Lao động trẻ em lĩnh vực nông nghiệp: Khó kiểm soát, khó với tới

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ hai, ngày 21/12/2020 07:03 AM (GMT+7)
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc trẻ em phải lao động sớm, trở thành lao động trẻ em chính là do nghèo đói.
Bình luận 0

Giải pháp quyết định để xóa bỏ lao động trẻ em chính là tăng hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo cho gia đình các em - ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) nói khi trả lời PV Báo NTNN/ Dân Việt.

Lao động trẻ em lĩnh vực nông nghiệp: Khó kiểm soát, khó với tới  - Ảnh 1.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Ông nhận thấy gì qua kết quả điều tra quốc gia trẻ em vừa được công bố?

- Nhìn chung, qua kết quả điều tra chúng ta có thể so sánh được chỉ số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế. Chúng ta thấy rằng chỉ số này đã giảm so với giai đoạn trước. Quy mô lao động trẻ em cũng đã thấp so với quy mô khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu (giảm sâu hơn 2%). Điều thứ hai có thể thấy là tỷ lệ trẻ em được đi học trong số lao động trẻ em (LĐTE) đã tăng lên. Rõ ràng việc đi học khiến trẻ em có thể có một công việc và tương lai tốt hơn, bền vững hơn.

Bên cạnh những điểm sáng, kết quả điều tra cũng chỉ ra còn mảng tối và thách thức. Đó chính là vẫn còn hơn 58% trẻ em hoạt động kinh tế là LĐTE. Trong số đó, có hơn 50% LĐTE làm công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Rõ ràng đây là 2 thách thức cần được nhìn nhận.

Tuy nhiên, tỷ lệ LĐTE nặng nhọc vẫn còn cao, nhưng xu thế cũng giảm dần ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu chỉ tồn tại ở khu vực dịch vụ và xây dựng. Đây là khu vực có thể tăng cường kiểm soát, kiểm soát dễ dàng hơn.

Lao động trẻ em lĩnh vực nông nghiệp: Khó kiểm soát, khó với tới  - Ảnh 2.

Trẻ em miền núi, vừa trông em vừa làm việc đồng áng. Ảnh: I.T

Kết quả này cũng cho thấy tỷ lệ LĐTE ở nông nghiệp (khu vực phi chính thức) ở Việt Nam vẫn còn khá cao dù tỷ lệ chung đã giảm. Lý do vì sao thưa ông?

- Sở dĩ chỉ số về LĐTE trong khu vực nông nghiệp (nông - lâm- thủy sản) chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm hơn 60% LĐTE) bởi đây là khu vực khó kiểm soát và khó với tới. Đây là thực trạng chung của cả nước. Trong nghiên cứu cũng chỉ ra phần lớn nguyên nhân dẫn tới LĐTE lại đến từ vấn đề kinh tế và thu nhập. Do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu ở khu vực nông thôn, sinh kế chủ yếu ở nông nghiệp nên tất yếu LĐTE làm ở khu vực nông nghiệp. Do đó, việc tiếp tục thúc đẩy thành tựu của giảm nghèo cũng sẽ góp phần mang lại hiệu quả kép: Vừa giảm nghèo, vừa giảm thiểu tình trạng LĐTE trong thời gian tới.

Vậy Việt Nam đã có những giải pháp nào để giảm thiểu LĐTE trong khu vực này ?

- Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, nhìn nhận công khai, minh bạch về vấn đề LĐTE. Nó thể hiện qua 2 cuộc điều tra quốc gia trẻ em vào năm 2012 và 2018. Điều tra quốc gia này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam về phòng ngừa xóa bỏ LĐTE mà còn cho thấy Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các công ước ILO về xóa bỏ LĐTE. Kết quả từ cuộc điều tra cũng sẽ cho Việt Nam những số liệu, bằng chứng tin cậy để có thể ban hành pháp luật, chính sách xóa bỏ LĐTE.

Về giải pháp, Việt Nam cũng đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 trong đó có quy định rất tiến bộ về lao động vị thành niên trong đó có LĐTE. Hiện nay đang cụ thể hóa quy định này thông qua việc ban hành thông tư hướng dẫn.

Thứ 2, Việt Nam cũng là 1 trong 15 quốc gia tiên phong trong việc thực hiện quy mô toàn cầu xóa bỏ LĐTE ở mục tiêu nghị sự toàn cầu 8.7. Để thực hiện cam kết này, ngay từ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ ban hành chương trình cấp quốc gia về phòng ngừa LĐTE. Chương trình này cùng các chương trình dự án hợp tác quốc tế đã tạo ra những kết quả tích cực trong giảm thiểu LĐTE. Việt Nam cũng là quốc gia có hoạt động mạnh mẽ, hướng nhiều hơn tới khu vực không chính thức, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp hay là làng nghề.

Qua các hoạt động hợp tác quốc tế, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các can thiệp nhằm giảm thiểu LĐTE. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược đồng bộ, kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức, gia đình, nhà trường, xã hội, doanh nghiệp, chính các em. Mặt khác cần tiếp tục tăng hỗ trợ kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo tốt hơn cho gia đình các em; tăng cường các biện pháp hỗ trợ giáo dục và giáo dục nghề nghiệp để trẻ em có cơ hội quay trở lại làm việc. Đặc biệt chúng ta sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý lao động trẻ em, nhất là trong chuỗi cung ứng, khu vực phi chính thức.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem