Lao động thời vụ vào mùa sớm

Thứ hai, ngày 06/12/2010 20:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Còn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng lao động từ các vùng quê đã nhao ra thành phố tìm việc thời vụ kiếm tiền tiêu Tết.
Bình luận 0

Lao động đổ về các làng nghề

img

Lao động ngoại tỉnh chờ việc tại cầu Xuân Đỉnh, Hà Nội.

Theo ghi nhận của NTNN, tại một số nơi được mệnh danh là “chợ lao động” của Hà Nội như ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành, khu vực Thanh Xuân - Ngã Tư Sở, đường Bưởi - Hoàng Quốc Việt, Cầu Diễn, khu vực chợ Long Biên, khu vực làng nghề bánh kẹo Xuân Đỉnh, La Phù... một tuần trở lại đây xuất hiện rất nhiều lao động thời vụ từ các vùng lân cận về đây tìm việc.

Bà Hiền, một người bán nước chè gần cổng chợ Long Biên nói: “Năm nay người ở quê ra tìm việc làm sớm thế không biết. Như mọi năm phải tầm nửa tháng nữa họ mới ra đông như thế này”.

Chị Nguyễn Thị Mơ (Duy Tiên, Hà Nam), một lao động thời vụ ở khu vực làng nghề bánh kẹo Xuân Đỉnh tâm sự: “Mấy chị em tôi thống nhất không làm cho mấy ông chủ thầu, không làm cửu vạn… những việc này tiền công thấp lại dễ xảy ra tai nạn và nguy cơ bị bùng tiền công rất cao, mất cả Tết. Năm nay chúng tôi toả vào các làng nghề kiếm việc, nói chung tính ra làm 2 tháng cũng có dăm triệu tiêu Tết”.

Cùng nhóm chị Mơ còn có chị Bùi Thị Ngà (Nho Quan, Ninh Bình), một người có thâm niên gần 10 năm đi làm việc thời vụ chia sẻ: “Vào thời điểm này, làm cái gì lương cũng thấp. Nhưng chỉ khoảng nửa tháng nữa thôi, khi những xưởng mứt ở đây vào vụ thì tiền công của chúng tôi sẽ cao gấp rưỡi. Càng những ngày giáp Tết tiền công càng cao, cao gấp đôi, gấp ba bây giờ”.

“Nóng” sớm vì giá hàng hoá tăng

Những ngày cuối năm, các loại mặt hàng lương thực - thực phẩm tăng giá tới chóng mặt. Đó cũng là lý do mà hàng vạn lao động nông nhàn ở các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thọ Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) nhao ra các thành phố lớn sớm để tìm việc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Lang Chánh hiện có 5.627 lao động, huyện Thọ Xuân có 20.729 lao động từ 16-35 rời quê đi làm ăn ở các vùng.

Hoàng Thị Lan, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, đang ở trọ tại TP. Thanh Hoá cho biết, quê chị chưa vào vụ cấy nên chẳng có việc gì làm. Chị xuống thành phố dọn dẹp nhà cửa, trông coi hàng hoá cho một đại lý. “Mỗi ngày công hiện nay nhà chủ trả cho tôi 50.000 đồng. Số tiền ấy tôi sẽ dồn lại để về sắm Tết cho gia đình”- chị Lan bày tỏ

Không phải ai cũng may mắn như chị Lan, nhiều lao động nam giới chấp nhận làm cửu vạn, thu nhập ngày có ngày không. Anh Lê Văn Hoàng, quê ở huyện Quảng Xương (giáp ranh TP. Thanh Hoá) tâm sự: “Có ngày tôi ngồi từ sáng tới chiều không ai thuê, phải đạp xe về không, nhưng nếu không đi thì cũng không có việc gì làm”.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh cho biết, năm nào cũng vậy cứ tới thời điểm này ở Xuân Du có khoảng 400-500 lao động toả đi tìm việc làm. Họ làm đủ mọi việc từ phụ hồ, trông giữ trẻ, thu mua đồng nát, sắt vụn, miễn sao có tiền về sắm Tết.

Cũng theo ông Sinh, Xuân Du là địa phương trồng đào cảnh nhiều nhưng phải cách Tết 15 ngày, bà con mới quay về để đi bán đào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem