Lao động tự do vẫn ngóng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Võ Hồng Nhân Thứ năm, ngày 30/04/2020 12:34 PM (GMT+7)
Những chị bán hàng rong, thu gom phế liệu, những bác xe ôm, đạp xích lô, ... vẫn chưa thể nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Qua truyền thông, những bà bốc vác ở chợ Long Biên đã biết tới gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ giúp người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19. 

Trong những căn trọ ẩm thấp, bốc đủ mùi hôi thối ở Phúc Xá, quận Long Biên, nhiều lao động tự do trông đợi mình được duyệt là đối tượng để được hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng này.

Xóm trọ của "phu khuân vác" ngày dịch Covid-19

Xóm trọ của hàng trăm người bốc vác hàng tại chợ Long Biên nằm sâu trong con ngõ 127 Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) với những lối rẽ ngoằn ngoèo, sâu hun hút, những mái nhà lụp xụp đan xen nhau hòa đủ thứ mùi hôi thối bốc lên từ khu chợ.

img

Người dân xóm trọ Phúc Xá chạy ăn từng bữa trong đợt dịch Covid-19.

Cuộc sống của họ mới trở lại bình thường trong ít ngày gần đây khi chợ Long Biên đông khách hơn, nhưng thu nhập không được nhiều, phần lớn lao động vẫn phải đi nhận gạo từ thiện để sống qua ngày. Vẻ mặt buồn rầu, cô Trường, cô Qúy, cô Với thất thần đi về khi gạo phát tại phường đã không còn. 

img

Cô Trường rưng rưng nước mắt khi nhớ về gia đình.

Chị Đoàn Thị Trường (52 tuổi, quê Hưng Yên) làm nghề bốc vác tại chợ Long Biên hơn chục năm nay. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi con trai ăn học, năm nay đã học lớp 12. 

Nhắc đến gia đình, chị Trường mắt nhòe lệ, nhớ nhà, nhớ con, nhớ bố mẹ nhưng không dám về. Trong những ngày dịch Covid-19 quét qua, công việc bấp bênh, thu nhập giảm nên bữa cơm chỉ rau là phần nhiều.

“Con trai lớn cứ bảo mẹ về đi, ở trên ý làm gì trong thời điểm dịch thế này. Nhưng chú ạ, làm sao mà về được, giờ mà về chỉ có nước đói thôi, ở đây bám trụ được ngày nào hay ngày đấy, cũng có đồng ra đồng vào dù không nhiều”, chị Trường nói.

img

Chị Trường hứng nước do nhà dột, vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên phải bám trụ tại xóm trọ Phúc Xá trong nhiều năm.

Lối vào xóm trọ hun hút, ở đây có hơn 10 phòng, mỗi phòng rộng hơn chục m2, giá cả dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Phần lớn những người tại khu trọ Phúc Xá là phụ nữ, họ từ nhiều nơi về làm phu bốc vác tại chợ.

Dẫn chúng tôi vào nhà, chị Trường không quên cầm theo một cái thau nhựa để hứng đổ nước phía trên mái xuống. Bởi nhà dột , trận mưa hôm trước khiến nước đọng nhiều nên phải đồ đi.

Dù hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng nhắc đến cậu con trai lớn, chị Trường nấc nghẹn: “Năm nay nó thi vào đại học chú ạ, nó quyết tâm lắm nên tôi cũng mừng. Cuộc đời mình đã khổ, nay phải cho con đi học để nó khá hơn. Nếu nó thi đỗ, có đi vay đi mượn tôi cũng cho nó học hành tử tế”.

img

Dãy xe kéo đầu tư gần 4 triệu đồng/chiếc giờ phải nằm xó vì không có việc làm.

Sống cạnh phòng chị Trường, chị Đoàn Thị Quý (47 tuổi, Hưng Yên) cũng hoàn cảnh tương tự. Chồng bài bạc, bỏ đi biền biệt, một mình chị nuôi con trai năm nay tròn 15 tuổi và mẹ già.

“Nghề của chúng tôi ráo mô hôi là hết tiền. Mấy chiếc xe kéo vừa sắm mới giá gần 4 triệu đồng cũng nằm xó cả tháng nay chưa động đến. Mấy hôm nay tôi ra chợ, mà không có người thuê. Có thì cũng rẻ lắm, chở thùng 60kg - 70kg người ta trả cho có 10.000 - 20.000 đồng thôi", cô Qúy kể.

