù có tuổi nghề rất thấp như vận động viên thể thao, diễn viên, nghệ sĩ, công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin...

Trước đó, khi xây dựng Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới khảo sát thực tiễn tại các địa phương. Đồng thời, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, đề xuất giải pháp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ trước khi trình Trung ương thông qua và ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Và trên cơ sở chủ trương, định hướng tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, nội dung tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan, cũng như xem xét đến tính chất và điều kiện lao động của các ngành nghề.

tuổi nghỉ hưu

Công nhân ngành may mặc, giày da... có thể được nghỉ hưu sớm 5 tuổi so với tuổi quy định nếu bị suy giảm sức khỏe. Ảnh: N.T

Do đó, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi với nữ.

“Những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người bị suy giảm khả năng lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 đến 10 tuổi, so với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường”, ông Dung nói.

Về vấn đề này Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Một số ngành nghề, lao động trực tiếp như: May mặc, da giày… công nhân có thể được xem xét để nghỉ hưu thấp hơn so với tuổi làm việc trong điều kiện bình thường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem