Lao động Việt ở Ả rập Xê út kêu cứu vì bị chủ nhà bạo hành

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 24/03/2017 15:23 PM (GMT+7)
Liên tục trong nhiều ngày cuối tháng 2 và giữa tháng 3 lao động Trịnh Thị Ngà (Hoa Lư, Ninh Bình) đang làm giúp việc cho một gia đình ở Ả rập Xê út kêu cứu vì bị chủ bạo hành. Tuy nhiên, đại diện công ty xuất khẩu lao động đưa chị Ngà đi làm việc lại nói "lỗi của lao động".
Bình luận 0

Trên trang facebook cá nhân của Trịnh Thị Ngà nhiều lần đăng tải các trạng thái cầu cứu. Ví dụ ngày 15.3, lao động này đăng dòng trạng thái: "Xin lỗi bố mẹ, con là đứa con bất hiếu không lo được cho ba mẹ gì cả mà toàn làm khổ ba mẹ thôi. Con xin lỗi!. Nếu hôm nay tôi chết tôi sẽ không tha cho kẻ giết tôi. Tạm biệt ba mẹ, xin lỗi các con yêu. Vợ xin lỗi chồng, xin lỗi tất cả mọi người, em đi đây”. Trạng thái được đăng kèm rất nhiều ảnh nạn nhân chụp lại tay, mặt tím tái vì bị đánh.

Tiếp đó, tới ngày 18.3, lao động này lại viết đơn cầu cứu gửi Bộ LĐTBXH đăng trên facebook cá nhân về việc chị bị gia đình chủ bạo hành và không được trả lương theo đúng hợp đồng mà còn bị nợ lương.

Đơn cầu cứu chị Ngà trình bày, ngày 14.3 lúc bật máy giặt quần áo thì con gái lớn của bà chủ không cho bật với lý do để cho hai con của cô gái ngủ. Chiều cùng ngày, ông chủ về có trách mắng chị Ngà về việc không giặt quần áo, sau đó con gái của chủ đã chửi đánh chị Ngà. Sau khi được bà chủ can ngăn và giải quyết mọi việc mới kết thúc. 

Tới ngày 15.3, khi con gái út bà chủ đi học về, không cởi quần áo để chị Ngà giặt mà đi ngủ luôn. Lúc sau con gái lớn của nhà chủ cầm quần áo ra trách mắng chị Ngà, chị Ngà đã bức xúc nói lại là không muốn giặt. Sau đó con gái bà chủ xông vào đánh đập chị.

Ngoài ra trong lá đơn kêu cứu chị Ngà con cho biết chị bị nhốt trong phòng, bị nợ lương và bị đánh đập rồi đe dọa. 

 img

Một phần trong đơn cầu cứu được chụp lại từ facebook của chị Ngà 

Liên tiếp trong ngày 19.3, nạn nhân đã nhiều lần viết trên facebook cá nhân rằng bị đánh đập, nạn nhân phải bỏ chạy ra ngoài trong đêm tối.

img

Lao động Ngà bị chủ nhà đánh thâm tím tay, mặt (Ảnh nhân vật)

Để làm rõ thông tin lao động kêu cứu, PV đã gọi điện về cho ông Trịnh Văn Giáp (bố chị Ngà). Ông Giáp cho biết, khoảng 2 tuần trước có thấy con gái gọi về nói bị bạo hành và muốn về nước. Hiện tại gia đình không liên lạc được với chị Ngà, thi thoảng chị Ngà có lén nhắn tin hoặc gọi điện về cho gia đình.

“Một vài ngày trở lại đây, tôi không nghe thấy thông tin gì cả, cũng không thấy con gái gọi về. Công ty xuất khẩu lao động có nói từ từ sẽ giải quyết mà không biết lúc nào mới giải quyết xong, lúc nào cháu mới được về nhà” – ông Giáp nói.

Nói về đơn kêu cứu của lao động Trịnh Thị Ngà, ông Tạ Hữu Tuấn – Giám đốc công ty TOLECTO (103, Quán Thánh, Ba Đình) – công ty đưa lao động Ngà sang Ả rập Xê út, cho biết, công ty đã giải quyết xong vụ việc. Lao động Ngà vẫn làm bình thường cho gia đình chủ bên Ả rập Xê út.

“Lỗi này là do lao động, vì lao động đánh con của chủ nhà nên con chủ nhà đánh lại chứ không phải do nhà chủ. Lao động này cứ một vài tháng lại gây chuyện. Tôi rất bức xúc về trường hợp này. Nói thật tôi chỉ muốn cho lao động về ngay thôi. Phía công ty cũng đã tính đến chuyện đổi chủ cho lao động nhưng do lao động này chỉ còn có 4-5 tháng nữa là hết hợp đồng về nước nên rất khó nếu chuyển chủ. Công ty đã gọi điện sang xin lỗi gia đình chủ nhà để lao động tiếp tục làm việc” – ông Tuấn nói.

Mặc dù than vãn về việc lao động không biết tiếng, có những hành vi ứng xử chưa phù hợp trong môi trường làm việc với chủ nhà… nhưng ông Tuấn vẫn khẳng định rằng tất cả lao động đi làm giúp việc đều được công ty đào tạo trước lúc xuất cảnh.

Trả lời Dân Việt ngày 24.3, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục chưa nhận được đơn của lao động nên chưa thể xác minh.

Vị đại diện này cho biết, qua báo chí và mạng xã hội, bà đã có thông tin về vụ việc của lao động Trịnh Thị Ngà cách đây 2-3 ngày. Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết chưa tiếp nhận được đơn thư cầu cứu của  lao động và người thân của lao động gửi. 

"Hiện giờ chúng tôi chỉ có thể cập nhật thông tin về Đại sứ quán Việt Nam để nếu cần lao động có thể qua đó đề nghị được hỗ trợ. Hiện tại Cục cũng không có cách nào để đề nghị công ty xác minh bởi không có đơn cầu cứu của lao động và người thân lao động gửi" – bà này nói. 

Theo ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, trước thực trạng một số báo chí đưa tin về những bất ổn, lộn xộn trong việc cung ứng lao động đi làm việc ở Ả-rập Xê-út, Bộ đang tính đến các giải pháp siết lại thị trường này. Nội dung các giải pháp nằm trong Dự thảo hướng dẫn cho lao động Việt Nam đi làm việc ở một số thị trường mà Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến.

Ông Nam cũng chia sẻ, hiện mức lương khởi điểm của lao động làm giúp việc bên Ả rập Xê út  khoảng 13.000 Riyals (tương đương khoảng 7 triệu đồng). Những tháng sau sẽ tăng dần đều lên 8,5 triệu rồi 10 triệu đồng nếu làm tốt công việc được giao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem