|
Ông Bảy Trưởng bên chiếc cầu dây giăng do mình xây dựng. |
Ông là Lê Quang Trưởng (Bảy Trưởng), 57 tuổi sinh sống ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, An Giang.
Cây cầu đầu tiên
Nơi ông Bảy Trưởng sinh sống có nhiều kênh rạch chằng chịt. Cầu bắc qua kênh rất ít, chủ yếu là cầu khỉ, cầu ván không có lan can, gây nguy hiểm cho người qua cầu đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Trước nỗi khó khăn và bất tiện mỗi lần qua kênh, rạch của người dân, ông Bảy Trưởng cùng một số bạn bè, thanh niên có tinh thần làm việc thiện đã lập đội xây cầu từ thiện gồm 15 người đi vận động người dân, xin kinh phí chính quyền địa phương để xây cầu.
Ban đầu, đội của ông Bảy Trưởng chủ yếu làm cầu gỗ, cầu bê tông. Cơ duyên cầu dây giăng đến với ông vào năm 1997. Nhân chuyến đi tham quan cây cầu mới ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, lần đâu tiên ông tận mắt thấy cây cầu dây giăng.
Thông thường, cầu dây giăng do đội xây cầu ông Bảy Trưởng làm chiều dài 30m, chiều ngang 2,6m, độ cao của cầu cách mặt nước 7m. Mỗi cây cầu trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, ông Bảy Trưởng được biết loại cầu dây giăng là sự kết hợp giữa trụ bêtông, dây cáp giữ nhịp, nhịp cầu làm bằng gỗ, ván… tuổi thọ cao hơn cầu gỗ khoảng 30 năm, chi phí xây cầu "nhẹ" hơn cầu bêtông. Cầu dây giăng lại "duyên dáng" hơn cầu gỗ và cầu bêtông.
Quan sát kỹ từng cây trụ, từng sợi dây cáp giữ nhịp cầu đến tấm ván lót cầu, về nhà, ông vẽ "thiết kế" cầu dây giăng và dự trù chi phí xây cầu. Cầm bản "thiết kế", dự trù chi phí, ông trình chính quyền địa phương, đưa từng người dân xem, đồng thời thuyết phục chính quyền địa phương và người dân cho ông xây cây cầu dây giăng đầu tiên tại địa phương. Biết ông là người hay làm việc thiện, chính quyền và bà con tin tưởng giao ông xây cầu. Chính quyền hỗ trợ kinh phí; bà con người quyên tiền, người phụ trách nấu ăn, tiếp nước cho đội xây cầu, người góp sức xây cầu dây giăng.
Đến hàng chục chiếc cầu
Ông Bảy Trưởng cho biết, những cây cầu dây giăng ban đầu đội ông làm tuy bền và chắc, nhưng chưa đẹp. Thế nhưng, vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm những cây cầu về sau không chỉ bền mà còn có tính thẩm mỹ cao.
Tiếng lành đồn xa, người dân ở huyện, thị trong tỉnh An Giang, liên tục mời đội xây cầu từ thiện ông Bảy Trưởng đến xây cầu dây giăng. Ông Bảy Trưởng cho biết, sở dĩ đội xây cầu từ thiện được bà con tín nhiệm, vì đội của ông không nhận bất kỳ đồng công làm cầu nào; vật liệu xây cầu do bà con đóng góp, chính quyền hỗ trợ. Trong quá trình xây cầu dây giăng, ông đều công khai, minh bạch chi phí xây cầu, tên những cá nhân, tập thể đóng góp xây cầu.
Ông Trần Văn Điệp - nguyên Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung cho hay, nhờ những câu cầu dây văng đội xây cầu của ông Bay Trưởng làm, bà con đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Bác Văn Tiệp, 60 tuổi, nhà gần cầu An Quới phấn khởi: “Từ khi có cây cầu An Quới do đội xây cầu từ thiện ông Bảy Trưởng làm, người dân qua lại kênh thuận lợi, bọn trẻ đi học an toàn”.
Sau khi bàn giao xong ba cây cầu dây giăng (cầu kênh 30/4, cầu Tầm Hóa và cầu An Quới) cho chính quyền và nhân dân địa phương, đội xây cầu từ thiện (hơn 15 thành viên) do ông Bảy Trưởng chỉ huy, chuẩn bị đến U Minh, Cà Mau xây cầu dây giăng cho người dân.
Long Vân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.