Lẽ ra khi về nghỉ hưu, nhiều người chọn cho mình một cuộc sống an nhàn tuổi già thì ông Ba Liêm lại chọn cách gắn bó với nông dân. Ông cho biết, ngày xưa, khi còn làm công tác Mặt trận, tiếp xúc nhiều với nông dân, ông luôn tâm niệm phải làm một công việc gì đó thực tế thì dân mới tin và làm theo. Chính vì vậy, ngay khi còn là cán bộ, ông đã thuê một mảnh đất để thử làm vườn. Đến ngày về hưu, năm 2008, ông mua hẳn mảnh đất rừng 7 ha tại Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh để trồng cây ăn trái, chăn nuôi kết hợp trồng rừng.
Ông Ba Liêm tự tay lắp hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái..
Đến thăm vườn của ông Ba Liêm vào những ngày cuối vụ quýt. Ông rất phấn khởi vì tiếp tục có một năm thắng lợi. Trúng mùa được giá, chỉ riêng cây quýt mang về cho ồng doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Nhiều năm liên tiếp mô hình kinh tế vườn của ông khẳng định được hiệu quả và cho lợi nhuận.
Ông Ba Liêm chia sẻ: “Năm rồi số quýt thu được trên 50 tấn và tính giá thị trường thì tôi có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Thu nhập từ cá, heo rừng cũng gần 100 triệu đồng. Tính ra thu lãi 1 ha đất cũng trên 200 triệu đồng”.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông đã trải qua không ít thất bại. Hàng ngàn gốc quýt mới trồng 2 vụ đầu đều bị chết. Không nản lòng, ông nhờ kỹ sư của Trường Đại học Cần Thơ tư vấn kỹ thuật. Ông đúc kết kinh nghiệm rằng, muốn trồng cây ăn trái ở vùng rừng U Minh phải lấy đất thật sâu từ 5 m trở lên mới thoát khỏi tầng phèn. Cách làm này vừa lấy được đất tốt, vừa có nước ngọt để tưới cây và ao nuôi cá. Đồng thời, để có vốn chờ thu hoạch cây ăn trái, những năm đầu ông trồng hoa màu xen canh để “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Ba Liêm cho biết: “U Minh đang chứa đựng tiềm năng rất lớn, nếu được bố trí tốt, được khơi thông, được hướng dẫn kỹ thì hộ nông dân nào cũng có thể làm giàu được. Những năm qua, dù cây rừng mag lại hiệu quả kinh tế, nhưng thời gian của cây rừng dài trong khi diện tích đất còn lại bà con phát huy chưa tốt. Tôi nghĩ, với diện tích từ 1-3 ha được chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hoàn toàn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, thu nhập 200-300 triệu đồng/ha đối với người dân U Minh. Tuy nhiên, người dân cần vượt qua thử thách ban đầu”.
Từ khi về hưu, ông đã trở thành nông dân thứ thiệt. Ngoài thuê vài người làm thì nhiều việc do chính ông đảm nhiệm. Ngày chúng tôi đến, ông đang đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho mảnh vườn hơn 4 ha của mình, kinh phí hơn 140 triệu đồng. Song, theo ông, đầu tư hệ thống này chỉ cần 1 năm sẽ hoàn vốn do đỡ tốn nhân công mà lại tiết kiệm được lượng nước tưới.Ông Trần Huy Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh, cho biết: “Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp của ông Ba Liêm rất hiệu quả. Chính vì vậy, trong các lớp tập huấn, Hội Nông dân huyện tổ chức cho hội viên đến học cách trồng cây ăn trái của ông. Nhiều hộ áp dụng thành công”.
Thu nhập hơn tỷ đồng mỗi năm, nhưng ông không có ý định dừng lại. Hiện ông Ba Liêm đang trồng thêm một số cây trồng khác như: bưởi, vú sữa, cam, tiêu, thanh long, kết hợp nuôi cá, heo rừng. Bên cạnh nguồn thu chính là 5.000 gốc quýt, các loại cây trồng, vật nuôi khác cũng mang về cho ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông cũng đang tính toán để đầu tư thử nghiệm làm du lịch sinh thái.
Ông Ba Liêm tâm đắc: “Tôi cho rằng, nếu chúng ta tổ chức tốt, ngoài việc canh tác sản xuất thì có thể tạo ra một sản phẩm đó là du lịch sinh thái miệt vườn. Tuy nhiên, cách làm này cần có sự góp sức chung của cộng đồng, cả xóm, cả làng cùng làm sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Trong từng gia đình cần được huấn luyện cách sống, một cách độc đáo riêng đặc trưng của U Minh”.
Dám nghĩ, dám làm, lão nông Ba Liêm đã vượt qua nhiều khó khăn để cây đơm hoa, kết trái trên vùng đất khó. Mặc dù đạt được nhiều thành công, nhưng ông không nhận mình là nông dân sản xuất giỏi. Cái mà ông quan tâm là làm sao nhân rộng mô hình, có vốn để bà con mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư vườn cây ăn trái để cùng ông làm giàu ở vùng rừng U Minh Hạ./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.