Ngày 28/9, chúng tôi đã mời các chị đến báo NTNN nhận gạo hỗ trợ từ chương trình  "Chia sẻ yêu thương, Lan toả sức sống".

img

Niềm vui của chị Quý khi nhận gạo hỗ trợ từ chương trình "Chia sẻ yêu thương, Lan tỏa sức sống" do Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cùng các nhà tài trợ phối hợp tổ chức.

Ngóng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Trong câu chuyện kể về những khó khăn trong mùa dịch Covid-19, những "phu khuân vác" như chị Quý, chị Trường cũng nhắc đến gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nhưng những lao động tự do như các chị, chưa nắm được cụ thể mình có được hỗ trợ không, phải làm thủ tục ở đâu, gặp ai để được hướng dẫn. 

"Được các cơ quan Nhà nước quan tâm là quý lắm, đang lúc khó khăn có được chút nào mừng chút đấy, nếu được nhận hỗ trợ chúng tôi sẽ có cuộc sống ổn định hơn" - chị Quý cho hay.

img

Chị Đoàn Thị Quý - một người làm nghề khuân vác ở chợ Long Biên, sống trong phòng trọ chật hẹp, chưa đến 10m2 mà ba người ở.

Chúng tôi thông tin đến các chị, nhóm lao động không có giao kết Hợp đồng lao động bị mất việc làm hay còn gọi là nhóm lao động tự do, cũng được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng, nhưng phải đáp ứng được một số điều kiện. 

Cụ thể, là người mất việc làm từ ngày 1/4/2020 đến 30/6/2020 và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời phải cư trú hợp pháp tại địa phương.

Nhóm lao động này làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Sau khi nghe chúng tôi nói, chị Quý lo lắng: "Chúng tôi không đăng kí tạm trú tạm vắng ở đây, hộ khẩu đang ở quê không biết có hỗ trợ không, cũng chưa thấy phường hay chủ nhà thông báo gì với chúng tôi. Tôi có nghe mọi người nói đến gói hỗ trợ chứ chưa thấy tiền đâu cả".

Giữa câu chuyện của chúng tôi và chị Quý, chị Đoàn Thị Trường nói thêm vào: "Nếu được Nhà nước hỗ trợ thì người lao động chúng tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước lắm. Số tiền được hỗ trợ chưa biết là bao nhiêu nhưng sẽ là động lực cho chúng tôi về cả vật chất lẫn tinh thần".

Còn chị Ngô Thị Với (56 tuổi trú tại Ân Thi, Hưng Yên) hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm rà soát, triển khai và có thông báo cụ thể đến những người bốc vác như chị. "Số tiền hỗ trợ trong 3 tháng thực sự là một khoản đáng kể với những người bốc vác như chúng tôi" - chị Với nói.

Chưa thể triển khai

Ngày 29/4, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1757/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các trường hợp gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Nhóm đối tượng nhận hỗ trợ ngay lần này là: người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội.

Theo thống kê của UBND TP.Hà Nội, tổng số đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn Thủ đô vào khoảng 1.447.000 người, với dự kiến kinh phí hỗ trợ lên đến 3.500 tỷ đồng. 

414 nghìn người thuộc nhóm đối tượng trong Quyết định 1757/QĐ-UBND sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ hơn 505 tỷ đồng. Đây là nhóm đối tượng đầu tiên nhận khoản tiền hỗ trợ do gặp khó khăn trong dịch Covid-19.

Trong nhóm đối tượng đầu tiên, chưa có những trường hợp lao động tự do như chị Quý hay chị Trường. 

Trước đó trả lời phỏng vấn Dân Việt, ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, một số địa phương đã thực hiện rà soát, thống kê danh sách và bước đầu hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng đầu (người có công; hộ nghèo, cận nghèo; người bảo trợ) như Hải Phòng, Hà Nam và Hà Nội.

"Riêng một số nhóm khác như lao động tự do, lao động mất việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hay lao động có hợp đồng tạm ngưng việc... thì chưa thể triển khai. Điều này đang khiến cho tiến độ thực hiện bị chậm trễ" - ông Quân nói.  

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng thông tin thêm, với nhóm lao động tự do, phải thực sự khó khăn, giảm sâu thu nhập dưới mức chuẩn nghèo. Đồng thời lao động phải có tạm trú, thường trú. Với lao động cư trú cả hai nơi phải có giấy xác nhận chưa thụ hưởng chính sách ở nơi còn lại mới nhận được hỗ trợ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem