Việc phụ tạo... thu nhập chính
Chị Đồng Thị Hoán (35 tuổi), thôn Trang Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái từng được tham gia lớp dạy nghề mây tre đan ngắn hạn trong thời gian gần 3 tháng. Sau học nghề, chị cùng nhiều lao động trong thôn (LĐNT) có việc làm phụ trong lúc nông nhàn.
Một lớp học nghề mây tre đan ở xã Nghĩa An. Ảnh: Nguyệt Tạ
"Trong năm 2017 toàn tỉnh đào tạo được cho hơn 1.000 lao động hệ cao đăng, 1.800 lao động hệ trung cấp; gần 5.000 người được đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 51%. Năm 2018, tỉnh đề ra mục tiêu tuyển mới và đào tạo nghề cho 15.800 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 54%”.
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Yên Bái
|
“Nói là việc làm phụ nhưng nghề lại mang đến thu nhập chính cho gia đình. Giờ đây, 3 người trong gia đình đều làm giỏ mây tre đan. Mỗi tháng gia đình tôi cũng thu được khoảng 3,5 đến 4,2 triệu đồng nhờ gia công hàng cho công ty” – chị Hoán nói. Xã Nghĩa Lợi có diện tích nông nghiệp bị thu hồi nhiều nên được chọn là địa phương được đặc biệt quan tâm đến việc dạy nghề, chuyển nổi nghề cho nông dân. Hội Phụ nữ cùng các đơn vị khác đã khảo sát nhu cầu học nghề của các lao động để tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động mất việc làm, thiếu việc làm.
Bà Hà Thị Vân – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi cho hay, cuối năm 2017, đã có hơn 50 học viên được học nghề. “So với lớp học nghề khác như chăn nuôi hay thêu thì lớp học mây tre đan khá hiệu quả vì sau học nghề học viên đều có việc làm. Nhiều lao động vừa học vừa làm sản phẩm bán cho doanh nghiệp” - bà Vân nói.
Bà Nguyễn Thị Bình – cán bộ đào tạo của Công ty cổ phần Xuất khẩu mây tre đan tỉnh Nam Định cho biết, sau khi triển khai đưa sản phẩm lên xã, thấy lao động rất hào hứng nên doanh nghiệp đã mở rộng dạy nghề cho nhiều nông dân. “Lao động thực hành khá nhanh, chỉ sau hai ngày cán bộ dạy là có thể làm ra một sản phẩm. Sau học nghề nhiều lao động đã gắn bó nhận gia công sản phẩm luôn cho công ty” – bà Bình nói. Thời gian tới, xã Nghĩa Lợi hướng tới việc hình thành làng nghề mây tre đan, đẩy mạnh đào tạo nghề, liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo và tạo việc làm.
Học nấu ăn để làm du lịch cộng đồng
Mới đây, UBND xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) cũng phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh tổ chức dạy nghề nấu ăn cho 30 LĐNT đang làm du lịch cộng đồng tại địa phương. Bà Phan Thị Trang – một học viên trong lớp học cho hay: “Mong muốn lớn nhất của gia đình lúc này là được tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã được đi học một lớp liên quan tới làm du lịch cộng đồng nhưng lại chưa có nghiệp vụ nấu ăn, chính vì vậy mà lần này được địa phương giới thiệu tôi đã đăng ký theo học”.
Mặc dù mới khai giảng được 3 ngày, nhưng các chị em rất hào hứng tham gia. Hiện tại, các học viên sẽ được học 10 buổi về lựa chọn, bảo quản thực phẩm. Tiếp sau đó, học viên sẽ được thực hành chế biến, bày biện món ăn... Bà Lường Thị Hoàn – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An cho biết, trong năm 2018 xã đã khảo sát nhu cầu học nghề trên 90 hội viên phụ nữ. “Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi đã chọn ngành nấu ăn để dạy nghề cho chị em. Mong muốn chị em là sau học nghề có thể áp dụng vào phát triển du lịch cộng đồng” – chị Hoàn nói.
Ngoài ra, từ đầu năm 2018 xã còn triển khai được một số lớp học nghề ngắn hạn như trồng nấm rơm, làm mây tre đan, chăn nuôi cá nước ngọt. Sau học nghề, có hơn 80% lao động đã có việc làm mới hoặc làm việc cũ nhưng cho năng suất, chất lượng, thu nhập cao hơn trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.