Lao động trẻ em: Cần sớm ban hành danh mục và vị trí việc làm

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 21/12/2020 06:10 AM (GMT+7)
84% lao động trẻ em tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Khoảng 40,5% lao động trẻ em là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương. Đó là những con số nhức nhối vừa được Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố.
Bình luận 0

Làm việc nặng nhọc, nguy cơ bạo hành

Vừa qua Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức ILO đã tiến hành công bố điều tra quốc gia về lao động trẻ em (LĐTE) lần thứ hai được thực hiện từ năm 2018 tới nay.

Kết quả cho thấy, có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là LĐTE. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa số trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy vậy, tỷ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

“Nhức nhối” lao động trẻ   em ở nông thôn - Ảnh 1.

Trẻ em ở Nghệ An giúp gia đình thu hoạch lúa. Ảnh: Mỹ Hà

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn năm 2021 là Năm Quốc tế về xóa bỏ LĐTE. Để có thể vượt qua những thách thức và thực hiện vai trò là quốc gia tiên phong, Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 và Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2021 - 2030.

Thực tế, thời gian gần đây dư luận xã hội đã ghi nhận rất nhiều vụ xâm hại, bạo hành trẻ em có liên quan đến việc sử dụng LĐTE. Vụ việc gần đây nhất là vụ cậu bé 15 tuổi tại Bắc Ninh bị chủ quán bánh xèo ép làm việc nhiều giờ, bị đánh đập, thậm chí bỏ đói. Trước đó, năm 2010, cậu bé Hào Anh cũng bị đánh đập, tra tấn như thời trung cổ vì bị ép làm việc khi mới chỉ đủ 14 tuổi...

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: "Tình trạng LĐTE vẫn còn khá nhiều ở Việt Nam, tuy nhiên so sánh với kết quả điều tra quốc gia về LĐTE lần thứ nhất được thực hiện năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. LĐTE bao gồm các công việc gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của trẻ, cản trở việc học hành và có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Các em phải làm các công việc trái pháp luật so với độ tuổi, hay quá số giờ các em được phép làm hoặc tính chất công việc các em phải thực hiện".

84% LĐTE ở vùng nông thôn

“Nhức nhối” lao động trẻ   em ở nông thôn - Ảnh 3.

Tuy kết quả của cuộc điều tra cho thấy những tín hiệu tích cực nhưng LĐTE hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều gia đình buộc phải sử dụng LĐTE như một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội. Đồng thời, do hậu quả tàn phá của các trận lũ lụt ở miền Trung gần đây, nguy cơ các gia đình bị ảnh hưởng sẽ phải đối mặt với gánh nặng kép của cả đại dịch lẫn thảm họa thiên nhiên.

Điều tra cũng chỉ ra rằng: có 84% LĐTE tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác có nhiều LĐTE bao gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% LĐTE là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương.

img

Vào cuộc mạnh mẽ phòng ngừa lao động trẻ em

"Chưa có một quốc gia nào thực hiện được một cuộc điều tra toàn diện, số liệu đầy đủ, trung thực, minh bạch như Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo Bộ LĐTBXH có rất nhiều chương trình thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu trong khu vực về phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em".

Ông Robert Gabor - Tham tán kinh tế Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam

img

Nguy cơ bị bóc lột, bạo hành

Trẻ em phải lao động quá sớm có thể làm suy giảm sức khỏe, mất đi cơ hội học hành, tiếp cận với việc làm bền vững, an toàn. Ngoài ra, khi lao động quá sớm, trẻ em trong đó có cả trẻ vị thành niên sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột, bị bạo hành, xâm hại vì ở tuổi các em các em chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để phòng vệ. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều vụ xâm hại, bóc lột được phát hiện trong các vụ việc có sử dụng lao động trẻ em".

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)

M.N (ghi)

TS Chang Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam, đơn vị hỗ trợ điều tra cho biết: "LĐTE thường tồn tại ở các hộ kinh doanh cá thể, không chính thức, thuộc các chuỗi cung ứng nên rất khó phát hiện. Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình không sử dụng LĐTE để hội nhập thị trường toàn cầu".

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thì cho rằng: "Thực tế các vụ việc sử dụng LĐTE ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều. Tình trạng sử dụng lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức như: Làng nghề; làm dịch vụ du lịch; giúp việc gia đình... diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên vẫn chưa có sự tách bạch rõ ràng về vấn đề lao động trẻ em, với học nghề hay LĐTE với lao động vị thành niên, nên nhiều cơ sở vẫn nhập nhằng sử dụng LĐTE".

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, vẫn còn tình trạng sử dụng LĐTE trong lĩnh vực ngư nghiệp, đánh bắt thủy hải sản: "Trong thời gian qua Hiệp hội Thủy hải sản Việt Nam đã thực hiện truyền thông về các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp và không sử dụng LĐTE. Đặc biệt, trong năm, Hiệp hội cũng tổ chức các hội thảo lồng ghép nội dung và 2 khóa đào tạo cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản về thực hiện các quy định về LĐTE trong chuỗi cung ứng thủy sản tại Kiên Giang và Nha Trang cho hơn 100 học viên đến từ hơn 50 đơn vị".

Ông Nam cũng hy vọng thời gian tới Chính phủ, Bộ LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về LĐTE để vừa đáp ứng yêu cầu của các công ước, các FTA thế hệ mới, các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các quy định của ILO và luật pháp quốc tế. Từ đó tạo điều kiện cho các em học tập mà vẫn tham gia lao động trong khả năng của mình, giúp cộng đồng doanh nghiệp có nguồn nhân lực phù hợp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các danh mục công việc và vị trí việc làm có thể cho phép sử dụng lao động từ trên 15 - 18 tuổi theo Bộ luật Lao động mới 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem